Thị trường

Cao điểm Tết: Việt Nam ‘chi’ hơn 55 tỷ đồng mỗi ngày nhập trái cây Thái Lan

(VNF) - Ước tính bình quân, mỗi ngày người Việt Nam chi hơn 126 tỷ đồng để nhập hoa quả các loại, trong đó riêng thị trường Thái Lan là hơn 55 tỷ đồng, các thị trường còn lại như Trung Quốc là hơn 28 tỷ đồng, thị trường Mỹ là hơn 13,6 tỷ đồng.

Cao điểm Tết: Việt Nam ‘chi’ hơn 55 tỷ đồng mỗi ngày nhập trái cây Thái Lan

Tháng 1/2018, Việt Nam chi hơn 167 triệu USD để nhập hoa quả các loại.

Theo thống kê mới đây của Tổng cục Hải quan, trong tháng đầu năm 2018, Việt Nam chi hơn 167 triệu USD để nhập hoa quả các loại, kim ngạch tăng hơn cùng kỳ năm trước hơn 70%, mức độ tăng cao nhất so với các nhóm hàng nông lâm thuỷ sản.

Đáng chú ý, càng dịp cao điểm Tết Mậu Tuất, lượng nhập khẩu rau quả của Việt Nam ngày càng tăng, trong đó ba thị trường nhập hoa quả lớn nhất của người Việt là thị trường Thái Lan khi chi tới 73 triệu USD, Trung Quốc 38 triệu USD và Mỹ là hơn 18 triệu USD để nhập hoa quả các loại.

Ngoài ra, Việt Nam còn chi lượng tiền không nhỏ để nhập khẩu hoa trái về ăn Tết từ các nước như Hàn Quốc, Úc và New Zealand, trong đó chủ yếu các loại hoa quả như: táo, lê, xoài, mận, mãng cầu, chôm chôm...

Kim ngạch nhập hoa quả từ Thái Lan năm 2017 là hơn 857 triệu USD.

Trong năm 2017, Việt Nam chi hơn 1,5 tỷ USD (hơn 34.000 tỷ đồng) để nhập hoa quả các loại phục vụ tiêu dùng trong nước, kim ngạch nhập hoa quả ngoại bằng 40% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam trong năm 2017.

Trong đó kim ngạch nhập hoa quả từ Thái Lan lớn nhất với hơn 857 triệu USD (khoảng 19.500 tỷ đồng), kim ngạch nhập hoa quả Trung Quốc đứng thứ 2 là hơn 294 triệu USD (6.600 tỷ đồng), và kim ngạch nhập khẩu các loại hoa quả của Mỹ, Nhật, Hàn, Úc hay New Zealand lần lượt cũng chiếm vị trí cao tại Việt Nam.

Thị trường trái cây "sôi nổi" dịp Tết

Nhiều loại trái cây đặc sản ở miền Tây như: vú sữa, bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, chôm chôm… đang có giá cao. Năm nay do thời tiết không thuận lợi, nguồn cung ít nên dự báo giá trái cây dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng mạnh.

Theo dự báo của Công ty Chợ Thủ Đức, các ngày cao điểm tết mặt hàng bưởi có thể đạt 150 - 170 tấn/ngày (trong khi cao điểm năm trước là 190 tấn/ngày), xoài 100 - 120 tấn/ngày (năm trước là 130 - 150 tấn/ngày)…

Do nguồn cung giảm, nhiều khả năng giá bán đối với các mặt hàng này sẽ tăng cao vào những ngày cận tết. Hiện giá bưởi da xanh mua tại vườn ở mức hơn 70.000 đồng/kg, cao hơn mức bình quân cùng kỳ năm 2017 khoảng 20.000 đồng/kg.

Ở Hà Nội, giáp Tết Nguyên đán 2018, trái cây trên thị trường cũng tăng giá mạnh, đặc biệt là các loại trái cây thuộc mâm "ngũ quả" để thắp hương dịp Tết như chuối, bưởi, phật thủ… tăng giá theo từng ngày. Dự báo, giá trái cây còn tiếp tục tăng đến ngoài rằm tháng Giêng.

Giá cam Canh tại các chợ cũng đang tăng chóng mặt. Trong khi ở tháng 1, giá cam Canh bán tại các chợ chỉ vào khoảng 30.000-40.000 đồng/kg loại đẹp thì nay đã tăng lên ở mức 60.000-70.000 đồng/kg.

Đối với mặt hàng chuối xanh có mức tăng giá mạnh, theo các tiểu thương là do tăng giá từ gốc. Tại thủ phủ chuối Hà Nam, giá người dân trồng chuối bán ra đã ở mức 100.000 đồng/kg. Lý giải của người trồng chuối cho hay, do năm nay, thời tiết khá thất thường, mùa đông nhưng mưa nhiều, cộng với giá rét sớm khiến chuối khó phát triển.

Các loại trái cây bầy mâm ngũ quả "đội giá" dịp cận Tết.

Bên cạnh đó, một số loại trái cây cũng tăng giá ăn theo dịp Tết Nguyên đán như táo xanh to có giá 45.000 đồng/kg, tăng 15.000 đồng/kg so với trước đây; xoài ngọt 60.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; vú sữa 70.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg. Không những trái cây, mà một số loại hoa cũng đã bắt đầu tăng, như: hoa cúc có giá 6.000 đồng/bông, hoa hồng 6.000 đồng/bông, tăng khoảng 1.000 đồng/bông so với tháng trước đó.

Mặc dù những loại trái cây nhập khẩu có giá khá đắt đỏ, nhưng với hình thức, màu sắc hấp dẫn, nhiều người tiêu dùng vẫn chọn lựa để bày mâm ngũ quả hoặc làm quà biếu, tặng trong dịp Tết. Phần lớn trái cây nhập khẩu có nguồn gốc từ các nước như Thái Lan, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada…

Theo khảo sát sơ bộ trên thị trường, Cherry Australia nhiều size có giá từ 500.000 đồng đến 1,3 triệu đồng/1 kg, táo Pháp có giá từ 110.000 đồng đến 230.000 đồng/1kg, kiwi xanh Pháp có giá 230.000 đồng/1kg, dưa lưới Fuji Nhật giá 230.000 đồng/kg, nho xanh không hạt Nam Phi giá 200.000 đồng/kg, lê Hàn Quốc giá 130.000/kg…

Theo dự báo của các tiểu thương, giá trái cây sẽ còn tiếp tục tăng và đứng ở mức cao đến ngoài rằm tháng Giêng.

>> Bầu Hiển thưởng Tết 3 tỷ đồng cho 6 tuyển thủ U23 Việt Nam

Tin mới lên