Theo ông Đào Trung Chính, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), để ngăn ngừa lãng phí trong sử dụng đất, cần phải làm tốt từ khâu lập quy hoạch sử dụng đất, đấu giá đất. Bên cạnh đó, cần tăng cường áp dụng các công cụ tài chính như áp thuế lũy tiến đối với trường hợp để đất hoang, chậm đưa đất vào sử dụng để ngăn chặn tình trạng đầu cơ.
- Thưa ông, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường có con số thống kê cụ thể về các dự án treo hay không? Nguyên nhân vì sao dẫn đến tồn tại các dự án treo?
Trong những năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường(TN&MT) đã tích cực chỉ đạo, phối hợp với địa phương giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hạn chế tình trạng giao đất, cho thuê đất tràn lan, không đưa vào sử dụng; giao đất, cho thuê đất cho các chủ đầu tư không có năng lực…
Hiện nay, Bộ TN&MT đang yêu cầu các địa phương tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với những công trình, dự án chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng và báo cáo kết quả về Bộ TN&MT để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song tình trạng dự án chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng vẫn còn tồn tại ở hầu hết các địa phương.
Nguyên nhân khách quan là do công tác quy hoạch chưa ngang tầm nên không theo kịp sự phát triển kinh tế xã hội và tốc độ đô thị hoá, đặc biệt, quy hoạch khu công nghiệp chưa tốt, chưa có tầm nhìn dài hạn, chưa tính đến yếu tố liên kết vùng và ngành.
Tình trạng chậm hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đang diễn ra phổ biến ở địa phương. Cùng với đó, thị trường bất động sản chìm lắng cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm đưa đất vào sử dụng.
Về nguyên nhân chủ quan, việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị còn chạy theo mục đích thu hút đầu tư để phát triển kinh tế địa phương nên chưa sàng lọc được nhà đầu tư kém năng lực, chưa kiểm soát được tình trạng một nhà đầu tư nhưng xin giao đất, thuê đất để thực hiện nhiều công trình, dự án ở nhiều địa phương khác nhau, dẫn đến tình trạng giao đất, cho thuê đất tràn lan, chủ đầu tư bao chiếm, găm giữ đất, bỏ hoang gây lãng phí.
Do các cơ quan có thẩm quyền về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật thường kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng và ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch đầu tư của chủ dự án.
Năng lực tài chính, kỹ thuật của các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị còn nhiều hạn chế làm cho tiến độ xây dựng, thu hút đầu tư bị kéo dài.
Cùng đó, các địa phương chủ yếu chú trọng về số lượng để tăng tỷ lệ diện tích lấp đầy mà chưa có sự chọn lọc về chất lượng của từng dự án; còn tình trạng chủ đầu tư chưa nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; một số chủ đầu tư xin giao đất, cho thuê đấtđể kiếm lời từ chênh lệch giá trị trước và sau khi có dự án đầu tư mà không sản xuất kinh doanh theo đúng dự án đã lập hoặc xin giao đất sau đó thế chấp để vay vốn ngân hàng phục vụ cho các hoạt động đầu tư khác…
- Có ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến khó thu hồi dự án treo là do thiếu chế tài và “vênh” giữa các Luật: Luật Đất đai, Luật Đầu tư… thưa ông?
Trong thời gian qua, cùng với việc thanh, kiểm tra, rà soát dự án chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng, Bộ TN&MT cũng như các địa phương đã kiên quyết xử lý thu hồi đất nhiều dự án vi phạm, để hoang hóa, sử dụng lãng phí đất đai.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dự án việc xử lý, thu hồi chưa triệt để hoặc chưa thực hiện được do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là Luật đất đai và các luật khác có liên quan còn mâu thuẫn, chồng chéo, không đồng bộ và thống nhất, dẫn tới không rõ trách nhiệm quản lý, gây khó khăn cho tổ chức thực hiện; một số nội dung phát sinh mới trong thực tiễn nhưng pháp luật chưa có quy định điều chỉnh.
Thiếu quy định cụ thể để xử lý đối với dự án đầu tư đã được giao đất, thuê đất nhưng không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư như các địa phương đang tồn tại phổ biến tình trạng dự án sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê trước ngày 1/7/2014 mà không sử dụng đất hoặc tiến độ sử dụng đất chậm nhưng trong nhiều năm không có cơ quan có thẩm quyền xử lý nay xác định thời điểm tính gia hạn 24 tháng từ khi nào (vì nếu tính từ ngày bàn giao đất thì dự án đã chậm nhiều năm quá cả 24 tháng).
Tình trạng nhà đầu tư thứ cấp trong khu công nghiệp đã thuê đất của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp nhưng không sử dụng đất hoặc tiến độ sử dụng đất chậm nay chưa biết xử lý như thế nào (vì nhà đầu tư thứ cấp không được nhà nước giao đất, cho thuê đất).
Các cơ quan có trách nhiệm chưa chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên tiến độ triển khai thực hiện các dự án sau khi giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư. Nhiều vụ việc xử lý vi phạm còn bị chi phối bởi các quan hệ xã hội.
- Để xử lý các dự án treo, thời gian tới Bộ TN&MT sẽ thực hiện những biện pháp gì, thưa ông?
Từ các nguyên nhân nêu trên, thời gian qua Bộ TN&MT đã thực hiện nhiều giải pháp như trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành Luật Đất đai 2013; ban hành các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.
Bộ TN&MT và các Bộ, ngành khác đã ban hành các Thông tư quy định chi tiết Nghị định, trong đó bổ sung các quy định để khắc phục tình trạng nhiều dự án đầu tư sau khi được giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, gây lãng phí đất đai đã xảy ra khá phổ biến tại các địa phương trong giai đoạn trước đây.
Trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để giải quyết, chấn chỉnh tình trạng trên. Trước hết, các địa phương cần thực hiện đúng các quy định về điều kiện giao đất, cho thuê đất theo quy định của Luật đất đai năm 2013 như: thẩm định năng lực của nhà đầu tư, thực hiện ký quỹ theo pháp luật về đầu tư để đảm bảo lựa chọn được các nhà đầu tư thực sự có năng lực.
Thực hiện công khai minh bạch trong công tác định giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Triển khai rà soát các dự án đang chậm đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ thực hiện dự án để có biện pháp xử lý như cho phép gia hạn theo quy định của pháp luật về đất đai để nhà đầu tư hoàn thành dự án hoặc xử lý thu hồi đất,…
Về lâu dài, tôi cho rằng cần phải làm tốt từ khâu lập quy hoạch sử dụng đất, dự báo sát nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực. Thực hiện việc đấu giá đất để lựa chọn được chủ đầu tư có năng lực thực sự để triển khai dự án đầu tư.
Đồng thời, tiếp tục đổi mới chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chia sẻ hài hoà lợi ích giữa người sử dụng đất, nhà nước và nhà đầu tư; tăng cường áp dụng các công cụ tài chính ví dụ như áp thuế luỹ tiến đối với trường hợp để đất hoang, chậm đưa đất vào sử dụng để ngăn chặn nhà đầu cơ.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone