Toàn cảnh khu phức hợp 26 tầng của Daewoo E&C tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng, nhà ở cao cấp tại lô đất K8HH1 thuộc khu đô thị Starlake dự kiến sẽ bổ sung lượng nguồn cung lớn cho thị trường Hà Nội trong năm 2025.
Nếu dùng một cụm từ để phác họa điều lo ngại nhất đối với ngành thép năm 2019 thì đó hẳn phải là “cung vượt cầu”.
“Tình trạng cung vượt cầu tiếp tục gia tăng khi Formosa, Hòa Phát và nhiều dự án mới đi vào hoạt động trong năm 2019, dẫn tới cuộc chiến về giá để giành thị phần ngày càng khốc liệt, đặc biệt ngành thép dẹt sẽ ngày càng khó khăn hơn”, Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) Nguyễn Đình Phúc nhận định tại hội nghị tổng kết công ty năm 2018.
Lý do chính yếu khiến thị trường thép dẹt khó khăn là do việc xuất khẩu gặp cản trở lớn từ xu hướng bảo hộ tăng cao. Chẳng hạn như thị trường Mỹ, thép CRC Việt Nam chịu mức thuế chống bán phá giá lên tới gần 200%, cùng với đó là các loại thuế khác lên tới khoảng 250%. Cũng loại sản phẩm này, Canada đánh thuế chống bán phá giá gần 100%, thuế khác là 6,5%. EU thì quy định sẽ đánh thuế 25% nếu lượng nhập khẩu vượt quá 3% hạn ngạch.
Các sản phẩm như ống thép xuất khẩu vào thị trường Thái Lan phải chịu thuế chống bán phá giá lên đến 310%; sản phẩm CORE chịu thuế chống bán phá giá gần 200% khi xuất vào thị trường Mỹ. Nhiều thị trường lớn khác cũng đang xem xét tăng/áp thêm thuế đối với các sản phẩm thép dẹt của Việt Nam.
“Đầu xuất khẩu” bị bít lại, trong khi nhu cầu trong nước không thể hấp thụ đủ gây áp lực lớn lên giá bán và sản lượng thép dẹt. VNSteel thừa nhận năm 2019, sản lượng thép dẹt của doanh nghiệp này có thể sẽ tiếp tục sụt giảm. Tập đoàn Hoa Sen (chuyên kinh doanh các sản phẩm thép dẹt) cũng đặt mục tiêu doanh thu giảm 9% trong năm 2019.
Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng khá mạnh đến “cán cân quyền lực” ngành thép năm 2019 là việc xử lý hậu quả đầu cơ nguyên liệu thép cuộn cán nóng (HRC).
Vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp thép dẹt đầu cơ nguyên liệu HRC. Mặc dù “ngon ăn” trong năm 2016, 2017 nhưng sang năm 2018, các doanh nghiệp này phải chịu tổn thất nặng nề do giá HRC giảm mạnh, trong khi tồn kho ở mức quá cao do đầu cơ. Vì vậy mà năm 2019, không ít doanh nghiệp vẫn sẽ còn phải tập trung “xử lý hậu quả”, không chỉ làm giảm “sức chiến đấu” trên thị trường thép, mà còn phải tiếp tục chịu lỗ để giảm hàng tồn, ổn định dòng tiền và tình hình kinh doanh.
Hoa Sen là một trường hợp đầu cơ HRC rất tiêu biểu. Doanh nghiệp này đã phải dừng đầu cơ HRC và tiến hành tái cấu trúc theo hướng giảm tồn kho, giảm nợ vay (Hoa Sen vay rất nhiều để đầu cơ nguyên liệu) nhưng vẫn phải ổn định dòng tiền. Đặc biệt, lợi nhuận quý I niên độ 2018 – 2019 của tập đoàn này chỉ vỏn vẹn 60 tỷ đồng, giảm 82% so với cùng kỳ năm ngoái và cách rất xa mục tiêu lãi cả niên độ 500 tỷ đồng, phần nào cho thấy “cái giá” phải trả để xử lý hậu quả.
Hoa Sen là một trường hợp đầu cơ nguyên liệu HRC rất tiêu biểu
Việc nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là Hoa Sen trở lên dễ bị tổn thương mở ra cơ hội gia tăng thị phần thép dẹt cho “trùm thép” Hòa Phát. Hòa Phát đang giữ vị trí số 1 ở phân khúc ống thép, tuy nhiên với mảng tôn mạ, doanh nghiệp này mới chỉ bắt đầu tấn công vào quý II/2018.
Hiện Hòa Phát sở hữu nhà máy sản xuất tôn mạ có công suất 400.000 tấn/năm với tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng. Đối chiếu với tổng quy mô thị trường tôn mạ khoảng 3,5 triệu tấn, nhà máy của Hòa Phát đáp ứng được khoảng 11% nhu cầu trong nước.
Trong khi đó, Hoa Sen đang nắm khoảng 34% thị phần tôn mạ. Vị trí tiếp theo thuộc về Nam Kim với khoảng 16% thị phần, Tôn Đông Á với khoảng 14% thị phần và Tôn Phương Nam với khoảng 7% thị phần.
Ở phân khúc thép dài, Hòa Phát đang là doanh nghiệp thống lĩnh và đang muốn gia tăng sự thống trị trong năm 2019. Với việc giai đoạn 1 của dự án Hòa Phát Dung Quất hoàn tất, công suất thiết kế thép dài của Hòa Phát nâng từ 2,35 triệu tấn lên đến 4,35 triệu tấn.
Tập đoàn này đặt mục tiêu tiêu thụ 4 triệu tấn thép dài trong năm 2019, tăng tới 67%.
Để thực hiện kế hoạch này, Hòa Phát đã và sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược giảm giá bán. Đây là điều tập đoàn này buộc phải làm, bởi công suất tăng thêm là rất lớn. Nếu không nhanh chóng gia tăng sản lượng tiêu thụ, các nhà máy của Hòa Phát có thể rơi vào trạng thái hoạt động dưới mức hiệu suất cần thiết (thường thì nhà máy thép chỉ đạt hiệu quả cao khi công suất hoạt động đạt trên 70% công suất thiết kế).
Mặc dù việc giảm giá bán có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của Hòa Phát nhưng nhờ lợi thế chi phí (do sản xuất quy mô lớn với công nghệ lò cao hiện đại), Hòa Phát vẫn có ưu thế hơn nhiều so với các đối thủ, thậm chí có thể “bóp nghẹt” đối thủ, kéo biên lợi nhuận toàn ngành giảm đáng kể.
Nửa đầu tháng 12/2018, Hòa Phát đã giảm giá bán thép xây dựng 4 lần liên tiếp, với tổng mức giảm 7,7% so với đầu tháng xuống chỉ 12 triệu đồng/tấn (không đổi so với cùng kỳ và giảm 4% so với đầu năm).
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC), hiện giá bán thép xây dựng của Hòa Phát thấp hơn 2,84% so với TISCO, đối thủ chính của công ty ở thị trường phía Bắc (TISCO sử dụng công nghệ lò cao tương tự như Hòa Phát). Trong khi đó các nhà sản xuất thép khác ở phía Nam như Pomina hay Vinakyoei sử dụng công nghệ lò điện với chi phí xây dựng trên một tấn thép cao hơn khoảng 10%.
(VNF) - Dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng, nhà ở cao cấp tại lô đất K8HH1 thuộc khu đô thị Starlake dự kiến sẽ bổ sung lượng nguồn cung lớn cho thị trường Hà Nội trong năm 2025.