Tài chính quốc tế

Chiến sự Ukraine giúp Nga và Triều Tiên 'hâm nóng' quan hệ

(VNF) - Triều Tiên sẽ nhận được viện trợ về kinh tế trong khi Nga đạt được mục đích về vũ khí. Điều này khiến Mỹ và phương Tây lo ngại chiến sự tại Ukraine đang giúp mối quan hệ giữa Nga và Triều Tiên được "hâm nóng" trở lại sau những năm “nguội lạnh”.

Chiến sự Ukraine giúp Nga và Triều Tiên 'hâm nóng' quan hệ

Chiến sự Ukraine và sự 'lạnh nhạt' của phương Tây đã giúp Nga và Triều Tiên sát lại gần nhau hơn.

Theo các quan chức của Mỹ, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có thể đang lên kế hoạch cho chuyến công du nước ngoài lần đầu tiên sau 4 năm.

Ông Kim Jong Un được cho là sẽ sớm gặp Tổng thống Nga Putin để đàm phán về việc mua bán đạn dược, giúp bổ sung thêm vào kho dự trữ của Nga trong cuộc chiến với Ukraine.

Nhà Trắng cho hay, cuộc gặp giữa ông Kim Jong Un và ông Putin có thể diễn ra vào tuần tới tại thành phố Vladivostok, thuộc phía đông của nước Nga. Đây cũng là nơi từng diễn ra cuộc gặp đầu tiên và duy nhất tính đến thời điểm hiện tại của hai nhà lãnh đạo này vào tháng 4 năm 2019.

Mặc dù phía điện Kremlin từ chối xác nhận thông tin về cuộc gặp này nhưng phía Mỹ tiết lộ Nga có khả năng sẽ cung cấp viện trợ cho Triều Tiên để có thể đạt được thỏa thuận mua bán đạn dược. Viện trợ của Nga có thể giúp ích cho nền kinh tế của Triều Tiên khi quốc gia này đang phải gánh chịu tình trạng thiếu lương thực tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Nga và Triều Tiên đang ngày càng sát lại gần nhau.

Theo The Guardian, Triều Tiên còn hy vọng sẽ nhận được ngoại tệ để tiếp tục tài trợ cho việc phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa – con át chủ bài của quốc gia này.

Ở chiều ngược lại, cuộc gặp gỡ với ông Kim Jong Un có thể giúp Nga ổn định nguồn cung cấp đạn dược khi các lực lượng chiến đấu của Nga đang ở trong tình trạng thiếu đạn dược.

Mặc dù các chuyên gia vũ khí cho biết phần lớn các vũ khí của Triều Tiên là tên lửa thời Liên Xô và không có sức sát thương cao như các vũ khí hiện đại nhưng thỏa thuận cung cấp đạn dược của Nga và Triều Tiên vẫn có thể “định hình lại thế cuộc” trong chiến sự Nga – Ukraine.

“Lý do tại sao Moscow lại nỗ lực để có được sự hỗ trợ như vậy từ Triều Tiên là vì Mỹ đã tiếp tục siết chặt cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga và giờ họ đang phải tìm kiếm bất kỳ nguồn nào mà họ có thể tìm thấy”, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết vào hôm thứ Ba.

Khả năng cao Nga còn được Triều Tiên giúp đỡ về nhân lực. Trước đây, Triều Tiên đã gửi hàng nghìn công nhân ra nước ngoài, nhiều người trong số họ đã tới Nga. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un có thể gửi thêm lao động đến Nga vào thời điểm quốc gia này đang thiếu hụt lao động nghiêm trọng, đặc biệt là ở Siberia và vùng viễn đông.

Nga đang thiếu nhân lực lao động nghiêm trọng.

Nhiều chuyên gia nhận định cuộc gặp gỡ sắp tới của hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Nga có thể được xem là đòn truyền thông, ngầm chứng minh với các nước phương Tây rằng họ vẫn có đối tác thân mật dù bị cô lập trên trường quốc tế.

Giáo sư Artyom Lukin, Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông ở Vladivostok, cho rằng “chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đã mở ra một thực tế địa chính trị mới, theo đó điện Kremlin và Triều Tiên có thể ngày càng thân thiết hơn, thậm chí có thể lên đến mức quan hệ gần như là đồng minh vốn từng tồn tại trong thời chiến tranh lạnh”.

Ông Victor Cha, Phó chủ tịch cấp cao thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nhận định: “Câu chuyện hợp tác giữa hai nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Putin sẽ làm chính quyền tổng thống Biden gặp khó tại Ukraine và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

“Liên minh Nga - Triều Tiên đang tăng cường hợp tác với nhau khi cả hai quốc gia này có rất ít đồng minh và cùng có chung một đối thủ là Mỹ. Sự hồi sinh của một liên minh truyền thống sẽ phục vụ cho lợi ích chiến lược của cả chính quyền Putin lẫn chính quyền Kim Jong Un”, ông Jean H. Lee, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Wilson, chia sẻ với The Guardian.

Tin mới lên