Cấm nhân viên làm việc sau 8h tối, doanh nghiệp Nhật Bản ghi nhận doanh thu tăng vọt

Quốc Anh - 13/07/2023 17:35 (GMT+7)

(VNF) - Doanh thu của Itochu Corporation, một tập đoàn đa ngành tại Nhật Bản, ghi nhận tăng cao nhờ áp dụng chính sách “cấm làm việc sau 20h” đối với toàn bộ nhân viên trong hơn một thập kỷ. Đặc biệt, sáng kiến trên còn vô tình giúp Nhật Bản giải quyết vấn nạn tỷ lệ sinh trong nước đang ngày một giảm.

VNF
Tại Tập đoàn Itochu, người lao động không cần làm đêm

Chính sách này được triển khai bởi ông Masahiro Okafuji, Giám đốc điều hành của Itochu Corp. vào năm 2010. Sáng kiến của ông Okafuji lúc đó chỉ đơn thuần xuất phát từ mong muốn cải thiện năng suất, hiệu quả công việc của nhân sự để công ty có thể thu hút người lao động và cạnh tranh với các đối thủ lớn hơn tại Nhật Bản.

Vào thời điểm đó, tập đoàn Itochu đã ban hành quy định cấm tuyệt đối nhân viên làm việc tại văn phòng sau 20h. Một đội ngũ nhân sự, bảo vệ được giao nhiệm vụ "lùng sục" khắp tòa nhà văn phòng của Tập đoàn Itochu tại Tokyo để yêu cầu toàn bộ các nhân sự phải quay về nhà trước “giờ giới nghiêm”.

Đối với các trường hợp cố tình ở lại sẽ không được trả thêm tiền tăng ca. Ngược lại, nếu người lao động đến sớm hơn vào sáng hôm sau để hoàn tất công việc của mình sẽ được doanh nghiệp thưởng thêm tiền.

Đến nay, sau hơn một thập kỷ áp dụng chính sách kể trên, tập đoàn đa ngành này đã ghi nhận doanh thu trên mỗi nhân viên (Revenue Per Employee) tăng gấp 5 lần so với năm 2010.

Đặc biệt, ban quản lý nhân sự tập đoàn cho biết ngày càng có nhiều nhân sự nữ sau khi sinh con và nghỉ thai sản vẫn tiếp tục quay trở lại đồng hành cùng doanh nghiệp, thậm chí điều này còn tác động trực tiếp đến tỷ suất sinh của Nhật Bản.

Theo đó, tỷ suất sinh của nhân sự toàn thời gian tại Tập đoàn Itochu đã tăng gấp đôi trong suốt hơn 1 thập kỷ sau khi chính sách của Giám đốc điều hành Okafuji được triển khai.

“Chúng tôi bắt đầu chỉ với mục đích tăng năng suất lao động, không ngờ chính sách cấm làm đêm còn ảnh hưởng tích cực đến tỷ suất sinh”, ông Fumihiko Kobayashi, Phó chủ tịch điều hành của tập đoàn Itochu, chia sẻ.

Doanh nghiệp này nhanh chóng nổi lên như một đơn vị tiên phong giải quyết vấn nạn tỷ suất sinh ngày một giảm. Đặc biệt, trong bối cảnh chính phủ Nhật Bản và nhiều tổ chức khác trên thế giới đã từng nhiều lần đưa ra các giải pháp thử nghiệm để đưa tỷ suất sinh quay về bình thường nhưng đều không được như kỳ vọng.

Tỷ suất sinh tăng đột biến đã thu hút sự chú ý của các thành viên hội đồng quản trị Tập đoàn Itochu, trong đó có bà Atsuko Muraki, người trước đây từng là giám đốc lĩnh vực bình đẳng và phúc lợi trẻ em tại Bộ Y tế Lao động và Phúc lợi Nhật Bản.

Hiện tại, bà đang khuyến khích doanh nghiệp công khai những thành tựu trên nhằm gửi một thông điệp chung tới toàn xã hội rằng phụ nữ hoàn toàn có thể vừa nuôi dạy con cái, vừa hoàn thành tốt sự nghiệp. “Họ không nhất thiết phải đánh đổi một trong hai”, bà Muraki nhận định.

Nhật Bản vốn được biết đến là một nền văn hoá làm việc nghiêm túc, căng thẳng và có phần cứng nhắc trong suốt thời gian làm việc.

Sau khi hết giờ làm, thường người lao động sẽ phải tăng ca để hoàn thiện công việc, hoặc tham gia các buổi liên hoan, ăn uống với đồng nghiệp. Các hoạt động này đã vô tình khiến nhiều người lao động, đặc biệt là lao động nữ, không có thời gian chăm sóc cho gia đình mình.

Vì vậy, nhiều nhân sự nữ đã quyết định từ bỏ công việc để tập trung vào con cái. Lệnh cấm làm việc vào ban đêm của Tập đoàn Itochu đã phần nào giảm bớt áp lực này. Thậm chí sau đại dịch Covid 19, nhân viên tại tập đoàn còn được cho phép làm việc tại nhà 2 ngày một tuần. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đồng ý cắt giảm giờ làm việc từ 8 tiếng xuống còn 6 tiếng/ngày, người lao động có thể tan sở sớm nhất là vào 15h chiều.

Các quy định mới của Tập đoàn Itochu đã thành công tạo một làn sóng khích lệ các doanh nghiệp khác làm theo. Đầu năm nay, Công ty Bảo hiểm Mitsui Sumitomo cho hay họ sẽ hỗ trợ 100.000 yên (tương đương 700 USD) cho những nhân viên phải gánh thay phần việc của những đồng nghiệp nghỉ sinh.  

Recruit Holdings Co., công ty mẹ của các trang web đánh giá và tìm kiếm việc làm tại Nhật, cũng cho phép nhân viên làm việc tại nhà hầu hết thời gian và cho nhân viên được nghỉ thêm ngày vào các ngày lễ theo luật định.

Mặc dù thành công của Tập đoàn Itochu được coi là sáng kiến trong việc giúp đưa tỷ suất sinh tăng lên, song các quy định đó có thể được nhân rộng hơn nữa hay không vẫn còn là một dấu hỏi. Vấn đề xuất phát từ việc nuôi con đòi hỏi cả tiền bạc và thời gian và không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tiềm lực tài chính để có thể sử dụng các biện pháp mà Tập đoàn Itochu đang triển khai.

Doanh thu trên mỗi nhân viên là một tỉ lệ quan trọng để tính số lượng tiền mà mỗi nhân viên tạo ra cho công ty đó. Doanh thu này được tính bằng tổng doanh thu của một công ty chia cho số lượng nhân viên hiện tại của công ty. 

Doanh thu trên mỗi nhân viên là một công cụ phân tích mang ý nghĩa quan trọng bởi vì nó đo lường mức độ hiệu quả của một công ty cụ thể trong việc sử dụng chính nhân viên của mình. Một công ty muốn có tỷ lệ doanh thu trên mỗi nhân viên cao nhất có thể bởi vì tỉ lệ này cao phản ánh năng suất lao động cao. 

Tỷ suất sinh là chỉ số cho thấy số lượng con trung bình mà một phụ nữ dự kiến sẽ sinh trong đời. Theo thống kê tỷ suất sinh toàn cầu của Ngân hàng Thế giới, tỷ suất sinh của phụ nữ châu Á đang thuộc nhóm thấp nhất toàn cầu. Các quốc gia châu Á, kể cả Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đều đang đau đầu tìm giải pháp tăng tỷ suất sinh.

Nhiều chuyên gia dân số đã chia sẻ rằng trong xã hội hiện đại, làm sao để khuyến khích người dân sinh thêm con được coi là “bài toán khó vô cùng”. Tỷ suất sinh thấp phản ánh nhu cầu của con người hiện đại, khi chúng ta ngày càng mong muốn có một cuộc sống chất lượng hơn, dành cho thời gian cho bản thân mình hơn.

Để giải quyết bài toán nâng tỉ suất sinh phụ thuộc chính vẫn là ở việc cải thiện mức sống cho người dân, song song với đó là giúp người dân hiểu đúng, đủ về lợi thế mang lại từ chủ trương sinh hai con. Giúp nguồn lực lao động duy trì bền vững, thúc đẩy động lực tăng trưởng kinh tế và từ đó quay trở lại, có nguồn lực tiếp tục nâng cao an sinh xã hội.

Theo Bloomberg
Cùng chuyên mục
Tin khác