Tài chính quốc tế

Bữa sáng 10.000 đồng: 'Căn bệnh Nhật Bản' lan rộng ở Trung Quốc

(VNF) - Nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng giảm phát ngày càng rõ ràng hơn khi "vật giá xuống thang" vẫn chưa đủ hấp dẫn để người tiêu dùng mạnh tay móc hầu bao.

Bữa sáng 10.000 đồng: 'Căn bệnh Nhật Bản' lan rộng ở Trung Quốc

Nền kinh tế Trung Quốc ảm đạm vì giảm phát.

Tại chuỗi nhà hàng Nanchengxiang ở Bắc Kinh, khách hàng có thể tận hưởng bữa sáng tự chọn gồm 3 món cháo, sữa và súp chua cay với tổng cộng chỉ 3 NDT (gần 10.000 đồng). Bữa sáng giá siêu rẻ này đã trở thành lựa chọn của nhiều người tại Trung Quốc trong thời gian gần đây.

Đây là một ví dụ điển hình cho thấy thực tế của tình trạng giảm phát đang diễn ra tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tờ Reuters nhận định.

Kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với giảm phát giống như Nhật Bản trước đây.

Nếu như các quốc gia phương Tây đang phải chống chọi lại “cơn bão” lạm phát thì tại Trung Quốc, tình trạng giảm phát đang khiến giới chức Bắc Kinh lo lắng.

Sức tiêu dùng kém của người dân Trung Quốc trong thời gian qua gợi nhớ đến câu chuyện giảm phát từng xảy ra tại Nhật Bản vào những năm 1990. Nếu tình trạng này kéo dài, sự tăng trưởng kinh tế sẽ bị chậm lại, nhiều chuyên gia cho hay.

Không giống như ở các nước phương Tây, người dân Trung Quốc phần lớn phải tự lo liệu tài chính trong thời kỳ đại dịch Covid-19 mà ít có sự trợ cấp từ phía chính phủ. Chính vì thế, sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại, với tiền lương hầu như không thay đổi và thị trường việc làm bấp bênh, nhiều người dân đã không sẵn sàng mở hầu bao như dự đoán của một số nhà kinh tế trước đó.

Trước sức mua yếu hơn của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang đưa ra các chiến lược giảm giá và ưu đãi nhiều hơn.

Phó Giám đốc Liên minh xúc tiến an toàn thực phẩm tỉnh Quảng Đông Zhu Danpeng cho biết: “Các chiến lược giảm giá của doanh nghiệp mang đến cho người tiêu dùng nội địa những lựa chọn đáng đồng tiền bát gạo hơn, phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay”.

Người tiêu dùng Trung Quốc "thắt lưng buộc bụng" sau đại dịch Covid-19.

Các cửa hàng trung tâm của Nanchengxiang liên tục chật kín người kể từ khi có bữa sáng giá 3 NDT. Tuy nhiên, khi được hỏi về tỷ suất lợi nhuận, ban quản lý của Nanchengxiang đã từ chối trả lời.

Xishaoye, một cửa hàng bánh mỳ kẹp thịt có trụ sở tại Bắc Kinh đã giảm giá nhiều mặt hàng của mình. Trong khi đó Yum China, nhà điều hành KFC tại Trung Quốc, đang thu hút khách hàng với thực đơn gồm bánh mì kẹp thịt, đồ ăn nhẹ và đồ uống với giá chỉ 19,9 NDT (65.000 đồng).

Tuy nhiên, cuộc chiến giá cả giữa các nhà hàng ở Trung Quốc có thể gây hại cho các doanh nghiệp nhỏ hơn khi họ phải vật lộn để theo kịp mức chiết khấu hấp dẫn của những doanh nghiệp lớn hơn. Các doanh nghiệp cũng phải chịu áp lực trong việc tìm kiếm lợi nhuận.

Tình trạng giảm phát của Trung Quốc đang ngày càng trở nên đáng báo động hơn.

Nền kinh tế Trung Quốc liên tiếp đón nhận những tin tức không mấy vui vẻ trong thời gian qua. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố vào ngày 9/8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của Trung Quốc giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, chỉ số PPI cũng giảm 4,4% so với tháng 7 năm ngoái, đánh dấu tháng thứ 10 giảm liên tiếp.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc chứng kiến cả CPI và PPI cùng giảm kể từ tháng 11/2020. Nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại trước những áp lực từ sự sụp đổ của thị trường bất động sản, nhu cầu hàng hóa xuất khẩu giảm và xu hướng thắt lưng buộc bụng của người dân.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã cố gắng củng cố niềm tin của người tiêu dùng thông qua việc tung ra các gói hỗ trợ như giảm lãi suất và ưu đãi thuế cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cho đến nay, chính quyền Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra gói kích thích quy mô lớn nào. Chuyên gia tài chính tại Đại học Cornell, ông Eswar Prasad, cho rằng chính phủ Trung Quốc cần có những hành động nhanh chóng và dứt khoát hơn để tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế và hạn chế giảm phát trước khi vấn đề vượt quá tầm kiểm soát.

Tin mới lên