Chủ tịch Vinaconex nói về đề xuất sửa quy chế tài chính: ‘Cứ quá bán mà quyết’
Thanh Long -
28/06/2019 17:15 (GMT+7)
(VNF) - Trước đề xuất sửa quy chế quản lý tài chính của một nhóm cổ đông, Chủ tịch Vinaconex Đào Ngọc Thanh cho hay: “HĐQT có 7 người bỏ phiếu, nếu bạn mà không chấp nhận thì cứ quá bán mà quyết định”.
Mặc dù đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HNX: VCG) diễn ra vào hơn 8h sáng nhưng phải đến 14h30 chiều cùng ngày, đại hội mới chính thức kết thúc với việc thông qua tất cả các tờ trình.
Một trong những vấn đề “nóng” nhất tại đại hội lần này là đề xuất của một nhóm cổ đông về việc sửa quy chế HĐQT và quy chế quản lý tài chính.
Trong đó, nội dung gây tranh cãi nhất là việc cá nhân Chủ tịch HĐQT Vinaconex được quyền quyết định việc huy động vốn/đầu tư vốn ra ngoài tổng công ty/đầu tư dự án, mua sắm tài sản cố định/cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản/thanh lý, nhượng bán tài sản có giá trị từ lớn hơn 5% đến 10% tổng tài sản.
Cùng với đó, Tổng giám đốc được ủy quyền quyết định các vấn đề tương tự, nhưng giá trị bằng hoặc nhỏ hơn 5% tổng tài sản.
Với tổng tài sản gần 10.000 tỷ đồng (theo báo cáo tài chính riêng lẻ kiểm toán năm 2018 của Vinaconex) thì Chủ tịch Vinaconex được quyết tối đa gần 1.000 tỷ đồng, Tổng giám đốc được quyết tối đa gần 500 tỷ đồng.
Phát biểu mở đầu đại hội, ông Thân Thế Hà – Thành viên HĐQT, đại diện cho một nhóm cổ đông cho hay nhóm cổ đông do ông đại diện mong muốn đoàn kết, mong muốn có một “hành lang”, chính là điều lệ, các quy chế, làm sao đảm bảo lợi ích cho nhau, tôn trọng nhau và phải công khai, minh bạch.
“Với điều lệ, quy chế tài chính, quy chế HĐQT hiện nay thì có thể thấy ngay, với phạm vi, quy mô của Vinaconex, các quyết định quan trọng liên quan đến tài chính, liên quan đến dự án, liên quan đến nhân sự là do cá nhân quyết. Điều này vi phạm ngay vấn đề quản trị rủi ro”, ông Thân Thế Hà nêu quan điểm.
Theo ông Hà, bản thân hình thức công ty cổ phần là hình thức tiên tiến của thế giới về mặt doanh nghiệp, nó hơn hẳn hình thức công ty gia đình, công ty TNHH, với sự tham gia của nhiều cổ đông, là sự chia sẻ, kết nối, kết hợp, hợp tác.
“Bây giờ, nếu một cá nhân được quyết những vấn đề như vậy rõ ràng sẽ gây ra những cái bức xúc”, vị này nói.
“Tôi cũng chỉ mong chúng ta nên thiết lập một nền tảng. Tôi rất mong làm sao có một hành lang, có một cái nền tảng để chúng ta thiết lập một cách hài hòa, công bằng, minh bạch, đúng theo nghĩa phát triển một công ty cổ phần chứ không phải một công ty gia đình, công ty TNHH”, ông Hà bày tỏ.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex, cũng là đại diện cho cổ đông đa số (Công ty TNHH An Quý Hưng, nắm gần 58% cổ phần Vinaconex) cho hay bất kỳ một doanh nghiệp nào muốn phát triển thì phải đoàn kết mới thành công.
“Nhưng điều quan trọng là đoàn kết trên cơ sở nào? Quan trọng nhất là pháp luật”, ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, nếu HĐQT bầu lên mà làm sai pháp luật thì đầu tiên là giải tán HĐQT. “Ông chủ tịch bầu sai mà cứ cố tình làm chủ tịch thì giải tán ông luôn, ông đi tù”, Chủ tịch Vinaconex nêu góc nhìn.
Ông Đào Ngọc Thanh nhấn mạnh: “Ở đây không có câu chuyện phân chia quyền lực. Tôi còn làm chủ tịch thì không có khái niệm phân chia quyền lực. Đây không phải là hợp tác xã”.
Theo quan điểm của người đứng đầu Vinaconex: “HĐQT có 7 người bỏ phiếu, nếu bạn mà không chấp nhận thì cứ quá bán mà quyết định. Tại sao lại không quyết định được? Luật cho phép. 51% đồng ý là thông qua”.
Nhấn mạnh thêm, ông Thanh cho rằng quy chế tài chính do HĐQT bỏ phiếu và đã được quá bán chấp thuận.
Sóng gió ở Vinaconex liệu đã yên?
Dường như chưa cảm thấy trọn vẹn với câu trả lời của Chủ tịch Vinaconex, một cá nhân cũng là đại diện cho một nhóm cổ đông lớn của Vinaconex (không gồm An Quý Hưng) đã trình bày rằng: “Chúng tôi không nói là các bác không làm theo quy chế mà chúng tôi chỉ thấy rằng các quy chế mặc dù đã biểu quyết thông qua nhưng xem xét lại thì thấy rằng quy chế liên quan đến nội bộ của HĐQT, đến tài chính còn nhiều điều cần phải suy nghĩ nên ý kiến về việc xem xét, sửa đổi bổ sung quy chế đó”.
“Bác Thanh có giải trình rằng ‘các ông đừng nói 1.000 tỷ, các ông đừng nói 500 tỷ, đừng nói An Quý Hưng’, chúng tôi hoàn toàn nhất trí. Ở đây là Vinaconex, có số vốn của tất cả các cổ đông. Cho nên dù bác Thanh có ký, bác Đông có ký, người thiệt hại là Vinaconex nếu xảy ra vấn đề gì rủi ro”, vị cổ đông này nói.
Theo vị đại diện cho nhóm cổ đông lớn, “đời thì không bao giờ màu hồng cả, có rủi ro. Bác có quyền ký đến gần 1.000 tỷ, Tổng giám đốc có quyền ký đến 500 tỷ, ví dụ do sơ suất gây ra thiệt hại thì thiệt hại của tất cả cổ đông Vinaconex chứ không phải của riêng An Quý Hưng”.
Vị này bày tỏ: “Chúng tôi chỉ mong rằng nếu có thể được, vì có rất nhiều rủi ro trong quy chế đó nên chúng tôi kiến nghị xem xét khả năng sửa đổi, bổ sung quy chế của HĐQT và quy chế quản lý tài chính để giảm rủi ro và thể hiện tính công khai, minh bạch”.
“Chúng ta đã thực hiện tốt việc phân công, phối hợp nhưng chúng tôi thấy chưa có yếu tố kiểm soát lẫn nhau giữa các cổ đông lớn. Phần nào chúng tôi nhất trí quyết định theo đa số, nhưng những vấn đề quan trọng nhất liên quan đến lợi nhuận, rủi ro, phương hướng thì các thành viên trong hội đồng phải thảo luận và thông tin”, vị cổ đông nói.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone