Bất động sản

Cả trăm dự án đầu tư công giải ngân '0 đồng', lãnh đạo TP. HCM giải trình lý do

(VNF) - Thường trực Hội đồng Nhân dân TP. HCM vừa có phiên họp giải trình về kết quả thực hiện pháp luật đầu tư công trên địa bàn TP. HCM.

Cả trăm dự án đầu tư công giải ngân '0 đồng', lãnh đạo TP. HCM giải trình lý do

Còn cả trăm dự án đầu tư công giải ngân '0 đồng', các lãnh đạo TP. HCM nêu lý do (ảnh minh họa)

Liên quan về chậm giải ngân vốn, theo bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP. HCM, năm 2022 là năm thứ hai triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được Hội đồng Nhân dân TP. HCM thông qua là gần 35.517 tỷ đồng; UBND TP. HCM đã giao kế hoạch vốn là hơn 29.464 tỷ đồng, đạt 82,95%.

Tính đến ngày 12/8, TP. HCM mới giải ngân đạt tỉ lệ 29% so với tổng kế hoạch vốn được giao.

Theo ông Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng Nhân dân TP. HCM, còn một số hạn chế nhất định trong triển khai thực hiện các quy định pháp luật về đầu tư công; việc lập, trình phê duyệt kế hoạch đầu tư cũng như triển khai, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, đáng chú ý, trong đó còn cả trăm dự án giải ngân 0 đồng.

Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. HCM , trong giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn ngân sách địa phương của Thành phố được Thủ tướng Chính phủ giao là 142.557 tỷ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 21% tổng nhu cầu vốn của thành phố.

Do đó, UBND TP. HCM xây dựng phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công theo định hướng tập trung đầu tư, hoàn thành các dự án chuyển tiếp của Thành phố để nhằm nâng cao hiệu quả, chống lãng phí nguồn vốn đầu tư công đã bố trí cho các dự án trong giai đoạn 2016 - 2020.

TP. HCM bố trí kế hoạch theo đúng Luật Đầu tư công và các Nghị định, hướng dẫn có liên quan; phù hợp đúng nguyên tắc, định hướng đã được Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua.

Dẫn chứng, trên lĩnh vực Giao thông, thành phố đã tập trung các nguồn lực để đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác nhiều hạng mục công trình giao thông trọng điểm; chuẩn bị đầu tư trình Quốc hội, Hội đồng Nhân dân TP xem xét, thông qua chủ trương đầu tư đường Vành đai 3 TP. HCM, đường cao tốc TP. HCM - Mộc Bài, Quốc lộ 50, nút giao An Phú, các dự án nạo vét đảm bảo khai thác hiệu quả các tuyến đường thủy nội địa,...

Theo bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính TP. HCM, nhu cầu nguồn vốn đầu tư của TP. HCM rất lớn. Song, việc phân bổ vốn từ ngân sách Trung ương cũng như phân bổ nguồn thu để lại cho TP. HCM hạn chế nên TP. HCM gặp khó khăn trong cân đối phân bổ vốn đầu tư.

Nhất là năm 2020 và 2021, TP. HCM bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi sản xuất, làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước và làm tăng nhu cầu chi an sinh xã hội… Thực trạng trên đã gián tiếp gây khó khăn cho cân đối vốn đầu tư công trên địa bàn TP. HCM.

Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, giai đoạn 2016-2020 nhu cầu vốn đầu tư công trung hạn của TP. HCM là trên 360.000 tỷ đồng nhưng thực tế chỉ được bố trí 150.000 tỷ đồng. 

Giai đoạn 2021-2025, nhu cầu đầu tư công đối với các lĩnh vực của TP. HCM là 672.000 tỷ đồng, nhưng Trung ương chỉ bố trí 142.000 tỷ đồng, tương đương 21% nhu cầu của thành phố. 

Để tháo gỡ, TP. HCM đã áp dụng hình thức hợp tác công – tư. Ngoài ra, dự kiến giai đoạn 2021- 2025 thành phố sẽ có thêm khoảng 119.000 tỷ từ nguồn vốn tự cân đối thu chi để bố trí cho các quận, huyện thực hiện các dự án ưu tiên.

Liên quan đến các dự án được người dân đặc biệt quan tâm như dự án tuyến cao tốc TP. HCM – Mộc Bài (Tây Ninh) kết nối với đường Vành đai 3 và dự án rạch Xuyên Tâm chạy qua địa bàn quận Bình Thạnh và quận Gò Vấp,  thời gian qua UBND TP. HCM đã rất tâm huyết để thực hiện tuy nhiên do nguồn vốn hạn chế nên chưa thể thực hiện. 

Đối với dự án cao tốc TP. HCM - Mộc Bài, TP. HCM đang chuẩn bị kêu gọi đầu tư theo hình thức hợp tác công tư. Do TP. HCM là địa phương tự thu tự chi và để có vốn thực hiện dự án này, các sở ngành, UBND TP. HCM cũng đã kiến nghị Trung ương cho phép Hội đồng Nhân dân TP. HCM có thể quyết định nguồn thu, sử dụng nguồn thu tự có để thực hiện đầu tư dự án. 

Đối với dự án rạch Xuyên Tâm, vừa qua lãnh đạo TP. HCM đã ban hành quyết định thành lập tổ công tác do Sở Xây dựng làm tổ trưởng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án này. Trong đó, vấn đề về vốn là vấn đề đáng quan tâm vì riêng vốn để bồi thường giải phóng mặt bằng cũng đã chiếm 5.900 tỷ đồng. 

Trong khi đó, dọc theo rạch Xuyên Tâm có những khu vực đất công có thể sử dụng để đấu giá, thu hồi vốn, do đó UBND TP. HCM cũng đã giao cho Sở Tài chính nghiên cứu làm sao để có nguồn thu từ các khu đất công này để có vốn đầu tư thực hiện dự án.

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. HCM, năm 2022 ngành giao thông có 29 dự án thuộc diện trọng điểm, cấp bách. Trong đó có 11 dự án chuẩn bị đầu tư, 18 dự án đang được triển khai được người dân đặc biệt quan tâm và bức xúc vì thời gian thực hiện dự án kéo dài. 

Nguyên nhân dẫn đến thời gian thực hiện dự án kéo dài là do vướng mắc trong việc đền bù giải tỏa mặt bằng, trong đó phương án giá và phương án nền tái định cư; liên quan đến vấn đề ranh quy hoạch; di dời cơ sở hạ tầng; năng lực của các chủ đầu tư liên quan đến từng dự án.

Bên cạnh đó, vấn đề phối hợp giữa các sở ban ngành vẫn chưa được thông suốt.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP. HCM, về việc bồi thường tái định cư liên quan đến đất nông nghiệp trên địa bàn TP. HCM, , việc xác định giá đất ở, đất nông nghiệp để bồi thường là khâu đặc biệt quan trọng vì người dân đồng thuận thì sẽ thu hồi đất nhanh. 

Thời gian vừa qua, giá đất nông nghiệp tăng rất nhanh, trong khi phương án giá bồi thường được xây dựng theo giai đoạn 5 năm nên việc thực hiện bồi thường tái định cư cũng gặp một số vấn đề khó khăn. Hiện nay, khi xây dựng bảng giá bồi thường, mục tiêu của TP. HCM mong muốn bằng hoặc tiệm cận với giá thị trường để nhận được sự đồng thuận của người dân, giúp đẩy nhanh công tác giải tỏa mặt bằng. 

Tin mới lên