Cảnh báo sự suy giảm của dòng vốn FDI

TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - 28/04/2023 08:17 (GMT+7)

(VNF) - Khu vực FDI đã đóng góp vai trò đáng kể trong việc duy trì động lực và phục hồi tăng trưởng của Việt Nam trong 2 năm chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 và các bất ổn toàn cầu. Nhưng sau 2 năm phục hồi kinh tế “hậu Covid”, thu hút FDI lại bộc lộ dấu hiệu đi xuống.

VNF

FDI - bệ đỡ cho 2 năm dịch bệnh

Trong 2 năm qua, tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam phần nhiều dựa vào sản xuất công nghiệp và xuất khẩu, trong đó khu vực FDI đóng góp đến 74% giá trị xuất khẩu công nghiệp. Bên cạnh lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo và bất động sản (2 lĩnh vực thu hút FDI truyền thống) thì lĩnh vực khoa học công nghệ cũng đã bắt đầu thu hút được các dự án FDI.

Xu hướng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong những năm gần đây cho thấy, các nhà đầu tư đã nhìn thấy năng lực cạnh tranh nội tại của nền kinh tế Việt Nam, tức bên cạnh lợi thế cạnh tranh về xuất khẩu, các nhà đầu tư cũng đã thấy sự hấp dẫn của thị trường nội địa. Chắc chắn, các doanh nghiệp FDI không chỉ hướng đến thị trường trong nước với 100 triệu dân ở Việt Nam mà còn rộng hơn là thị trường 740 triệu dân của khu vực ASEAN. Chưa kể, Việt Nam còn là cửa ngõ thông thương vào Trung Quốc.

Bên cạnh các hình thức đầu tư trực tiếp FDI truyền thống, điểm tích cực trong những năm gần đây là các nhà đầu tư nước ngoài đang tăng vốn đăng ký bổ sung và ngày càng quan tâm đến hình thức mua bán, sáp nhập hoặc liên kết đối tác chiến lược với các mô hình kinh doanh, các dự án của nhà đầu tư trong nước. Điều này đã tạo luồng gió mới cho hoạt động đầu tư và phát triển doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy các hợp tác liên kết và tạo lập chuỗi giá trị giữa các khối doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy có những điểm sáng kể trên, nhưng cũng phải đánh giá kỹ những rủi ro tiềm ẩn của khu vực FDI từ năm 2021 trở lại đây. Chúng ta thấy từ số liệu Tổng cục Thống kê năm 2022 đến nay, tổng số vốn FDI đăng ký vào Việt Nam giảm và không xuất hiện dự án nào có tổng số vốn lớn. Việc suy giảm không những thể hiện ở dòng vốn đăng ký mà cả suy giảm quy mô hoạt động của khu vực FDI tại Việt Nam, theo báo cáo gần đây thì tăng trưởng của một số đầu tàu thu hút FDI như Bắc Ninh, TP. HCM giảm là do sự cắt giảm đơn hàng xuất khẩu của một loạt các nhà máy FDI trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo từ sản xuất điện tử, điện thoại đến dệt may - da giầy.

Dòng vốn FDI đang có dấu hiệu suy giảm

Theo số liệu được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính đến ngày 20/3/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 5,45 tỷ USD, bằng 61,2% so với cùng kỳ, giảm 38,8% so với quý I/2022. Đáng nói, mặc dù thu hút FDI là một điểm sáng của kinh tế Việt Nam so với khu vực ASEAN (ngoại trừ Singapore) thì từ năm 2019 tới nay, dòng vốn FDI đăng ký mới đã có dấu hiệu suy giảm, đồng thời cũng đang thiếu vắng dự án FDI có quy mô lớn.

Ngay từ năm 2021, chúng tôi đã nhận thấy, dòng vốn FDI ngắn hạn và dài hạn có xu hướng quay trở lại các nước có nền kinh tế phát triển để phòng tránh rủi ro trong bối cảnh Covid-19 vẫn đang tác động và ảnh hưởng tiêu cực đến các chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu. So với nền kinh tế đang phát triển, khả năng hấp thụ vốn đầu tư nước ngoài nói chung, bao gồm vốn trực tiếp và gián tiếp, của các phát triển như là Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đã gia tăng đáng kể từ đầu năm 2021 kéo dài sang 2022.

Cùng với đó, xung đột Nga - Ukraine nổ ra đầu năm 2022 làm cho tình hình chính trị, kinh tế thế giới trở nên rất căng thẳng với nhiều dấu hiệu ảnh hưởng tiêu cực đến ổn định vĩ mô và chặn đà phục hồi tăng trưởng. Lạm phát các yếu tố đầu vào tăng cao đã tạo gánh nặng lên chính sách tiền tệ của tất cả quốc gia. Bức tranh suy thoái kinh tế thế giới càng trở nên rõ rệt, khiến các tổ chức quốc tế đã đưa ra những kịch bản suy giảm tăng trưởng cho kinh tế thế giới trong thời gian tới với các mức độ khó khăn khác nhau. Trong bối cảnh đó, dòng vốn FDI sẽ tìm nơi trú ẩn an toàn thay vì đầu tư vào các thị trường mới nổi và đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Việc phải tập trung đối phó với dịch Covid-19 năm 2021 và sau đó những diễn biến bất lợi của thế giới ảnh hưởng đến một số yếu tố ổn định vĩ mô và môi trường kinh doanh của Việt Nam trong năm 2022 cũng là một nhân tố quan trọng khiến các dòng vốn FDI vào Việt Nam có chiều hướng suy giảm.

Bên cạnh việc Việt Nam phải đối mặt với các chiến lược điều chỉnh dòng vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng quay trở lại thị trường các nước phát triển, chúng tôi cũng nhận thấy sự cạnh tranh gay gắt đến từ các đối thủ trong khu vực, có lợi thế thu hút FDI cũng như mặt hàng xuất khẩu khá tương đồng với Việt Nam. Việc đa dạng hoá đầu tư vào các khu vực khác nhau nhằm đa dạng hoá chuỗi cung ứng và sản xuất, trong bối cảnh các lợi thế cạnh tranh ban đầu của Việt Nam về lao động giá rẻ, về chi phí đầu tư ban đầu cũng như các chính sách ưu đãi thuế/phí dần mất đi động lực so với các quốc gia Nam Á hay Đông Nam Á khác là một thực tế dẫn đến việc suy giảm dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Ngay trong khu vực ASEAN, mặc dù Việt Nam cũng đã tương đối thành công trong việc thu hút FDI, nhưng trong vài năm trở lại đây phần nhiều dòng vốn FDI ngoài khu vực ASEAN, nhất là những dự án FDI chất lượng cao, lại tập trung vào Singapore hơn là những quốc gia khác trong ASEAN. Điều này cho thấy những cách biệt về chất lượng hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao, thể chế và môi trường kinh doanh cũng đã tạo ra sự khác biệt về hấp dẫn đầu tư FDI của Singapore so với các quốc gia còn lại trong ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Như trên đã phân tích, phải khẳng định là khu vực FDI đã thực sự trở thành một nhân tố quan trọng đóng góp vào sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong và sau đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó sự có mặt của các dự án đầu tư FDI đã góp phần tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, góp phần tạo công ăn việc làm và nâng cao năng suất lao động, hiệu quả của tăng trưởng. Tuy nhiên, cũng không nên quá chú trọng con số tăng trưởng vốn FDI mà không quan tâm thấu đáo đến chất lượng của dòng vốn FDI, cũng như một số rủi ro ở những ngành, lĩnh vực vốn FDI chiếm ưu thế thời gian qua. Các nhà hoạch định chính sách cần nhìn vào chất lượng dự án FDI để có biện pháp thích ứng, hạn chế phụ thuộc quá lớn xuất khẩu, thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong nước vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp FDI, qua đó tạo hiệu ứng lan tỏa thực chất vốn FDI.

Thứ nhất, như trên đã phân tích, mặc dù Việt Nam có những thành công nhất định trong việc thu hút FDI trong thời gian qua, thậm chí ngay cả trong và sau khi bị tác động tiêu cực của Covid-19, tuy nhiên các dự án FDI vẫn chủ yếu tập trung ở các ngành công nghiệp gia công, lắp ráp, thâm dụng lao động trình độ thấp là chủ yếu. Các nhà đầu tư FDI cũng chủ yếu là các quốc gia trong khu vực châu Á và ASEAN, sự tham gia của các tập đoàn toàn cầu, các nhà đầu tư có chất lượng đến từ các quốc gia phát triển của châu Âu hoặc Mỹ vẫn còn hạn chế.

Việc tận dụng các ưu đãi đầu tư và nhân công giá rẻ sẽ khiến các dự án có công nghệ nhập khẩu ở mức trung bình, các dự án vào lĩnh vực công nghệ cao mặc dù có nhưng tỷ lệ vẫn rất thấp. Trong thời gian tới, khi chi phí nhân công của Việt Nam tăng lên, các ưu đãi đầu tư cũng sẽ dần dần bị cắt bỏ, các dự án FDI chất lượng thấp này có thể sẽ tìm đến các thị trường có yếu tố cạnh tranh hơn trong khu vực, đồng thời lại tạo ra nhiều hệ lụy tiêu cực đến sự chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững của Việt Nam.

Thứ hai, việc thu hút FDI của Việt Nam vào lĩnh vực dịch vụ với giá trị gia tăng cao, gắn với xu hướng phát triển nền kinh tế số và sáng tạo trên thế giới cũng chưa đạt kỳ vọng. Theo đánh giá của chúng tôi, nhiều lĩnh vực dịch vụ quan trọng như logistic, bảo hiểm, thương mại điện tử, quảng cáo xuyên biên giới, kinh tế số phần nhiều do các tập đoàn lớn nước ngoài chi phối khiến cho cán cân vãng lai của Việt Nam thâm hụt vì nhập khẩu ròng dịch vụ rất lớn. Hơn nữa, tuy đóng góp lớn cho thặng dư xuất khẩu hàng hoá, nhưng lợi nhuận kinh doanh từ hoạt động này tập trung ở các doanh nghiệp FDI, chảy về nước ngoài, cũng làm tài khoản vãng lai của Việt Nam bị thâm hụt. Đây là dấu hiệu cần lưu tâm, nhất là nếu đi kèm đó là việc không kiểm soát được các hành vi tránh thuế hoặc chuyển giá của một bộ phận nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân vào sân chơi chung với các doanh nghiệp FDI trong chuỗi giá trị thương mại và sản xuất cũng còn rất hạn chế. Thậm chí, với đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu vốn, công nghệ kém và hạn chế trong tiếp cận nguồn lực đất đai, nếu không hỗ trợ kịp thời, doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam sẽ ngày càng khó khăn tham gia sân chơi bình đẳng với các doanh nghiệp FDI và có thể thua ngay trên sân nhà. Theo tôi, vấn đề yếu kém hiện nay không phải là ở công nghệ, doanh nghiệp Việt Nam không phải không thể sản xuất được cái đinh, ốc vít mà là chưa thực hành các nền tảng văn hoá và quản trị hiện đại để vượt qua rào cản kỹ thuật và tham gia vào sân chơi chung toàn cầu.

Cách nào để dòng vốn FDI chất lượng quay lại Việt Nam?

Các khó khăn và thách thức trong việc thu hút dòng vốn FDI cũng như những vấn đề đặt ra về chất lượng dòng vốn FDI đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực nhiều hơn trong việc tạo dựng môi trường cạnh tranh để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài một cách có chọn lọc trong thời gian tới.

Trước hết vẫn phải khẳng định Việt Nam có lợi thế thu hút FDI, bắt nguồn từ nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, hệ thống tài chính an toàn, triển vọng đầu tư tốt với quy mô thị trường tương đối rộng và độ mở nền kinh tế rất cao. Đây là những yếu tố vĩ mô cần được duy trì để đảm bảo các lợi thế thu hút FDI đã có, nhất là trong tương quan so sánh các yếu tố khác đang bị cạnh tranh quyết liệt.

Để tăng cường các năng lực cạnh tranh với các quốc gia có lợi thế tương đồng trong khu vực, Việt Nam cũng phải hướng tới một hệ thống cơ sở hạ tầng (cả cứng và mềm) hoàn thiện và kết nối tốt hơn, giảm thiểu các chi phí trung gian. Việc xây dựng và thực thi các chính sách và thể chế cũng cần sự ổn định và tránh những rủi ro do các thay đổi không đoán định được cho các nhà đầu tư, qua đó tăng tính tin tưởng và tạo sự thông thoáng trong môi trường kinh doanh.

Trong giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế, nhất là tình trạng thiếu đơn hàng xuất khẩu, cầu trong nước kém trong khi chi phí đầu vào tăng cao, khiến hàng loạt doanh nghiệp trong nước phải rút lui hàng loạt, một mặt vẫn cần quan tâm, điều chỉnh, sửa đổi chính sách tạo nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao chất lượng kinh doanh, quản lý nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ mới, nhưng bên cạnh đó cần tiếp tục cải cách môi trường thể chế, thủ tục hành chính theo hướng công khai minh bạch, đẩy mạnh thực chất chuyển đổi số, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thay đổi thói quen, thực hành kinh doanh theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, qua đó tạo tâm thế bình đẳng với doanh nghiệp FDI cùng hợp tác và cạnh tranh, tham gia tốt hơn vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Nếu làm được tốt các giải pháp nêu trên, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì vị thế tương đối cạnh tranh trong thu hút vốn FDI ở ASEAN, tiếp tục tiếp nhận dự án đầu tư, đón làn sóng dịch chuyển các dòng vốn FDI thế hệ mới, chất lượng cao.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.