Cho vay bất động sản cao hơn tăng trưởng tín dụng nền kinh tế

Mai Anh - 28/10/2024 20:04 (GMT+7)

(VNF) - Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng thông tin cho vay bất động sản tới cuối tháng 9 là 3,15 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm ngoái và cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng nền kinh tế.

Thông tin trên được Thống đốc nêu khi giải trình tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV về báo cáo giám sát thị trường bất động sản, diễn ra chiều 28/10.

Cụ thể, Thống đốc cho biết, đến cuối tháng 9, dư nợ tín dụng bất động sản đạt 3,15 triệu tỷ đồng, chiểm khoảng 20% tổng dư nợ của nền kinh tế. Mức này tăng khoảng 9,15% so với cuối năm ngoái, cao hơn 0,15% so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (9%).

Trước đó, theo số liệu của NHNN, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 9 là 9% so với đầu năm, tương ứng mức tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm trước.

Nhưng nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn, lãi suất vay bất động sản cao. Có thời điểm, lãi suất cho vay tăng vọt, lên 12-14% một năm. Điều này dẫn đến hệ luỵ là doanh nghiệp bất động sản khó có thể giảm giá nhà, vì "đã phải vay cao để triển khai dự án".

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng giải trình trước Quốc hội.

Giải trình về vấn đề này, Thống đốc cho hay vốn cho vay các dự án bất động sản thường dài hạn, trong khi huy động của các tổ chức tín dụng là ngắn hạn. Về phía các ngân hàng, họ phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn, thu hồi vốn để chi trả cho người gửi tiền. Vì vậy, ngay cả khi dự án khả thi, có khả năng trả nợ nhưng ngân hàng đành từ chối vì thời hạn vay dài hoặc cần ưu tiên cho các khoản cấp bách hơn.

Nhưng NHNN luôn chỉ đạo các ngân hàng tiết kiệm chi phí, dùng nguồn lực của mình để giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ. Thực tế, lãi suất cho vay đã giảm khoảng 3% so với đầu năm 2022.

Bà Hồng cho biết từ khi đại dịch Covid-19 đến nay, ước tính con số miễn giảm phí, lãi cho người dân khoảng 60.000 tỷ đồng. Đây hoàn toàn là từ nguồn lực của các ngân hàng.

Thống đốc cho biết thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, ngành ngân hàng đã ban hành Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay lãi suất ưu đãi đối với chủ đầu tư, người mua nhà các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Các ngân hàng đã huy động nguồn lực từ người dân để hình thành gói tín dụng cho vay hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội. Hiện quy mô gói này tăng lên 145.000 tỷ đồng, với lãi suất cho vay giảm 1,5-2% một năm với chủ đầu tư trong 3 năm, người vay 5 năm.

Bên cạnh đó, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Chương trình theo hướng quy định mức lãi suất ưu đãi hơn cho người mua nhà. Đây hoàn toàn là gói tín dụng dựa trên nguồn lực của các ngân hàng.

Nhưng đến nay gói 145.000 tỷ đồng nói trên mới giải ngân được 1.700 tỷ đồng. Theo bà Hồng, đây mới là giai đoạn đầu của chương trình nên tốc độ giải ngân còn chậm. Ngoài ra, thị trường bất động sản đang mất cân đối, phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở có giá thành phù hợp với thu nhập người dân còn khan hiếm; một số dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý (về thủ tục về đầu tư, đất đai,...); sau đại dịch người thu nhập trung bình khá vẫn còn gặp khó khăn chưa nói đến người dân trên địa bàn thuộc khu vực nông thôn, có thu nhập thấp hoặc đối với công nhân trong các khu công nghiệp nên họ chưa có nhu cầu vay mua nhà.

Thống đốc kiến nghị, thời gian tới, Chính phủ cần có khảo sát nhu cầu thật của người lao động là sở hữu nhà ở hay đi thuê nhà để có giải pháp chính sách đúng và trúng. Ngoài ra, các doanh nghiệp bất động sản cần đa dạng kênh huy động vốn để giảm áp lực kỳ hạn cho kênh tín dụng ngân hàng vì đây là ngành có nhu cầu vốn rất dài hạn.

Cho vay bất động sản: Hồi phục tốt không che hết nỗi lo nợ xấu

Cho vay bất động sản: Hồi phục tốt không che hết nỗi lo nợ xấu

Ngân hàng
(VNF) - Tín dụng bất động sản thời gian gần đây có sự khởi sắc rõ nét, song sự tăng trưởng này có thể không bền vững, do đó nên cảnh giác rủi ro nợ xấu.
Cùng chuyên mục
Tin khác