Nhân vật

CEO 7x nhận triệu USD từ 'Shark Tank', phát triển AI với giấc mơ xuất khẩu chất xám người Việt

(VNF) - Thất bại trong lần khởi nghiệp trước và mong muốn tạo ra một sản phẩm có thể xuất khẩu chất xám của người Việt ra nước ngoài, CEO Lê Ngọc Trí (sinh năm 1974) đã cùng với bạn của mình thành lập ra Công ty cổ phần EMAndAI (EM&AI). Sản phẩm của anh là giải pháp Voicebot AI - tự động gọi điện chăm sóc khách hàng với giọng trí tuệ nhân tạo.

CEO 7x nhận triệu USD từ 'Shark Tank', phát triển AI với giấc mơ xuất khẩu chất xám người Việt

Anh Lê Ngọc Trí người sản lập EM&AI. Ảnh: Phước Nguyên

Công ty cổ phần EMAndAI (EM&AI) được biết đến là startup mảng công nghệ đến từ vùng đất Đà Nẵng. Dưới bàn tay lèo lái của CEO Lê Ngọc Trí, EM&AI đã kêu gọi đầu tư thành công 1 triệu USD sau khi lên sóng chương trình Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank Việt Nam mùa 5.

Sản phẩm của anh trong lần kêu gọi đầu tư trong chương trình này là giải pháp Voicebot AI - tự động gọi điện chăm sóc khách hàng với giọng trí tuệ nhân tạo.

Giấc mơ xuất khẩu chất xám của người Việt 

CEO Lê Ngọc Trí (sinh năm 1974) tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh vào năm 2000. Sau khi ra trường, anh đầu quân cho một số tập đoàn lớn của nước ngoài. Thời điểm này, mỗi tháng anh có thu nhập 70 triệu đồng. Dù có mức thu nhập khá ấn tượng vào thời điểm năm 2009, anh quyết định nghỉ việc và thành lập một công ty chuyên về chất phủ trong xây dựng vào năm 2009. Lần khởi nghiệp này anh cũng gặp không ít những thất bại, bởi mô hình kinh doanh dễ bị sao chép. 

“Công ty của tôi chuyên về chất phủ xây dựng và tiên phong áp dụng công nghệ nước ngoài cung cấp cho thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, mô hình kinh doanh quá dễ bị sao chép nên công ty của tôi vô tình tạo ra gần 10 đối thủ. Các đối thủ này chính các bạn nhân viên do chính tôi đào tạo ra, quay sang cạnh tranh ngược lại”, CEO của EM&AI nói. 

Không khuất phục trước lần thất bại trước đó, năm 2017, anh và một số người bạn thành lập EM&AI sau một thời gian tìm hiểu về trí tuệ nhân tạo (AI). Nhóm sáng lập ra công ty khởi nghiệp sơ khởi cũng đều là những người được đào tạo về công nghệ tại Việt Nam và Pháp.

Từ những thất bại cũng như thành công trước đó, lần khởi nghiệp này anh Trí muốn làm một sản phẩm có hàm lượng chất xám cao và có thể xuất khẩu được chất xám của người Việt đến các đối tác nước ngoài. 

“Tôi nhận thấy các cuộc gọi chăm sóc khách hàng hiện nay đều qua điện thoại là chính và nó chiếm đến 70% lượng tương tác của doanh nghiệp đối với khách hàng. Nhận thấy xu hướng này, chúng tôi đã phát triển ra một sản sản phẩm cung cấp ra toàn cầu giải pháp Voicebot AI - tự động gọi điện chăm sóc khách hàng với giọng trí tuệ nhân tạo”, CEO EM&AI nói về khởi nguồn tạo ra sao phầm AI.

Giải thích thêm về sản phẩm công nghệ này, anh Trí cho biết các doanh nghiệp, đặc biệt là công ty tài chính, công ty bảo hiểm hàng ngày phải duy trì một đội ngũ nhân viên tổng đài. Công việc của họ là nghe gọi điện thoại, để trao đổi công việc với khách hàng với hàng trăm cuộc gọi mỗi ngày.

EM&AI đã kêu gọi đầu tư thành công 1 triệu USD sau khi lên sóng chương trình Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank Việt Nam mùa 5. Ảnh: Phước Nguyên

Khi áp dụng công nghệ AI vào nhiệm vụ này, các doanh nghiệp trên sẽ gánh bớt được một phần kinh phí và nhân viên làm việc. Từ đây, các cuộc gọi thoại đã được AI xử lý thay cho con người như trước đây.

Bên cạnh đó, sản phẩm của EM&AI còn giúp doanh nghiệp quản lý được các cuộc gọi trao đổi giữa các nhân viên với khách hàng. Từ đó, doanh nghiệp sẽ có những điều chỉnh phù hợp với công việc tại bộ phận đó. 

Để tăng trải nghiệm cho người dùng khi nhận cuộc gọi từ Voicebot, EM&AI đã cho khách hàng toàn quyền thu âm giọng thực của mình dựa trên từng đoạn văn bản phản hồi với khách hàng đầu cuối. Thậm chí, khi khách hàng muốn tư vấn chuyên sâu hơn thì giọng bot thu âm chuyển ngay cho người thu để tạo 2 giọng liền mạch với nhau.

Anh Trí cho biết thêm, startup đã làm chủ hoàn toàn 4 công nghệ lõi bao gồm: Diễn dịch lời nói; tổng hợp tiếng nói; phân tích cảm xúc; nhận diện ý định lời nói.

“Một khách hàng bất động sản của EM&AI khi ứng dụng giải pháp này cho biết đã giải quyết được khối lượng công việc 1 tháng chỉ trong 2 ngày, từ 7 nhân sự giảm xuống còn 1 nhân sự vận hành, chi phí chỉ bằng 20% so với trước đây”, anh Trí thông tin.

Vẫn còn thách thức 

Xuất thân từ ngành quản trị kinh doanh, anh Trí cùng nhóm của mình đã gặp không ít thất bại khi mới đầu triển khai dự án. Sản phẩm đến thời điểm này vẫn còn phải chỉnh sửa. Bởi để AI trao đổi với khách hàng một cách tự nhiên như người thật là một điều không phải dễ dàng.

Yêu cầu cho sản phẩm này là AI phải có hiểu được ngôn ngữ mà ở đây tiếng Việt là rất khó. Tiếp theo, AI cũng cần có độ nhấn trong tường âm điệu, chưa kể trạng thái khi phát ra âm thanh… . Việc phát triển hệ thống như vậy đòi hỏi phải có kỹ thuật cao. 

Sau nhiều lần thất bại và điều chỉnh, sản phẩm trí tuệ nhân tạo của anh ban đầu đã nhận được sự tin tưởng của nhiều doanh nghiệp lớn như AWS, CMC, Panasonic, EVN... và các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Đồng thời, công ty cũng đã khẳng định mình qua nhiều giải thưởng uy tín về công nghệ. 

CEO Lê Ngọc Trí và đội ngũ EM&AI. Ảnh: Phước Nguyên

“Trí tuệ nhân tạo chỉ thường dành cho những doanh nghiệp lớn. Ở đó, các doanh nghiệp này có đủ tài chính và nhân lực cao để phát triển, hoặc là những doanh nghiệp chưa biết gì. Vì không biết gì, họ sẽ lao vào thực hiện”, CEO Lê Ngọc Trí chia sẻ.

Đến nay, EM&AI đã đầu tư vào phát triển công nghệ lõi AI hơn 3,8 triệu USD tiền mặt, trong đó 40% là tiền từ đội ngũ sáng lập, 60% đến từ các angel investor (nhà đầu tư thiên thần).

Ngoài ra, hơn 17 tỷ đồng đến từ hơn 15 giải thưởng trong và ngoài nước cũng được startup đầu tư cho doanh nghiệp. Đội ngũ sáng lập đã làm việc không lương trong 5 năm, tương ứng với số tiền khoảng 700.000 USD.

Hiện tại nguồn thu chính của startup đến từ các hợp đồng cung cấp các giải pháp AI cho doanh nghiệp VNTop500 và đăng ký sử dụng phần mềm Vagent.AI (chat to voice) đến từ các cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Dự kiến doanh thu năm 2024 sẽ đạt 1 triệu USD, đưa công ty đến điểm cân bằng vốn (break-even).

Tin mới lên