Cần hơn 738.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông Đông Nam Bộ
Kỳ Thư -
18/07/2023 14:29 (GMT+7)
(VNF) - Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết theo quy hoạch, vùng Đông Nam Bộ cần khoảng 738.500 tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 342.000 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 cần khoảng 396.500 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị Hội đồng điều phối Vùng Đông Nam Bộ, Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng đã nêu các giải pháp phối hợp và thu hút nguồn lực xây dựng mạng lưới giao thông vùng Đông Nam Bộ đồng bộ, hiện đại.
Ông Thắng cho biết, thời gian qua, Bộ GTVT đã phối hợp với các địa phương đầu tư và đưa vào khai thác 103 km đường cao tốc, gồm: cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP. HCM - Trung Lương.
Hiện đang thi công 3 tuyến cao tốc, tổng chiều dài 178 km, gồm: Bến Lức - Long Thành, Vành đai 3 TP. HCM, Biên Hòa - Vũng Tàu. Đồng thời, chuẩn bị khởi công 3 tuyến dài 126 km, gồm: Chơn Thành - Đức Hòa, Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc. Phấn đấu đến 2025 sẽ có trên 400 km đường cao tốc đưa vào khai thác tại vùng Đông Nam Bộ.
Về đường sắt, hiện đang triển khai nâng cấp, cải tạo đường sắt Thống Nhất đoạn Nha Trang - TPHCM; đẩy nhanh tiến độ các dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Ngoài ra, nghiên cứu xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, TP. HCM - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Thủ Thiêm - Long Thành.
Tuy vậy, Bộ trưởng GTVT nhìn nhận, mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ còn thiếu và chưa đồng bộ. Các tuyến Vành đai 3, 4 chưa hoàn chỉnh; tiến trình xây dựng đường sắt đô thị tại TP. HCM còn chậm nên chưa giải quyết triệt để được ùn tắc giao thông nội đô…
Về số vốn để đầu tư cho lĩnh vực hạ tầng của vùng Đông Nam Bộ trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng khoảng 738.500 tỉ đồng giai đoạn 2021 - 3030.
Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 342.000 tỉ đồng (ngân sách trung ương 60.800 tỉ đồng; ngân sách địa phương 29.700 tỉ đồng; vốn của doanh nghiệp nhà nước 109.000 tỉ đồng; vốn huy động nhà đầu tư 142.500 tỉ đồng). Giai đoạn 2026 - 2030 nhu cầu vốn khoảng 396.500 tỉ đồng.
Các dự án trọng điểm, liên kết vùng, tạo động lực lan tỏa sẽ được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn này. Theo đó, về giao thông đường bộ, tập trung hoàn thiện đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, cao tốc nối TP. HCM với các cửa ngõ, các đầu mối giao thông quan trọng và các đường vành đai thuộc khu vực TP. HCM.
Cụ thể: hoàn thành đường Vành đai 3, Vành đai 4, Bến Lức - Long Thành, TP. HCM - Mộc Bài, TP. HCM - Chơn Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương, Gò Dầu - Xa Mát, Chơn Thành - Đức Hòa, Chơn Thành - Gia Nghĩa.
Đồng thời, tiếp tục đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP. HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo quy hoạch.
Về đường sắt, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam và khu đầu mối TP. HCM hiện có để nâng cao hiệu quả khai thác đường sắt. Tiếp tục đầu tư đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị ở TP. HCM.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu sớm đầu tư 3 tuyến đường sắt, gồm: Thủ Thiêm - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu (nối TP. HCM, Đồng Nai với thành phố Vũng Tàu ra cảng Cái Mép - Thị Vải), TP. HCM - Cần Thơ.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.