Ngân hàng

Cảnh báo: Nhiều ngân hàng bị giả mạo trang web

(VNF) - Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cho biết đã có nhiều ngân hàng, ví điện tử, trang thương mại điện tử… bị giả mạo trang web để lừa đảo.

Cảnh báo: Nhiều ngân hàng bị giả mạo trang web

Tính riêng trong tuần đầu tháng 2, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đã nhận được 166 phản ánh trường hợp lừa đảo từ người dùng Internet Việt Nam. Qua kiểm tra, các chuyên gia cho biết có nhiều trường hợp lừa đảo giả mạo website của ngân hàng, các trang thương mại điện tử…

Cụ thể, các đối tượng lừa đảo đã giả mạo website của các ngân hàng như: Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam qua địa chỉ cardshinhan.com; Ngân hàng An Bình qua anbinh-finance.club; Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM qua địa chỉ hdbankfinance.live; Ngân hàng TMCP Quân Đội qua địa chỉ vaymb.org.

Bên cạnh đó, các trang web, ví điện tử và sàn thương mại điện tử cũng bị giả mạo. Chẳng hạn, ví điện tử MoMo bị giả mạo với hai địa chỉ mmomo.me và clmm1.tv; sàn thương mại điện tử Lazada là mxp00338.com; sàn Shopee là Viashopee.com; sàn Tiki là tiki11.com...


Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn cũng bị giả mạo website như: Công ty Cổ phần viễn thông FPT, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Lotte… Thậm chí, các doanh nghiệp kể trên đã nhiều lần bị giả mạo.

Trong tuần đầu tháng 2, có 422 trường hợp tấn công vào trang/cổng thông tin điện tử của Việt Nam: 30 trường hợp tấn công thay đổi giao diện (Deface), 362 trường hợp tấn công lừa đảo (Phishing), 30 trường hợp tấn công cài cắm mã độc.

Trong tháng 1, hệ thống của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cũng nhận được hàng trăm phản ánh trường hợp lừa đảo từ người dùng, trong đó có nhiều trường hợp lừa đảo giả mạo website của ngân hàng, các trang thương mại điện tử…

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, có gần 1.600 dữ liệu website lừa đảo liên quan đến ứng dụng vay tiền, giả mạo ngân hàng, tín dụng, siêu khuyến mãi, nhận quà tặng, các trang, sàn thương mại điện tử.

Theo thống kê, hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến nhất là giả mạo thương hiệu, chiếm 72,6%; giả mạo chiếm đoạt tài khoản trực tuyến chiếm 11,4%; còn lại là lừa đảo trúng thưởng, việc làm online, app cho vay...

Theo các chuyên gia, việc đánh cắp tài khoản bằng việc tạo các trang web hay phần mềm giả mạo đánh lừa nạn nhân đăng nhập là hình thức đã được giới tội phạm công nghệ áp dụng từ nhiều năm qua. Nếu người dùng ấn vào đường link thường thì sẽ không chịu tổn thất nghiêm trọng, nhưng nếu link đó là mã độc, chứa virus thì nguy cơ cao sẽ bị nhiễm mã độc virus vào máy. Tốt nhất là người dùng không nên nhấn vào những đường link cảm thấy nghi ngờ để tránh nguy cơ bị tấn công lừa đảo.

Nếu người dùng lỡ ấn vào, tuyệt đối không nên tải gì trên đường link đó. Người dùng nên thoát ngay lập tức và để tránh nguy hiểm cho các tài khoản đăng nhập thì nên đổi mật khẩu thiết bị, tài khoản mạng xã hội, email...

Tin mới lên