Cả trăm dự án bỏ hoang ở Hà Nội: Khi nào thu hồi?

Trần Hoàng - 17/09/2020 07:24 (GMT+7)

Không ít dự án được quy hoạch trải qua 2 thập kỷ nhưng vẫn bất động. Đặc biệt tại các huyện ngoại thành như Mê Linh, Hoài Đức… các dự án đắp chiếu càng nhiều.

VNF
Một dự án bỏ hoang tại huyện Mê Linh, Hà Nội.

Với gần 50 dự án đầu tư ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm quy định của Luật Đất đai, huyện Mê Linh (Hà Nội) đang ở top đầu địa phương có nhiều dự án bỏ hoang nhất.

Dự án khu đô thị (KĐT) Minh Đức rộng 17,1 ha do Công ty TNHH Minh Đức là chủ đầu tư (CĐT), dù được chấp thuận chủ trương cho thực hiện dự án từ năm 2008 nhưng nay vẫn chỉ là bãi cỏ; khu nhà ở thuộc xã Quang Minh với quy mô gần 22ha hiện vẫn còn diện tích chưa giải phóng mặt bằng (GPMB); khu du lịch 79 mùa xuân của Công ty Cổ phần An Phát (Toàn Thắng) tại xã Thanh Lâm với quy mô gần 100 ha đến nay vẫn là bãi cỏ để chăn thả gia súc.

Lâu đời hơn cả phải kể đến dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) do Tổng công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng - Licogi làm CĐT, kéo dài suốt 16 năm. Dự án được giao đất từ năm 2004, nhưng tới nay vẫn nằm là bãi đất hoang xen kẹt với hàng chục hộ dân vẫn chưa nhận tiền đền bù để giải phóng mặt bằng (GPMB).

Theo chị T, người dân tại tổ 42 Giáp Tứ (phường Thịnh Liệt), kể từ khi có quyết định thu hồi đất lập phương án đền bù GPMB đến nay đã hơn chục năm, dự án treo khiến hàng trăm hộ dân nằm trong phạm vi dự án không được hưởng những quyền lợi vốn dĩ phải có như hộ khẩu, con cái phải học trái tuyến…

Dự án trung tâm thương mại - văn phòng Xuân La có diện tích khoảng 2.065m2 nằm ngay mặt đường Xuân La, Tây Hồ, điểm được coi là “đất vàng” của quận Tây Hồ cũng đang bị bỏ hoang 10 năm qua.

Theo báo cáo của Sở TN&MT Hà Nội, nguyên nhân đến nay dự án vẫn chưa được triển khai là do CĐT chưa nộp nghĩa vụ tài chính khi trúng đấu giá là hơn 33 tỷ đồng và nghĩa vụ tài chính bổ sung là 20,6 tỷ đồng.

Phân loại dự án bỏ hoang để thu hồi

Lãnh đạo UBND huyện Mê Linh cho biết, một số dự án đô thị trên địa bàn huyện còn vướng mắc, chưa được tháo gỡ, không chỉ gây lãng phí tài nguyên mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, đất canh tác của người dân, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân địa phương.

Thời gian tới, huyện chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, sở, ngành liên quan để kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong triển khai các quy hoạch, nhất là việc điều chỉnh quy hoạch dự án đô thị trên địa bàn huyện.

“Huyện đã có báo cáo, đề nghị UBND thành phố sớm giải quyết vướng mắc thuộc thẩm quyền thành phố và thu hồi dự án chậm triển khai, để đất hoang hóa, không có khả năng thực hiện. thành phố đã cho ý kiến gia hạn cho 4 dự án, thu hồi 4 dự án”, lãnh đạo huyện Mê Linh thông tin.

Trong công văn gửi báo Tiền Phong về các dự án chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội, Sở TN&MT Hà Nội cho biết, vừa qua, Sở đã thanh, kiểm tra 379 dự án. Trong đó 28 dự án với 1.844 ha đất đã kiến nghị trình UBND thành phố thu hồi đất. 25 dự án với 39 ha đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, Sở kiến nghị gia hạn 24 tháng, yêu CĐT nộp khoản tiền tương ứng với tiền sử dụng đất trong 24 tháng. Hết thời hạn trên sẽ thu hồi.

87 dự án đã được đề nghị đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai, sử dụng đất với nhiều lý do như: đang trong tiến độ thực hiện dự án; có quyết định giao đất nhưng chậm hoàn thành GPMB; chậm hoàn thành nghĩa vụ tài chính...

Lãnh đạo Sở TN&MT Hà Nội khẳng định: đối với các dự án CĐT chây ì, cố tình ôm đất, Sở sẽ kiến nghị không giao đất, giao dự án mới; không xem xét gia hạn thời gian sử dụng đất, thời gian nộp tiền sử dụng đất, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đối với dự án sử dụng đất sai mục đích.

Theo một chuyên gia về bất động sản, sau khi Thủ tướng yêu cầu Hà Nội rà soát các dự án bỏ hoang, các dự án đã có những động thái tích cực, các CĐT không còn dám “chây ì” thêm. Vị này cũng lưu ý, cần làm rõ khái niệm thế nào mới là chậm.

“Nếu giao đất cho anh rồi, anh không triển khai thì là chậm, những CĐT này cần có chế tài xử lý mạnh. Nhưng ở Hà Nội có nhiều dự án chưa GPMB xong, chưa giao đất cho CĐT… thì không thể trách CĐT. Cái đó phải xem trách nhiệm của đơn vị nào thì xử lý đơn vị đó”, vị này cho hay. 

Theo TPO
Cùng chuyên mục
Tin khác