CEO Nguyễn Xuân Đông: 'Vinaconex sẽ tìm hiểu, tiếp cận và đầu tư khu vực TP. HCM'
Việt Anh -
27/04/2021 11:24 (GMT+7)
(VNF) - Ông Nguyễn Xuân Đông, Tổng giám đốc Vinaconex, chia sẻ thời gian tới doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm cơ hội đầu tư, phát triển quỹ đất, đặc biệt là khu vực phía nam. Ông Đông nói Vinaconex đang lên kế hoạch tìm hiểu, tiếp cận và đầu tư tại TP. HCM.
Mục tiêu doanh thu tăng 41%
Tại đại hội cổ đông thường niên 2021 của Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HoSE: VCG), diễn ra sáng 27/4, Chủ tịch HĐQT Vinaconex Đào Ngọc Thanh đã công bố các tờ trình của HĐQT và nhận được sự tán thành rất cao.
Theo đó, đại hội đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021, với doanh thu và lợi nhuận sau thuế kỳ vọng đạt lần lượt 12.230 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng, tăng 41% và giảm 40% so với cùng kỳ.
Được biết, Vinaconex đưa ra mức lợi nhuận thận trọng là do nền so sánh năm trước đó khá cao, chỉ tiêu này đã chinh phục ngưỡng kỷ lục 1.690 tỷ đồng nhờ phát sinh khoản doanh thu tài chính tăng đột biến.
Kế hoạch chia cổ tức năm 2021 cũng sẽ tương đương năm 2020 với tỷ lệ 12% bằng tiền mặt cho cổ đông. Trước đó, trong năm 2020, doanh nghiệp đã tạm ứng cổ tức bằng tiền tỷ lệ 6% (hơn 241 tỷ đồng).
Mặc dù chưa công bố báo cáo tài chính quý I, tuy nhiên ông Thanh cho biết, kết thúc ba tháng đầu năm 2021, giá trị các hợp đồng xây dựng đã ký của Vinaconex ước đạt gần 15.000 tỷ đồng; trong đó nổi bật là 3 gói thầu thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông (Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn - Quốc lộ 45).
Theo sau đó là dự án Mikazuki Đà Nẵng, tổ hợp hóa dầu Long Sơn hay một số dự án có vốn đầu tư công khác như cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, bệnh viện K trung ương…
Trong năm nay, Vinaconex tiếp tục tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư một số dự án quan trọng, đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm đưa ra thị trường như dự án Cát Bà - Amatina, dự án chung cư cao cấp 93 Láng Hạ, dự án khu đô thị đại lộ Hòa Bình kéo dài tại Móng Cái...
Đồng thời, sẽ tiếp tục tìm kiếm đối tác đầu tư vào dự án khu công nghệ cao Hoà Lạc, các dự án có quỹ đất lớn trong lĩnh vực bất động sản, khu công nghiệp và bất động sản nghỉ dưỡng.
Về kế hoạch chia lô cổ phiếu quỹ đã được Vinaconex mua lại hồi đầu tháng 12/2020 (39,3 triệu cổ phiếu), cổ đông đã thông qua phương án chia 36,2 triệu đơn vị cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ phân phối 9%.
Toàn bộ số cổ phiếu này sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng, dự kiến thực hiện trong hai quý cuối năm 2021.
Đối với hơn 3 triệu cổ phiếu quỹ còn lại, cổ đông đã ủy quyền và giao nhiệm vụ cho HĐQT quyết định phương án bán cụ thể.
Huy động 4.000 tỷ đồng trái phiếu
Trong bối cảnh hiện thực hóa tham vọng tích lũy quỹ đất lên đến 5.000 ha vào năm 2025, cũng như chiến lược nâng tỷ lệ sở hữu vốn (đảm bảo quyền chi phối) đối với một số công ty thành viên chủ lực, kinh doanh hiệu quả và có triển vọng phát triển của Vinaconex, ban lãnh đạo Vinaconex lên kế hoạch huy động vốn "khủng" trong năm 2021.
Theo đó, đại hội đã thông qua phương án chào bán hơn 58,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng 14,5% lượng cổ phiếu đang lưu hành, với mục đích tăng vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Ban lãnh đạo cho biết, giá chào bán dự kiến sẽ không thấp hơn giá trị sổ sách theo báo cáo tài chính công ty mẹ, tuy nhiên mức giá cuối và tỷ lệ thực hiện quyền mua vẫn chưa được quyết định.
Như vậy, nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của Vinaconex sẽ tăng từ 4.417 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, đại hội cũng thông qua phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ tối đa 2.000 tỷ đồng. Trái phiếu này có mệnh giá 1 tỷ đồng, kỳ hạn 4 năm với lãi suất tối đa 12%/năm. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2021.
Trái chủ sở hữu trái phiếu có quyền chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu VCG sau tối thiểu 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán hoặc theo đề nghị của trái chủ. Số lượng trái phiếu chuyển đổi sẽ do HĐQT quyết định trên cơ sở đàm phán với trái chủ và đảm bảo lợi ích cổ đông.
Giá chuyển đổi sẽ giao cho HĐQT quyết định, tuy nhiên ít nhất phải cao hơn 2 lần giá trị sổ sách tại báo cáo tài chính hợp nhất năm gần nhất và không thấp hơn mệnh giá. Tỷ lệ chuyển đổi cũng chưa được quyết định.
Tương tự, phương án phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng cũng được cổ đông thông qua. Toàn bộ số vốn huy động được sẽ để phục vụ hoạt động kinh doanh, tăng quy mô vốn. Trái phiếu này sẽ có hình thức không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo.
Điều chỉnh số lượng HĐQT xuống còn 5 thành viên
Liên quan đến công tác nhân sự tại Vinaconex, đại hội cũng nhất trí điều chỉnh số lượng thành viên HĐQT từ 7 thành viên xuống còn 5 thành viên. Đồng thời bầu bổ sung 1 thành viên độc lập HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2022.
Đối với ban kiểm soát, đại hội cũng điều chỉnh số lượng thành viên từ 5 thành viên xuống 3 thành viên. Ngay sau khi chuyển niêm yết tại HoSE vào tháng 12/2020, Vinaconex đã rất nhanh chóng tuân thủ quy định về cơ cấu thành viên HĐQT độc lập, điều này thể hiện mục tiêu minh bạch trong công tác quản trị điều hành của cổ đông và ban lãnh đạo doanh nghiệp.
Trong phiên thảo luận, trước câu hỏi của cổ đông, tổng giám đốc Nguyễn Xuân Đông chia sẻ doanh thu kỳ vọng của Vinaconex tại mảng bất động sản năm nay là 1.000 tỷ đồng, qua đó đóng góp cho mục tiêu lợi nhuận sau thuế là 1.008 tỷ đồng.
Ông Đông nhấn mạnh, mặc dù áp lực lợi nhuận là rất lớn (gần 100 tỷ mỗi tháng), tuy nhiên ban lãnh đạo tự tin rằng mục tiêu này sẽ thực hiện được.
Tổng giám đốc Vinaconex cho biết thêm, để thực hiện kế hoạch tìm kiếm cơ hội đầu tư, quỹ đất thì doanh nghiệp đã tổ chức thực địa tại các tỉnh, đặc biệt là khu vực phía Nam. Vinaconex trong thời gian tới sẽ từng bước tìm hiểu, tiếp cận và đầu tư tại TP. HCM.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone