Các quản lý của Credit Suisse có thể bị kỷ luật vì ngân hàng rơi vào khủng hoảng

Thuỷ Bình - 27/03/2023 09:04 (GMT+7)

(VNF) - Cơ quan giám sát thị trường tài chính Thụy Sĩ (FINMA) cho biết họ đang xem xét liệu có áp dụng biện pháp kỷ luật đối với các nhà quản lý của Credit Suisse (CS) hay không, sau khi ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sĩ gặp khủng hoảng thanh khoản và được các nhà chức trách dàn xếp một cuộc "ghép đôi" bắt buộc với UBS.

VNF
Dù đã bán lại cho UBS, các nhà quản lý Credit Suisse vẫn có thể bị kỷ luật.

Chủ tịch FINMA Marlene Amstad nói với tờ báo Thụy Sĩ NZZ am Sonntag rằng hiện cơ quan quản lý này "vẫn để ngỏ" thủ tục tố tụng mới đối với các nhà quản lý của Credit Suisse, nhưng trọng tâm chính hiện tại là "giai đoạn chuyển tiếp của vụ sáp nhập" và "duy trì sự ổn định tài chính".

Khi được hỏi liệu FINMA có đang xem xét việc quy trách nhiệm cho các nhà quản lý hiện tại của Credit Suisse về sự sụp đổ của ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ hay không, bà Amstad cho biết FINMA đang "xem xét các lựa chọn".

"CS có một vấn đề về văn hóa dẫn đến việc thiếu trách nhiệm. Nhiều sai lầm đã được thực hiện trong vài năm", NZZ trích lời bà Amstad.

Theo đó, bà Amstad cho biết FINMA đã tiến hành 6 "thủ tục cưỡng chế" công khai chống lại Credit Suisse trong những năm gần đây. “Chúng tôi đã can thiệp và sử dụng những công cụ mạnh nhất của mình”, bà nói về những động thái trước đó của FINMA với Credit Suisse.

Cũng trong bài phỏng vấn mới nhất, Chủ tịch FINMA một lần nữa bảo vệ quyết định về việc ghi giảm khoản nợ trái phiếu cấp 1 (AT1) trị giá 17 tỷ USD đã gâty tranh cãi gần đây. Theo bà Amstad, việc này phù hợp với bản chất của AT1, tức là có thể chuyển đổi thành vốn sở hữu hay xoá bỏ khi vốn pháp định của ngân hàng giảm xuống dưới một ngưỡng nhất định.

Phía Credit Suisse và UBS không bày tỏ quan điểm về những bình luận mới nhất của phía FINMA. 

Về vai trò của FINMA đối với vụ tiếp quản Credit Suisse của UBS tuần trước, trong một cuộc phỏng vấn riêng với tờ báo Thụy Sĩ SonntagsZeitung, Giám đốc điều hành FINMA Urban Angehrn, cho biết cơ quan đã "can thiệp nhất quán và sử dụng các công cụ của mình" với ngân hàng gặp khủng hoảng và đã thành công.

"Chúng tôi không điều hành ngân hàng, trách nhiệm đó thuộc về hội đồng quản trị và ban quản lý ngân hàng", ông Angehrn cho biết.

Xem thêm >> Giám đốc IMF cảnh báo rủi ro từ cuộc khủng hoảng ngân hàng

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác