Bước đi chiến lược của Kido: Tập đoàn mẹ sở hữu toàn bộ thương hiệu trong hệ sinh thái

Hải Đường - 04/01/2025 10:30 (GMT+7)

(VNF) - Kể từ đầu năm 2022, KIDO đã tiến hành các thủ tục để chuyển toàn bộ thương hiệu, nhãn hiệu từ các công ty con, công ty thành viên về mình, bao gồm Vocarimex, Dầu thực vật Tường An, KIDO Nhà Bè và KDF.

Nóng các vấn đề về nhãn hiệu, thương hiệu

Trong phiên họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2025 sắp tới đây, Tập đoàn KIDO (HoSE: KDC) dự kiến trình các cổ đông về 4 nội dung chính, bao gồm các vấn đề bổ sung trong giao dịch bán cổ phần của Công ty Cổ phần Thực phẩm Đông Lạnh KIDO (KDF) do KIDO sở hữu; nhãn hiệu Celano, nhãn hiệu Merino và thương hiệu KIDO.

Theo đó, vào tháng 4/2023, KIDO đã thực hiện chuyển nhượng 24,03% cổ phần KDF cho Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng NutiFood (Nutifood), qua đó hạ tỷ lệ sở hữu tại KDF từ 73% xuống còn 49%. Ngược lại, Nutifood tăng tỷ lệ sở hữu lên mức 51%, qua đó KDF trở thành công ty con của Nutifood, và chỉ còn là công ty liên kết của KIDO.

Các thủ tục được hoàn tất vào tháng 9/2024. Ở thời điểm đó, ông Trần Bảo Minh, Phó chủ tịch HĐQT Nutifood từng chia sẻ rằng thương vụ này cho phép Nutifood làm chủ một hệ thống phân phối ngành hàng đông lạnh với hàng trăm nghìn tủ kem bao phủ rộng khắp từ điểm bán lẻ truyền thống, bán lẻ hiện đại cho đến nhà hàng, khách sạn, các điểm vui chơi giải trí... trên cả nước.

KIDO hiện đang sở hữu nhiều nhãn hiệu, thương hiệu có tiếng tăm trên thị trường

Chỉ sau khoảng 3 tháng, giao dịch vốn đã kết thúc tiếp tục là chủ đề thảo luận khi ban kiểm soát của KIDO đề nghị ĐHĐCĐ xem xét và cho ý kiến về việc KDF đang sử dụng các nhãn hiệu thuộc quyền sở hữu của KIDO. Vấn đề được coi là trọng yếu và cần được đưa ra ĐHĐCĐ thảo luận và biểu quyết.

Các nhãn hiệu mà KDF đang sử dụng bao gồm Celano và Merino, hai dòng kem quen thuộc đang được hàng triệu người tiêu dùng lựa chọn.

Theo KIDO, kể từ đầu năm 2022, doanh nghiệp này đã tiến hành các thủ tục để chuyển toàn bộ thương hiệu, nhãn hiệu từ các công ty con, công ty thành viên về KIDO, bao gồm Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex), Công ty Cổ phần Dầu thực vật Tường An (TAC), Công ty TNHH KIDO Nhà Bè (KDNB) và KDF.

Trong đó, 34 thương hiệu, nhãn hiệu đến từ KDF, bao gồm MERINOX, MERINO YEAH!, MERINO SUPERTEEN, MERINO KOOL, CELANO, CELANO PLATINUM, M, WEL YO, SỮA CHUA WEL YO Beauty, SỮA CHUA WEL YO Family, HALLO,… Sau đó, KIDO sở hữu và quản lý toàn bộ thương hiệu, nhãn hiệu sử dụng tại các công ty con và công ty thành viên.

Với việc KIDO giảm tỷ lệ sở hữu và KDF trở thành công ty liên kết, ban lãnh đạo KIDO cho rằng vấn đề khai thác và sử dụng các nhãn hiệu Celano và Merino cần được ĐHĐCĐ cho ý kiến. Doanh nghiệp này đã đưa ra 3 phương án.

Một là giữ quyền sở hữu tại KIDO nhằm bảo vệ giá trị thương hiệu, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của thương hiệu. Hai là quyền sử dụng, uỷ quyền cho một bên thứ ba ngoài KIDO và công ty con sử dụng. Ba là uỷ quyền cho HĐQT và/hoặc tổng giám đốc của KIDO thực hiện các giao dịch liên quan và các hợp đồng, thoả thuận, tài liệu liên quan, kể cả các thoả thuận sửa đổi, bổ sung, chấm dứt, thay thế các giao dịch liên quan (nếu có) đến hai nhãn hiệu Celano và Merino.

Với thương hiệu KIDO, ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng đưa ra ba phương án tương tự để ĐHĐCĐ xem xét. Theo KIDO, quyền sở hữu trí tuệ đang ngày càng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc khuyến khích, thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo của doanh nghiệp và toàn xã hội để xây dựng nên một doanh nghiệp.

Kế hoạch năm 2024 gặp nhiều thách thức

Nhận định về nền kinh tế năm 2024, KIDO cho biết diễn biến tình hình thế giới phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố bất định,... Trong nước, tình hình kinh tế - xã hội cơ bản ổn định tuy nhiên, liên tục đối diện với nhiều khó khăn bởi tác động thiên tai, bão, lụt gây thiệt hại nặng nề chưa từng có, sức mua thị trường có xu hướng giảm, tiêu dùng thông minh.

“Tại KIDO, dù đã triển khai nhiều hoạt động, thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của các ngành hàng nhưng trước bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng của tập đoàn vẫn chưa đáp ứng kế hoạch kinh doanh đặt ra, một số dự án mua bán, sáp nhập của công ty chưa thực hiện đúng tiến độ và một số khoản trích lập dự phòng chưa được hoàn nhập”, KIDO cho biết.

Được biết, năm 2024, ĐHĐCĐ KIDO đã thông qua kế hoạch kinh doanh hợp nhất với doanh thu thuần mục tiêu đạt 13.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với mức thực hiện năm 2023. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 800 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với thực hiện năm 2023.

Luỹ kế 9 tháng năm 2024, KIDO ghi nhận 5.776 tỷ đồng doanh thu thuần và 70,2 tỷ đồng lãi trước thuế, hoàn thành 44% kế hoạch về doanh thu và vỏn vẹn gần 9% kế hoạch về lợi nhuân. Với những hé lộ mới nhất của ban lãnh đạo, doanh nghiệp nhiều khả năng không thể hoàn thành mục tiêu đã đề ra sau khi khép lại năm 2024.

Với các hoạt động M&A, trong năm 2024, KIDO đã tiến hành giao dịch cổ phiếu quỹ để chia cho cổ đông hiện hữu và hoàn tất giao dịch mua 58,5% cổ phần tại Công ty Cổ phần Hùng Vương, đơn vị sở hữu Hùng Vương Plaza.

Một kế hoạch M&A được ban lãnh đạo đề cập trong phiên họp thường niên năm 2024 là mua lại Vạn Hạnh Mall. Tuy nhiên, giao dịch này hiện vẫn chưa có những thông tin mới kể từ ĐHĐCĐ thường niên.

Quý III/2024, KIDO báo lãi sau thuế ở mức 21 tỷ đồng

Quý III/2024, KIDO báo lãi sau thuế ở mức 21 tỷ đồng

Tiêu điểm
(VNF) - Công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO (HoSE: KDC) tiếp tục công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 ghi nhận lãi sau thuế đạt hơn 21 tỷ đồng.
Cùng chuyên mục
Tin khác