Tài chính

Cách chơi chứng khoán vừa an toàn, vừa sinh lời hiệu quả

(VNF) – Không dễ để tìm được cách chơi chứng khoán hiệu quả. Những lưu ý sau đây sẽ giúp bạn hiểu căn bản về chơi chứng khoán và tìm ra được cách chơi chứng khoán vừa an toàn, vừa sinh lời hiệu quả.

Cách chơi chứng khoán vừa an toàn, vừa sinh lời hiệu quả

Quy tắc đầu tiên khi chơi chứng khoán là phải xác định được khi nào cắt lỗ, khi nào chốt lời

Chơi chứng khoán là gì? Những kiến thức cơ bản để chơi chứng khoán

Để hiểu được chơi chứng khoán là gì, trước tiên bạn phải nắm được chứng khoán là gì.

Chứng khoán là bằng chứng xác nhận bạn đã bỏ tiền ra đầu tư dưới hình thức cho hay trực tiếp hay góp vốn vào công ty cổ phần. Vì thế, chứng khoán là bằng chứng đưa lại cho bạn quyền nhất định, trong đó quyền cơ bản là được hưởng những khoản thu nhập.

Cổ phiếu và trái phiếu là 2 loại chứng khoán chủ yếu, trong đó, cổ phiếu là bằng chứng xác nhận góp vốn, còn trái phiếu là bằng chứng xác nhận cho vay.

Chơi chứng khoán là cách gọi dân dã của việc đầu tư cổ phiếu.

Chứng khoán nói chung và cổ phiếu nói riêng luôn gắn với 3 đặc trưng: khả năng sinh lợi, rủi ro và thanh khoản. Lý tưởng nhất là tìm được cổ phiếu có khả năng sinh lợi cao, rủi ro thấp và thanh khoản cao. Trên thị trường chứng khoán, một số cổ phiếu có khả năng sinh lợi cao, rủi ro thấp nhưng thanh khoản lại không cao, nên có lúc muốn bán cổ phiếu mà không ai mua, muốn mua cổ phiếu mà không ai bán.

Bạn có thể mua cổ phiếu của một công ty trên 3 thị trường chính: thị trường phi tập trung (OTC), thị trường UPCoM và thị trường niêm yết.

Thị trường phi tập trung (OTC), hay thị trường trao tay, là thị trường vận hành theo cơ chế thương lượng. Ví dụ bạn muốn sở hữu cổ phiếu THA của Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco), bạn buộc phải tìm đích danh một người đang sở hữu cổ phiếu THA (có thể trực tiếp tìm hoặc thông qua môi giới) để thỏa thuận mua.

Bạn không thể đặt lệnh mua cổ phiếu THA trên sàn UPCoM, sàn HNX hoặc sàn HoSE vì cổ phiếu này không đăng ký giao dịch trên các sàn này.

Khả năng sinh lợi, rủi ro và thanh khoản là 3 đặc trưng của cổ phiếu mà người chơi chứng khoán cần lưu ý

Thị trường UPCoM, hay còn gọi là sàn UPCoM, là nơi giao dịch cổ phiếu của các công ty đại chúng chưa niêm yết. Bạn có thể đặt lệnh mua, lệnh bán cổ phiếu bình thường trên các sàn này (có thể thông qua viết phiếu đặt lệnh trực tiếp tại công ty chứng khoán mà bạn mở tài khoản, đặt lệnh thông qua gọi điện đến công ty chứng khoán đó hoặc giao dịch online qua tài khoản được công ty chứng khoán cấp).

Tất nhiên, trước khi đặt lệnh, bạn phải nạp tiền vào tài khoản tại công ty chứng khoán.

Cổ phiếu của một công ty muốn lên sàn UPCoM phải đáp ứng được các yêu cầu nhất định của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Các yêu cầu này không quá chặt chẽ.

Biên độ dao động giá cổ phiếu tối đa trong một ngày trên sàn UPCoM hiện là +/- 15%. Ví dụ, cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) mở cửa ngày giao dịch với mức giá 40.000 đồng/cổ phiếu. Trong ngày giao dịch đó, cổ phiếu HVN được phép tăng tối đa lên 46.000 đồng/cổ phiếu (gọi là tăng kịch trần) và giảm tối đa xuống 34.000 đồng/cổ phiếu (gọi là giảm kịch sàn).

Tuy nhiên, riêng trong ngày giao dịch đầu tiên trên sàn UPCoM, biên độ dao động giá là +/- 40%. Khối lượng đặt mua, đặt bán tối thiểu trên sàn UPCoM là 100 cổ phiếu.

Thị trường niêm yết là nơi tập trung các cổ phiếu của các công ty đã đăng ký giao dịch trên sàn HNX (dưới sự quản lý của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội) hoặc sàn HoSE (dưới sự quản lý của Sở giao dịch Chứng khoán TP. HCM).

Các điều kiện để được niêm yết trên sàn HNX hoặc sàn HoSE chặt chẽ hơn nhiều sàn UPCoM, kéo theo yêu cầu về minh bạch thông tin cũng cao hơn, chẳng hạn như các yêu cầu về công bố báo cáo tài chính tự lập, báo cáo tài chính đã kiểm toán, các nghị quyết của HĐQT, các giao dịch nội bộ…

Biên độ dao động giá cổ phiếu tối đa trong một ngày trên sàn HNX là +/- 10%, với khối lượng đặt mua, đặt bán tối thiểu là 100 cổ phiếu.

Biên độ dao động giá cổ phiếu tối đa trong một ngày trên sàn HoSE là +/- 7%, với khối lượng đặt mua, đặt bán tối thiểu là 10 cổ phiếu.

Cách chơi chứng khoán cho người mới bắt đầu

Cần bao nhiêu tiền để chơi chứng khoán? Đây là câu hỏi mà rất nhiều người mới bắt đầu thắc mắc.

Thực ra, cổ phiếu cũng là một loại hàng hóa, giống như mớ rau, quả trứng, lạng thịt. Sàn giao dịch chứng khoán giống như một cái chợ. Mỗi 1 cổ phiếu có một mức giá riêng, giá cũng rất bình dân, thấp nhất là vài trăm đồng, cao nhất cũng chỉ vài trăm nghìn đồng.

Chẳng hạn, cổ phiếu có thị giá cao nhất trên sàn chứng khoán hiện nay là SAB của Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với giá 209.000 đồng.

Bạn chỉ cần lưu ý rằng, số cổ phiếu tối thiểu mua trên sàn UPCoM và HNX là 100 cổ phiếu, còn trên sàn HoSE là 10 cổ phiếu.

Chẳng hạn, cổ phiếu SAB niêm yết trên sàn HoSE nên bạn chỉ cần bỏ ra 2.090.000 đồng để sở hữu 10 cổ phiếu này. Hay như cổ phiếu FLC niêm yết trên sàn HoSE, hiện có mức giá 6.070 đồng thì để sở hữu 10 cổ phiếu này, bạn chỉ cần bỏ ra 60.700 đồng.

Điểm cần lưu ý thứ hai là số cổ phiếu mua phải là bội số của 100 đối với sàn UPCoM và HNX và bội số của 10 đối với sàn HoSE. Bạn không thể đặt lệnh mua 15 cổ phiếu SAB mà chỉ có thể đặt lệnh mua 10, 20, 30,…. cổ phiếu. Hay như trên sàn UPCoM và HNX là 100, 200, 300,… cổ phiếu.

Sau khi hiểu được quy tắc cơ bản trên, bạn chỉ cần đến một công ty chứng khoán để làm thủ tục mở tài khoản chứng khoán. Cách làm thường được áp dụng là tìm một môi giới tin tưởng, có nền tảng kiến thức, kinh nghiệm tốt. Họ không chỉ mở tài khoản cho bạn mà có thể tư vấn cho bạn khi cần.

Những sai lầm khi chơi chứng khoán

Tìm ra cách chơi chứng khoán phù hợp với bản thân không hề là điều dễ dàng. Trước tiên bạn phải nắm được các sai lầm cơ bản và các quy tắc khi chơi chứng khoán.

Sai lầm đầu tiên mà nhiều nhà đầu tư mắc phải là việc nhầm lẫn về chuyện đắt – rẻ của cổ phiếu. Họ cho rằng cổ phiếu có thị giá cao, ví dụ như SAB của Sabeco, là đắt, không nên mua. Ngược lại, cổ phiếu có thị giá thấp, ví dụ như FLC của Tập đoàn FLC, là rẻ, nên mua.

Kỳ thực, nếu chỉ xét riêng thị giá không thôi thì không thể xác định được đắt - rẻ, mà phải xem xét tương quan thị giá với lợi nhuận, giá trị sổ sách, tiềm năng tăng trưởng…

Nói một cách dễ hiểu, khi bạn mua thịt ngoài chợ, không thể nói miếng thịt mua với giá 20.000 đồng rẻ hơn miếng thịt mua với giá 100.000 đồng. Nếu miếng thịt 20.000 đồng nặng 4 lạng (tương đương 5.000 đồng/lạng), trong khi miếng thịt 100.000 đồng nặng 2,5 kg (tương đương 4.000 đồng/lạng) thì miếng thịt 20.000 đồng thực chất lại đắt hơn miếng thịt 100.000 đồng.

Cũng như vậy, chẳng hạn cổ phiếu một doanh nghiệp A có thị giá 20.000 đồng, đem về lợi nhuận bình quân hàng năm là 4.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi cổ phiếu một doanh nghiệp B có thị giá 100.000 đồng, đem về lợi nhuận bình quân hàng năm là 25.000 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, mua cổ phiếu doanh nghiệp A sau 5 năm sẽ thu về lợi nhuận bằng số tiền đầu tư ban đầu; còn mua cổ phiếu doanh nghiệp B sau 4 năm sẽ thu về lợi nhuận bằng số tiền đầu tư ban đầu. Coi các yếu tố khác như nhau thì cổ phiếu doanh nghiệp A dù rẻ hơn về mặt thị giá (20.000 đồng so với 100.000 đồng) nhưng thực chất lại đắt hơn do thời gian thu về lợi nhuận bằng số tiền đầu tư ban đầu dài hơn (5 năm so với 4 năm).

Sai lầm thứ hai là không để ý đến thanh khoản của cổ phiếu. Thanh khoản của cổ phiếu rất quan trọng. Chẳng hạn bạn mua thành công một cổ phiếu có thanh khoản thấp (ít người mua bán), sau đó cổ phiếu đó tăng đáng kể, bạn đặt lệnh bán để chốt lời nhưng không ai mua. Thậm chí kể cả khi bạn hạ giá bán xuống dưới giá vốn (số tiền bỏ ra ban đầu), nghĩa là chịu lỗ, cũng không ai mua.

Các cổ phiếu có thanh khoản thấp rất dễ bị thao túng giá, bởi chi phí thao túng rất thấp. Với cổ phiếu thanh khoản gần như bằng 0, bạn hoàn toàn có thể nâng thị giá chỉ bằng động tác mua vào 10 cổ phiếu đó với giá cao.

Sai lầm thứ ba là mua cổ phiếu theo tin đồn, theo phong trào. Cách làm này có thể kiếm lời đậm ở một vài thương vụ nhưng rủi ro là rất cao và không phải phương án lâu bền. Hãy nhớ, khi mới chơi chứng khoán, bạn mới chỉ là “thỏ non”, rất dễ bị các “sói già” trên thị trường dắt mũi.

Lời khuyên khi muốn chơi chứng khoán là bạn phải tự tìm hiểu, tự tìm ra cho mình phương án đầu tư hiệu quả nhất. Nếu bạn cảm thấy không thể tìm ra hoặc không có hứng thú, bạn nên tìm một người ủy thác đầu tư đáng tin cậy, hoặc thậm chí tốt hơn là không chơi chứng khoán mà chọn cách kiếm tiền khác phù hợp hơn.

Không nên chơi chứng khoán theo tin đồn, theo phong trào

Một sai lầm nữa cũng rất phổ biến là không biết hoặc không tuân thủ kỷ luật cắt lỗ. Nếu ai đã chơi chứng khoán sẽ hiểu cảm giác cắt lỗ không hề dễ chịu. Nhưng bạn cần lưu ý rằng, tất cả các khoản lỗ 30%, 50%, 70%, thậm chí là cháy tài khoản đều xuất phát từ việc không cắt lỗ mà cứ đặt “niềm tin mù quáng” rằng cổ phiếu sẽ tăng. Nhiều trường hợp càng giảm càng mua (bình quân giá xuống) rồi sau đó lỗ rất nặng.

Điều bắt buộc trước khi quyết định đầu tư vào một cổ phiếu là bạn phải xác định rõ được sẽ cắt lỗ ở mức bao nhiêu (nhiều lời khuyên cho rằng lên cắt dần lỗ khi giá cổ phiếu giảm 7%, 10% và 15%). Khi đã xác định mục tiêu cắt lỗ, bạn phải tuân thủ!

Dù vậy, cũng nên linh hoạt, ví dụ nếu bạn thấy triển vọng doanh nghiệp vẫn tốt thì khi giá cổ phiếu giảm 7%, bạn có thể cắt lỗ 1 ít, chẳng hạn 10% số cổ phiếu đang nắm giữ, thay vì 30% như thông thường.

Ngược lại, bạn cũng nên đặt mục tiêu chốt lời và có thể thiết kế theo lộ trình, tương tự như cắt lỗ. Chẳng hạn, bạn sẽ chốt lời dần khi đạt mức sinh lời 20%, 30%, 50%. Tuy nhiên, nếu bạn quyết định nắm giữ lâu dài thì đó cũng không phải là lựa chọn tồi. Như cổ phiếu VNM, nhiều nhà đầu tư nắm giữ 10 năm đến nay đã gấp 16 lần tài khoản.

Những quy tắc cần nhớ khi chơi chứng khoán

Quy tắc quan trọng đầu tiên, như đã đề cập phía trên, là bạn phải xác định rõ khi nào cắt lỗ, khi nào chốt lời.

Quy tắc thứ hai, bạn phải tìm được phương pháp đầu tư cho riêng mình. Có 2 trường phái chính: phân tích kỹ thuậtphân tích cơ bản.

Phân tích kỹ thuật, hay còn gọi là nghiên cứu biểu đồ, là phương pháp nghiên cứu lịch sử giao dịch (thường là lịch sử biến động giá và khối lượng giao dịch) để dự đoán biến động giá trong tương lai.

Để dự đoán chính xác nhất, bạn cần có 2 yếu tố căn bản: nắm chắc các mô hình phân tích kỹ thuật (hay còn gọi mẫu hình giá) và kinh nghiệm.

Mô hình phân tích kỹ thuật được giới tài chính thế giới đúc kết sau rất nhiều năm. Cơ sở khoa học của các mô hình phân tích kỹ thuật là quy luật diễn biến tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường.

Chẳng hạn, khi cổ phiếu vào xu hướng tăng giá, các nhà đầu tư sẽ đua nhau mua cổ phiếu, đẩy giá cổ phiếu lên cao, đến một mức cao nào đó, các nhà đầu tư sẽ bắt đầu chốt lời, cổ phiếu vào xu hướng giảm giá, các nhà đầu tư lại đua nhau bán; đến một mức đáy nào đó, nhiều nhà đầu tư thấy rẻ, lại mua vào, đẩy giá cổ phiếu tăng cao và cứ như thế. Đây là quy luật cơ bản để hình thành nên các mô hình kinh điển như “Vai đầu vai”, “Đáy đôi”…

Tuy nhiên, kinh nghiệm cũng rất quan trọng vì xác định đúng mô hình không dễ, nhất là khi thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều khác biệt so với thị trường chứng khoán thế giới.

Phân tích cơ bản là phương pháp phân tích dựa trên các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp như: doanh thu, lợi nhuận, lợi thế cạnh tranh, triển vọng ngành, triển vọng kinh tế vĩ mô… Mấu chốt là từ các yếu tố cơ bản trên xác định xem mức giá hiện tại của cổ phiếu là đắt hay rẻ so với tình hình hiện tại và tiềm năng tương lai.

Một số mô hình phân tích cơ bản có thể kể đến như: mô hình CANSLIM, định giá theo phương pháp của Damodaran, đầu tư theo phương pháp của Philip A. Fisher (một trong những người thầy của tỷ phú đầu tư huyền thoại Warren Buffett) đề cập đến trong cuốn “Cổ phiếu thường loại nhuận phi thường”…

Nhiều nhà đầu tư kết hợp cả 2 phương pháp, tìm cổ phiếu đang bị định giá rẻ sau đó tiến hành phân tích kỹ thuật để tìm điểm mua.

Quy tắc thứ ba là đừng quan tâm đến chuyện “bỏ trứng vào một giỏ” hay “đa dạng hóa danh mục đầu tư”.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng việc đa dạng hóa danh mục đầu tư sẽ làm giảm rủi ro. Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư khác lại phản đối luận điểm này vì cho rằng nên đầu tư vào một mã cổ phiếu mà mình am hiểu nhất là cách tốt nhất để hạn chế rủi ro.

Thực ra, điều quan trọng ở đây là bạn xác định được cổ phiếu nào đáng đầu tư. Nếu bạn chỉ xác định được một mã cổ phiếu đáng đầu tư thì chỉ nên mua cổ phiếu đó. Còn nếu xác định được nhiều cổ phiếu đáng đầu tư thì nên phân chia vốn để đầu tư tất cả.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thường thì ở một thời điểm, bạn chỉ có thể tìm được 2, 3 cổ phiếu đáng đầu tư vì các cổ phiếu tốt không dễ tìm thấy. Nếu bạn tìm được quá nhiều cổ phiếu thì bạn nên xem lại cách xác định cổ phiếu đáng đầu tư của mình.

Tin mới lên