M&A

Chợ Việt xưa và nay: Những phiên chợ M&A hướng tới tương lai

(VNF) - Thị trường M&A đã và đang có sự phát triển bùng nổ trong những năm gần đây. Trên “phiên chợ” đặc biệt này, những doanh nghiệp hay dự án là những món hàng được các nhà đầu tư mua bán ở cấp độ toàn cầu, với doanh thu nhiều tỷ USD mỗi năm.

Chợ Việt xưa và nay: Những phiên chợ M&A hướng tới tương lai

Tự tin bước vào chợ lớn của thế giới

Có lẽ phiên chợ toàn cầu nổi bật nhất năm 2021 mà doanh nghiệp Việt tham gia là phiên IPO thành công của doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản. Vào ngày 23/12/2021, chỉ sau 4 năm thành lập và phát triển, công ty Việt này đã IPO thành công tại Tokyo khiến nhiều doanh nhân Nhật Bản cùng kích cỡ và thâm niên thật sự ngỡ ngàng: Công ty TNHH Hybrid Technologies có trụ sở tại tòa nhà Đồng Nhân số 80 đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh đã IPO thành công tại Sở GDCK Tokyo, được cấp mã chứng khoán số 4260, vốn hóa khởi điểm đạt 8,165 triệu Yên (tương đương hơn 71 triệu USD).

Đối với doanh nghiệp Nhật tại Nhật Bản với chỉ bấy nhiêu năm phát triển, để được niêm yết cũng là điều nan giải do Luật chứng khoán Nhật Bản khá chặt chẽ và hà khắc. Hybrid Technologies là công ty thành viên của Tập đoàn Aitrip Nhật Bản, thành lập từ năm 2016 tại Thành phố Hồ Chí Minh chỉ với 50 người, sau các lần tái cơ cấu và mua thêm doanh nghiệp để sáp nhập, đến nay công ty đã có hơn 700 nhân sự do người Việt lãnh đạo.

VinFast đã công bố lộ trình IPO tại Hoa Kỳ, dự thu nhiều tỷ USD sau phiên IPO lịch sử của doanh nghiệp Việt Nam tại Mỹ. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể theo chân Hybrid Technologies niêm yết tai Nhật Bản hoặc VinFast niêm yết tại Mỹ. Ngoài ra có thể niêm yết tại các sàn khó tính như London.

Gần 1 thế kỷ trước, trong quá trình công nghiệp hóa của quốc gia mình, doanh nghiệp Nhật Bản đã đi đàm phán thành công với các tài phiệt ở thành London để phát hành trái phiếu, gọi vốn tín chấp bằng kim ngạch xuất khẩu. Ngày nay là thời cơ của doanh nghiệp Việt tiến về các thị trường tài chính tên tuổi để gọi vốn làm ăn cũng như để nắm bắt kiểu chơi quốc tế về tài chính để tự nâng hạng tín nhiệm của mình cũng như góp phần thăng hạng tín dụng quốc gia.

Trong hơn một thập kỷ vừa qua, doanh nghiệp Nhật Bản rất tích cực đi thâu tóm các thương hiệu tại thị trường phát triển (Mỹ, EU) cũng như thị trường đang phát triển (ASEAN, Trung Quốc, Nam Á, Nam Mỹ...). Việc mua lại công ty có thị phần tốt ở các thị trường giúp cho doanh nghiệp Nhật tiến chiếm thị phần trong thời gian sớm nhất. Doanh nghiệp Việt Nam có thể tham khảo cách làm của doanh nghiệp Nhật để đi thâu tóm công ty ở nước ngoài nhằm chiếm thị phần.

Một khi đã gia nhập và sân chơi tài chính quốc tế ở Mỹ, Nhật, EU thì doanh nghiệp Việt hoàn toàn đủ tự tin về việc đàm phán thu xếp vốn cho mỗi thương vụ thâu tóm mà mình ngắm đến chứ không còn rụt rè sợ rằng mình chưa đủ tiềm lực tài chính cho vụ thâu tóm ấy.

Chia tách để xây thương hiệu, tăng thị phần

Hai phiên phân tách (split) quốc tế đã diễn ra trong năm 2021: ngày 9/11/2021, thế giới ngỡ ngàng khi gã khổng lồ GE của Hoa Kỳ quyết định chia tách làm 3 công ty, một về động cơ máy bay tàu thủy, một về năng lượng mới và một về y tế. 129 năm trước, nhà phát minh thiên tài Thomas Edison đã sáp nhập tập đoàn Edison General Electric Company of Schenectady ở New York với Thomson-Houston Electric rồi đổi tên thành General Electric. Có lẽ ngài Thomas Edison là một trong những tay chơi M&A sớm nhất thế giới, nếu còn sống cũng khó ngờ là đến thập kỷ thứ 3 của thế kỷ 21, GE do ngài tạo lập lại đi theo hướng phân tách sau hơn 1 thế kỷ chuyên đi thâu tóm. Bốn ngày sau đó, vào ngày 12/11/2021, tại Nhật Bản, tập đoàn khổng lồ Toshiba cũng ra quyết định chia tách thành 3 doanh nghiệp hoạt động mỗi mảng riêng lẻ nhau sau nhiều áp lực kể từ vụ bê bối kế toán hồi 2015.

Ở trong nước nhiều năm trước, báo chí đã không tốn ít bút mực miêu tả phiên chia ly của vợ chồng vua bánh mỳ Kao Siêu Lực và vợ, bất luận xung đột hay tranh chấp đã xảy ra, việc chia ly ấy đã hình thành thêm thương hiệu mới: ABC Bakery. Sau nhiều năm chia tay của đôi vợ chồng này, ngành bánh kẹo Việt khu vực phía Nam đã có thương hiệu Đức Phát với 14 cửa hàng và nay có thêm ABC Bakery với hơn 30 cửa hàng ở khu vực phía Nam và một chi nhánh ở Campuchia.

Phiên “chia ly” gần đây của Tập đoàn Trung Nguyên đã tạo thêm thương hiệu và thị trường rộng hơn: Trung Nguyên và King Coffee. Doanh thu năm 2020 của Trung Nguyên vào khoảng 5.000 tỷ đồng còn King Coffee chiếm khoảng 1.500 tỷ đồng doanh thu. Cả hai thương hiệu đều dồn sức rất tích cực lan tỏa thương hiệu, không dừng lại ở việc sản xuất nguyên liệu cà phê, mở chuỗi cà phê trong nước và quốc tế mà còn kinh doanh các lĩnh vực khác như bất động sản, du lịch. Gần đây, King Coffee còn đại diện cho Việt Nam nhận kỷ lục thế giới về cà phê Robusta.

Thời cơ lớn từ phiên chợ môi trường thế kỷ

Ở thế kỷ trước, chúng ta chứng kiến hoặc nghe kể lại về các cuộc chiến đẫm máu thế giới hoặc khu vực. Ở giữa thập kỷ trước kéo dài đến nay đặc biệt là ở nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, chúng ta chứng kiến và nghe về thương chiến giữa các nước lớn: giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, giữa Hoa Kỳ và một số khối khác như Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản... Còn trong tương lai, rất có thể sẽ là các cuộc chiến về môi trường, khi mà các nước phát triển sẽ áp đặt luật chơi về môi trường, buộc các nước siêu cường mới nổi như khối BRICS phải tuân theo và dẫn đến các tranh chấp khó có hồi kết.

Tại Hội nghị COP26, các nước lớn xảy ra tranh chấp không hồi kết. Mỹ và môt số nước phát triển muốn áp đặt luật chơi môi trường hà khắc. Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước thuộc Liên minh châu Âu cam kết phát thải ròng bằng không vào 2050 hoặc sớm hơn. Trung Quốc và Ấn Độ không đồng ý phải cắt giảm phát thải CO2 một cách đột ngột. Trung Quốc, Ấn Độ lập luận “không công bằng” khi buộc doanh nghiệp nước của họ phải theo lộ trình không phát thải tương tự như EU, Mỹ, Nhật. Do đó, các tranh chấp trong phiên chợ môi trường COP26 đã và sẽ còn diễn ra và kéo dài.

Một cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam tại phiên chợ COP26 chính là việc Thủ tướng Chính phủ tuyên bố rõ ràng với thế giới: Việt Nam theo đuổi mục tiêu phát thải ròng bằng không vào 2050. Đây chính là động lực tuyệt vời cho doanh nghiệp Việt chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch, vật liệu sạch không phát thải.

Doanh nghiệp Việt Nam cần sớm nắm bắt thời cơ này để tổ chức lại sản xuất kinh doanh theo đó đầu tư, sử dụng năng lượng sạch, tái tạo, sử dụng vật liệu không phát thải trong quá trình sản xuất, tổ chức sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, vật liệu không phát thải… để sản phẩm của mình trở nên cạnh tranh hơn so với hàng hóa của các nước bị vướng vào các cuộc chiến tranh môi trường. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt có thể hợp lực để tổ chức sản xuất và cung ứng, xuất khẩu hàng hóa là vật liệu không phát thải ở rất nhiều lĩnh vực như phân bón, nguyên liệu ngành nông nghiệp, vật liệu xây dựng, điện, điện tử, ô tô…

Từ khoá: M&A, thị trường M&A,
Tin mới lên