Công nghệ

Các startup Trung Quốc bị mắc kẹt trong cái bóng của Alibaba và Tencent

Với lượng tiền mặt khổng lồ, hai ông lớn công nghệ Alibaba và Tencent đã nuôi dưỡng một loạt công ty khởi nghiệp (startup) đầy hứa hẹn nhưng sự kiểm soát của họ có thể cản trở các triển vọng phát triển của các startup này trong dài hạn, theo Bloomberg.

Các startup Trung Quốc bị mắc kẹt trong cái bóng của Alibaba và Tencent

Thành hay bại đều nhờ các ông lớn công nghệ

Ngày càng có nhiều công ty công nghệ Trung Quốc tiến hành chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hơn so với các công ty công nghệ ở Mỹ nhờ nguồn tiền đầu tư mạnh mẽ của hai tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc là Alibaba và Tencent. Tuy nhiên, các khoản đầu tư hào phóng của những ông lớn công nghệ này cũng thường kèm theo một cái giá.

Thẩm định các hồ sơ IPO của các startup Trung Quốc cho thấy, trong khi họ được hưởng lợi nhờ tiền tươi đầu tư và các nguồn khách hàng mà Alibaba và Tencent cung cấp, họ cũng cảm nhận các thương vụ đầu tư này như chiếc bẫy. Họ có thể phải cung cấp cho Alibaba và Tencent quyền biểu quyết lớn thông qua các ghế ở hội đồng quản trị cũng như các quyền phủ quyết, dẫn đến nhiều xung đột lợi ích về các quyết định tuyển dụng, sáp nhập, thâu tóm và các quyết định chiến lược khác.

Trong các hồ sơ IPO trong gần hai năm qua, gần 24 startup ở Trung Quốc nhìn nhận Tencent hoặc Alibaba như là các nhân tố rủi ro. Các startup này bao gồm Meituan Dianping, chuyên cung cấp dịch vụ giao đồ ăn và các dịch vụ theo yêu cầu, đã nộp hồ sơ IPO ở Hồng Kông hồi tháng 6 với mục tiêu thu về 6 tỷ USD Mỹ và Pinduoduo, công ty thương mại điện tử chuyên bán hàng cho nhóm mua, vừa huy động được 1,6 tỷ USD trong đợt IPO ở New York hồi tháng 7.

Trong chưa đầy ba năm, Pinduoduo (PDD) đã chứng kiến đà tăng trưởng ngoạn mục. Trong vòng 12 tháng qua, Pinduoduo đã xử lý 39 tỷ USD giá trị giao dịch.

Pinduoduo (PDD) có thể không thành công như ngày nay nếu như không dựa vào nền tảng nhắn tin WeChat được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc của Tencent. Các ứng dụng chat của Tencent đã giúp PDD thâu tóm 344 triệu khách hàng, những người tìm cách kêu gọi bạn bè và người thân cùng tham gia mua một sản phẩm nào đó trên nền tảng của PDD để được giảm giá.

Hồ sơ IPO của PDD cảnh báo nhà đầu tư rằng hoạt động kinh doanh của công ty này có thể bị ảnh hưởng lớn nếu Tencent cắt mối quan hệ hợp tác. Tencent đang sở hữu 17% cổ phần của PDD.

“PDD bị trói buộc vào Tencent nhưng chừng nào hoạt động kinh doanh của nó vẫn tốt, Tencent sẽ tiếp tục hỗ trợ nó. Nếu PDD loạng choạng hay có một công ty khác tốt hơn xuất hiện, không có điều gì có thể ngăn cản Tencent chuyển sang hỗ trợ công ty này”, Brock Silvers, giám đốc điều hành của công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân Kaiyuan Capital ở Thượng Hải, nhận định.

Sức mạnh quyết định của Alibaba, Tencent và Baidu đến sự thành bại ở các công ty tại các thị trường doanh nghiệp và người tiêu dùng rộng lớn của Trung Quốc quá lớn và chưa có tiền lệ, hai nhà phân tích Henry McVey và Frances Lim của công ty quản lý đầu tư KKR & Co. viết trong một báo cáo gần đây.


Người dùng ứng dụng Pinduoduo được mời đến một buổi lễ ở Thượng Hải để chào mừng phiên giao dịch khai trương của cổ phiếu Pinduoduo, ở sàn chứng khoán Nasdaq ở New York (Mỹ) hôm 26-7. Pinduoduo đã thâu tóm hàng trăm triệu người dùng từ ứng dụng nhắn tin WeChat của Tencent. Ảnh: China Daily

Sức ảnh hưởng lớn nhờ lượng người dùng khổng lồ

Tổng cộng, Tencent và Alibaba đầu tư vào 45% trong số 77 công ty Trung Quốc được công ty nghiên cứu thị trường CB Insights định giá từ 1 tỷ USD trở lên. Hai tập đoàn khổng lồ này đã đầu tư tổng cộng 60 tỷ USD tiền mặt và sử dụng các nguồn lực khổng lồ của họ để hỗ trợ ngành công nghệ của Trung Quốc.

Giới phân tích cho rằng khi các lãnh đạo của các Startup bất đồng với các cổ đông góp vốn lớn như Alibaba và Tencent, họ thường chấp nhận thỏa hiệp vì sức ảnh hưởng quá lớn của họ đối với các startup này.

Trong một số trường hợp, lượng tiền mặt dự trữ của các ông lớn công nghệ Trung Quốc có thể không quan trọng bằng khả năng của họ trong việc hướng thị trường đến một công ty khởi nghiệp thông qua lượng người dùng khổng lồ của họ.

Meituan Dianping phát triển dựa vào Tencent với tư cách cổ đông lớn (nắm giữ 20% cổ phần so với mức 11% cổ phần của Wang Xing, người sáng lập Meituan Dianping). Meituan Dianping sử dụng các ứng dụng nhắn tin của Tencent để thu hút sự chú ý của người dùng cho các dịch vụ đặt món ăn nhà hàng, giao đồ ăn và các dịch vụ theo yêu cầu khác.

Meituan Dianping viết trong hồ sơ IPO rằng nền tảng người dùng khổng lồ của Tencent đã giúp công ty này phát triển mạnh mẽ nhưng cũng cảnh báo nhà đầu tư về sự lựa chọn hạn chế về nhà cung cấp dịch vụ thanh toán di động (do ví điện tử Wechat Pay được mặc định là công cụ thanh toán di động cho các hoạt động giao dịch ở nền tảng Meituan Dianping).

Meituan Dianping nói rằng nếu không thể duy trì mối quan hệ hợp tác với Tencent vốn đã ký cam kết cung cấp các dịch vụ thiết yếu này cho công ty này đến tháng 12-2020, hoạt động kinh doanh của Meituan Dianping có thể bị ảnh hưởng xấu.

Khi công ty tìm kiếm trực tuyến lớn thứ hai Trung Quốc Sogou tiến hành IPO vào năm ngoái, Sở chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) yêu cầu Sogou tiết lộ thêm thông tin về mối quan hệ với Tencent. Sau đó, Sogou đã cảnh báo các nhà đầu tư rằng hoạt động kinh doanh của công ty có thể bị giáng một đòn nặng nề nếu như không được tích hợp, như là công cụ tìm kiếm mặc định trên WeChat và các nền tảng khác của Tencent, đang đóng góp 36% trong tổng lưu lượng tìm kiếm ở Sogou.

Sogou cũng cảnh báo nguy cơ Tencent có thể chọn nhà cung cấp khác hoặc tạo ra công cụ tìm kiếm riêng. Tencent đang nắm giữ 52% quyền biểu quyết ở Sogou và có thể thoát ra khỏi một thỏa thuận cho phép Sogou độc quyền tích hợp vào các nền tảng Wechat vào tháng 9-2018. Sogou vẫn chưa cho biết liệu thỏa thuận này có được gia hạn hay không.

Chấp nhận chiều ý các ông lớn

Trong đợt IPO hồi tháng 11 năm ngoái, công ty sách điện tử Trung Quốc China Literature cảnh báo các nhà đầu tư rằng mức cổ phần kiểm soát 53% của Tencent ở công ty này có nghĩa là “các quyết định của Tencent liên quan đến chúng tôi hoặc hoạt động kinh doanh của chúng tôi có thể được giải quyết theo những phương hướng có lợi cho Tencent và “có thể không hài hòa với các lợi ích của chúng tôi và lợi ích của các cổ đông khác của chúng tôi”.

Hôm 14-8, giới đầu tư trên sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông đã bán tháo cổ phiếu của China Literature khiến giá giảm đến 17%, mức giảm giá lớn nhất kể từ IPO sau khi China Literature đồng ý mua lại New Classics Media Corp, một công ty liên kết của Tencent với giá 2,3 tỷ USD. China Literature bảo vệ thương vụ này nhưng giới phân tích nghi ngờ mức giá mua quá cao và giá trị chiến lược đằng sau quyết định thâu tóm này.

Hồi tháng 5, Alibaba dẫn đầu một nhóm đầu tư rót gần 1,4 tỷ USD cho công ty giao hàng ZTO Express có trụ sở tại Thượng Hải để nắm giữ 10% cổ phần của công ty này.

Tuy nhiên, vào thời điểm trước đây khi chưa trở thành cổ đông của ZTO Express, tầm ảnh hưởng của Alibaba đối với hoạt động kinh doanh của ZTO Express đã rất lớn. Nội dung bản cáo bạch trong hồ sơ IPO của ZTO Express nộp cho SEC cho thấy sự hỗ trợ của Alibaba là rất quan trọng. Trong bản báo bạch, ZTO cảnh báo giới đầu tư rằng 75% lượng gói hàng mà công ty giao đến từ Alibaba. Để duy trì và củng cố hợp tác với Alibaba, ZTO buộc phải chiều theo yêu cầu của các đối tác của Alibaba và điều này “có thể gia tăng chi phí kinh doanh của chúng tôi, làm suy yếu mối liên kết của chúng tôi với khách hàng hoặc thậm phí gây rối loạn cho mô hình kinh doanh hiện tại của chúng tôi”.

Tin mới lên