CEO AirAsia và hành trình khởi nghiệp với 0,26 USD

Minh An - 21/04/2019 18:34 (GMT+7)

(VNF) - Tony Fernandes, nhà sáng lập và Tổng giám đốc AirAsia đã mua lại công ty vận tải Malaysia với giá 26 cent (1 riggit ) vào năm 2001 và biến nó thành hãng hàng không giá rẻ đạt lợi nhuận 2,58 tỷ USD vào năm 2018.

VNF
Tony Fernandes, nhà sáng lập và Tổng giám đốc AirAsia.

Sau sự nghiệp thành công với cương vị giám đốc điều hành tại Warner Music, Tony Fernandes quyết định từ bỏ tất cả để thử sức với ngành hàng không vào năm 2001, bằng cách mua lại công công ty vận tải Malaysia với giá 1 riggit (khi đó khoảng 26 cent). Đây chính là tiền thân của AirAsia.

Một năm sau, Tony Fernandes đã vực dậy công ty thành công và mang lợi nhuận trở lại.

Đến năm 2018, AirAsia đã đạt 10,6 tỷ MYR (khoảng 2,58 tỷ USD) lợi nhuận.

Khi khởi sự với AirAsia năm 2001, Tony Fernandes quản lý 200 nhân viên và 2 máy bay. 17 năm sau, mạng lưới của AirAsia phát triển lên đến 20.000 người, với 250 máy bay.

Năm 2018, AirAsia được bình chọn là hãng hàng không giá rẻ tốt nhất thế giới trong 10 năm liên tiếp bởi công ty nghiên cứu hàng không Skytrax.

Khi được hỏi kỹ năng quan trọng nhất ông có được với tư cách nhà lãnh đạo là gì, doanh nhân 54 tuổi chỉ nhấn mạnh một điều: Khả năng tìm kiếm nhân tài.

“Tôi nghĩ thế mạnh lớn nhất của tôi, nếu có, đó là khả năng tìm kiếm nhân tài”, Fernandes chia sẻ trong một hội nghị tài chính gần đây ở Singapore, với tên gọi Money 2020.

Tony Fernandes cho biết ông ưu tiên chọn lựa các đối tượng phù hợp làm việc theo nhóm với kỹ năng giao tiếp tốt, cùng với những người có động lực lớn lao.

“Tôi tìm kiếm những người đang ‘thèm khát’”, Fernandes nói. “Nhìn vào đội của tôi, có thể thấy rất nhiều người từng thất bại hoặc đang muốn chứng tỏ điều gì đó”.

Kỹ năng này đặc biệt hữu ích khi Tony Fernandes tìm kiếm một đối tác kinh doanh cho dự án mới nhất, BigPay - ứng dụng thanh toán trên di động mới của AirAsia.

Fernandes cho biết ông đã bị ấn tượng bởi tinh thần và quyết tâm của Christopher Davison, một "serial entrepreneur" (người thành lập những công ty mới sau khi đã làm chủ một hay nhiều doanh nghiệp trước đó) khi gặp anh trong một quán bar ở London, đến mức đề nghị anh trở thành nhà đồng sáng lập và giám đốc điều hành của BigPay.

Tuy nhiên, tìm được người tài chỉ là một phần công việc của nhà lãnh đạo. Biết cách giữ chân họ là vấn đề khác hoàn toàn, Tony Fernandes lưu ý. Để làm điều đó, ông đặc biệt tập trung vào 3 điều: minh bạch, tôn trọng và cho nhân viên cơ hội phát triển.

“Nhiều công ty không nhận ra giá trị của nhân viên”, Tony Fernandes nói và chỉ ra thêm rằng trong các hãng hàng không cùng quy mô, AirAsia là hãng duy nhất không có công đoàn – tổ chức được thành lập bởi nhân viên để bảo vệ quyền lợi của họ.

Tony Fernandes cho biết hàng ngày ông thức dậy với hàng trăm tin nhắn từ nhân viên.

“Đa số doanh nhân cho rằng họ đã biết hết mọi thứ”, Fernandes nói, “nhưng bạn phải biết lắng nghe tất cả mọi người xung quanh”.

Cùng chuyên mục
Tin khác