Cen Group: Hành trình 'xưng hùng' trong làng môi giới

Trần Lệ - 25/02/2024 22:48 (GMT+7)

(VNF) - Đi lên từ một văn phòng tư vấn môi giới chỉ vỏn vẹn 3 người, sau 20 năm phát triển đầy thăng trầm, Cen Group giờ đây đã trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực phân phối và tiếp thị bất động sản.

VNF
Ảnh minh hoạ

Hành trình khởi nguồn

Lấy mốc là Luật Đất đai ra đời năm 1993, nhưng thị trường bất động sản Việt Nam mới chỉ bắt đầu chuyển mình vào cuối những năm 90 khi Mỹ bỏ cấm vấn và Việt Nam bắt đầu hội nhập. Đây cũng là thời điểm cơn sốt đất bùng nổ vào giai đoạn 2001-2002 và đỉnh điểm là năm 2003.

Thời điểm đó, các khái niệm đại lý ủy quyền, môi giới, tiêu thụ… trong bất động sản vốn xa lạ với công chúng, chỉ được một số đại lý nước ngoài sử dụng và truyền bá, còn môi giới trong nước được gọi là “cò đất”.

Cùng thời điểm sốt đất năm 2002, ông Nguyễn Trung Vũ tiến hành mua nhượng quyền thương hiệu môi giới đất động sản của Công ty Cendant (Mỹ), đặt tên công ty là Century 21 - Trường Thành, trụ sở nằm ở 82 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội.

Trong ngày đầu thành lập, công ty có số lượng nhân viên chỉ 3 người, gồm: ông Vũ nhà sáng lập, bà Trần Thị Thanh Bình (hiện là phó chủ tịch Cen Group) và bà Nguyễn Thị Thanh, nhân viên lễ tân (hiện là phó tổng giám đốc Cen Invest). Sau đó một năm, công ty có thêm 11 nhân viên chính thức được nhận lương và giai đoạn này tập trung vào mảng thuê và cho thuê lại.

Với nguồn tài chính rất hạn hẹp, song công ty có được vị thế trên thị trường nhờ cách làm việc rất khác thường là không thu phí của bên mua - điều mà tại thời điểm đó, hầu hết các “cò” đều làm. Đến cuối năm 2005, ông Vũ lấn sân sang mảng đầu tư thứ cấp và quyết định mạo hiểm bằng cách huy động vốn của gia đình, thuê lại một xưởng sản xuất xe máy bỏ không có 3 tầng, rộng hơn 3.000m2 gần bến xe Mỹ Đình và dự kiến chia nhỏ để cho thuê làm văn phòng. Trùng hợp lúc đó, Tập đoàn FPT đang đi tìm địa điểm xây trường đại học nên ông Vũ đã cải tạo lại ngăn vách, sau đó cho phía FPT thuê toàn bộ tòa nhà.

Nhờ sự nhạy bén trong kinh doanh của ông Vũ, công ty đã có nguồn vốn ban đầu nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn khi công ty mẹ ở Mỹ yêu cầu rút giấy phép kinh doanh. Năm 2007, công ty đã đổi tên mới thành Bất động sản Thế Kỷ (Cen Land – đơn vị đầu tiên của Cen Group), các thành viên sáng lập ngày ấy đã phải bán, cầm cố nhiều tài sản để có vốn xoay vòng hoạt động cho công ty.

Lúc đó, ông Nguyễn Anh Hương (nay là phó tổng giám đốc Cen Group), đã rót vốn đầu tư vào dự án đầu tiên của Cen bằng niềm tin dành cho một công ty non trẻ. Cuối năm 2007, công ty bắt đầu bán các sản phẩm bất động sản. Từ đây, việc kinh doanh của công ty bắt đầu thuận lợi khi mở rộng và thành lập hàng loạt chi nhánh như: Cen Mỹ Đình, Cen Tây Hồ, Cen Hai Bà Trung và Cen Đống Đa, đồng thời mở thêm các công ty con như Cen Value, RSM.

Bước sang chu kỳ 2007 - 2009, giai đoạn đầu thị trường bất động sản nóng sốt với quy mô lớn chưa từng có, nguyên nhân cơ bản xuất phát từ các tín hiệu tích cực của nền kinh tế như: Việt Nam gia nhập WTO (2007), sự bùng nổ thị trường chứng khoán và bất động sản đón dòng vốn thặng dư lớn từ nguồn này.

Điều đó khiến giá nhà đất tăng vọt lên 50% - 70%, thậm chí lên 100%. Nắm thời cơ, Cen Land đầu tư thứ cấp vào nhiều dự án như: Văn Phú Victory (Hà Nội), Lê Thành (TP. HCM)… đã mang lại kết quả kinh doanh vượt trên cả sự kỳ vọng.

Can trường và vươn lên

Tuy nhiên, từ nửa cuối năm 2010, “quả bóng” bất động sản xì hơi trên diện rộng và dần lan ra cả nước. Sang năm 2011, thị trường gần như chạm đáy khiến nhiều cá nhân, doanh nghiệp bất động sản lao đao. Đặc biệt, nhiều chủ đầu bỏ trốn, bỏ lại dự án, trong đó có cả những chủ đầu tư đã cầm tiền của Cen Land. Công ty cũng gặp khó khăn từ đây và nhà sáng lập bị khách hàng đòi nợ. Vị doanh nhân lúc ấy đã tận dụng kinh nghiệm có được tìm cách để thu hồi vốn dù rằng kết quả không được mấy khả quan.

“Điều may mắn nhất là trong tình hình đó, toàn thể cán bộ nhân viên công ty cùng nhau nỗ lực, làm việc với cường độ cao để giúp công ty vượt qua biến động, giữ hình ảnh, uy tín với khách hàng”, ông Nguyễn Trung Vũ chia sẻ.

Cũng trong những năm này, Cen Land tập trung đầu tư thứ cấp, phân phối một số dự án lớn như Lilama (52 Lĩnh Nam), Hattoco (110 Trần Phú, Hà Đông), Mê Kông… đồng thời cũng ghi nhiều dấu mốc quan trọng như thành lập công ty mẹ Cen Group, mở chi nhánh Cen Sài Gòn. Và cũng lúc này, thế hệ G2 của công ty với những cái tên như ông Phạm Thanh Hưng, ông Nguyễn Thọ Tuyển, ông Cấn Công Việt, ông Trương Hùng Cường, ông Lê Xuân Nga… đã tụ họp tại Cen Group và cùng lớn mạnh.

Sau hơn 9 năm hình thành và phát triển, những tháng cuối năm 2011 nhận thấy sự biến đổi của thị trường, việc phát triển tách biệt không còn mang lại hiệu quả kinh doanh tối ưu, Cen Group đã hội tụ các đơn vị kinh doanh như Cen Tây Hồ, Cen Đống Đa, Cen Mỹ Đình… về hoạt động tập trung tại 137 Nguyễn Ngọc Vũ, Hà Nội.

Bước vào đầu năm 2012, với ý tưởng ra đời một siêu thị bất động sản, nơi khách hàng có thể xem, lựa chọn nhiều dự án cùng một lúc, tập đoàn đã cho ra đời siêu thị dự án bất động sản. Siêu thị dự án là một sàn giao dịch hoàn toàn độc lập với các chủ đầu tư dự án.

Điều này đã giúp công ty có được một lượng dự án đa dạng, với nhiều loại hình sản phẩm, nhiều cấp độ và từ mọi vùng miền trên cả nước. Sang năm 2014, nhận thấy sự phát triển và lớn mạnh của mô hình này, công ty đã đổi tên thành hệ thống siêu thị dự án bất động sản.

Với siêu thị dự án, Cen Land chính thức trở thành “quán quân môi giới bất động sản” vào năm 2014 - 2015. Sau bốn năm hoạt động, công ty đã có tới gần 3.000 nhân viên kinh doanh, mỗi năm bán hàng chục nghìn bất động sản nhưng cũng dường như đã chạm tới rào cản quy mô, sự tăng trưởng có phần chững lại.

Đóng vai trò người dẫn đầu của ngành môi giới bất động sản, năm 2016, Cen Land đi tới một quyết định chưa từng có là chia sẻ kho hàng khổng lồ của mình để mời các môi giới và các sàn khác cùng bán. Website Nghemoigioi.vn ra đời, tiền thân của Cenhomes.vn hiện nay, đã kết nối hàng nghìn sàn liên kết, hàng vạn đại lý ủy quyền và tạo thành một hệ thống phân phối tiếp thị bất động sản không biên giới.

Nghemoigioi.vn, khi đó là bước đi tiên phong ở thị trường môi giới bất động sản, trên môi trường trực tuyến. Từ năm 2016 đến nay, hệ thống nhà kết nối đã gặt hái được những thành công ban đầu với gần 5.000 giao dịch thành công. Không dừng lại ở một công ty, một dịch vụ, Cen Group đã đa dạng hóa sang các lĩnh vực khác bên cạnh mảng kinh doanh bất động sản như: thành lập Cen Vest – đơn vị đầu tư, nhà phát triển bất động sản, Cen Đà Nẵng, Cen Hạ Long.

Một sự kiện khác của Cen Group gây chú ý với giới bất động sản hồi tháng 9/2018 là 50 triệu cổ phiếu CRE của Cen Land chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán TP. HCM, trở thành đơn vị thuần môi giới đầu tiên niêm yết trên sàn HoSE.

Trong năm 2020 doanh nghiệp này đã môi giới thành công 8.416 giao dịch tương đương 32.303 tỷ đồng giá trị bất động sản. Năm 2021 cũng đánh dấu mốc hoạt động đầu tư thứ cấp mạnh mẽ nhất từ trước tới nay của Cen Group khi rót hơn 5.000 tỷ đồng vào một loạt các dự án như: Louis City Hoàng Mai, Hinode Royal Park, Bình Minh Garden, C-Skyview, Casamia Hội An và Trinity Tower.

Dù ảnh hưởng của dịch bệnh, Cen vẫn có lượng giao dịch tốt để đảm bảo sống sót giữa mùa dịch và cho đến nay có gần 6.000 nhân sự khắp cả nước. Những bước đi tiếp theo của tập đoàn sẽ là những mô hình kinh doanh bất động sản trên nền tảng số, cùng với những sản phẩm mang xu hướng thời đại và đáp ứng nhu cầu tất yếu như căn hộ dịch vụ, bất động sản kho vận và hậu cần để đón làn sóng chuyển dịch của thương mại quốc tế, hoặc ngôi nhà thứ 2.

Nếu được chọn một hình ảnh để nói về hành trình của Cen Group trong 20 năm qua, doanh nhân Nguyễn Trung Vũ nói: “Tôi lựa chọn hình ảnh mưa, bởi đơn giản những cơn mưa giúp tôi nhìn thấy một Cen Group thực sự can trường và vươn lên.

Tôi tâm đắc với câu nói ‘Người ta chỉ có thể bắt chước thứ mình làm nhưng không thể bắt chước những thức mình nghĩ’. Việc quan sát, đúc rút là điều làm mỗi người khác biệt, có chiều sâu. Chúng tôi luôn mong muốn thị trường bất động sản được phát triển minh bạch và quan trọng nhất là giá bất động sản khả thi để người dân được mua và thuê nhà với giá cả hợp lý”.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.