Chuyên gia S&P: Cuộc khủng hoảng trái phiếu bất động sản ở Việt Nam chỉ mới bắt đầu
Quỳnh Anh -
24/02/2023 14:25 (GMT+7)
(VNF) - Cuộc khủng hoảng nợ bất động sản của Việt Nam đang trở nên căng thẳng hơn khi nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai đất nước (Novaland) phải tìm cách gia hạn nợ trái phiếu. Theo chuyên gia phân tích của S&P Global Rating, nhiều khả năng sẽ còn nhiều công ty khác bị cuốn vào "vòng xoáy" gia hạn, tái cơ cấu hoặc vỡ nợ.
Đầu tuần này, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) cho biết sẽ hoãn thanh toán khoản nợ trị giá 1.000 tỷ VND (42 triệu USD) đáo hạn vào ngày 12/2, đồng thời đề nghị các chủ nợ trái phiếu gia hạn hoặc chuyển đổi tiền nợ thành bất động sản. Theo đó, nhà phát triển bất động sản này cho biết sẽ tìm cách trả nợ trong vòng 2 tháng tới.
Novaland không phải công ty bất động sản duy nhất chậm thanh toán trái phiếu. Trước thông báo mới nhất của Novaland, các công ty cùng ngành như Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Tập đoàn Sunshine cũng đã tìm cách gia hạn thời hạn thanh toán trái phiếu, theo dữ liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, tính tới ngày 31/1, có tới 54 công ty, mà phần đông trong đó thuộc lĩnh vực bất động sản, đã trễ hạn thanh toán trái phiếu. So với tổng số công ty chậm thanh toán vào tháng 12/2022, con số tháng 2 đã tăng thêm 6 cái tên mới.
Tình trạng này cho thấy cuộc khủng hoảng thanh khoản trong lĩnh vực bất động sản Việt Nam đang ngày càng trầm trọng, đặc biệt sau những chiến dịch kiểm soát toàn ngành của chính phủ khiến tâm lý nhà đầu tư hoang mang và việc phát hành trái phiếu mới giảm mạnh.
Không chỉ vậy, với hàng tỷ USD trái phiếu đáo hạn trong năm nay, "tai ương" dường như có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, ảnh hưởng không chỉ tới ngành bất động sản nói riêng mà cả với ngành ngân hàng cũng như nền kinh tế quốc gia nói chung.
Theo ông Xavier Jean, nhà phân tích tại S&P Global Ratings: “Chúng tôi tin rằng đây mới chỉ là khởi đầu và kỳ vọng sẽ còn nhiều khoản nợ được gia hạn, tái cơ cấu và vỡ nợ. Chúng tôi cũng đang theo dõi các tác động xung quanh có khả năng khiến cuộc khủng hoảng lây lan sang các công ty ngoài lĩnh vực xây dựng".
Cuộc khủng hoảng bất động sản trước đó đã manh nha tại Việt Nam từ năm ngoái, khi chính phủ tiến hành chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như "đại tu" ngành trái phiếu. Theo ước tính của Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), các doanh nghiệp bất động sản có 130.000 tỷ VND trái phiếu đáo hạn trong năm nay.
Hiện tại, Bộ Tài chính Việt Nam đã đề xuất sửa đổi nghị định cho phép các công ty gia hạn thời gian đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp thêm 2 năm để giảm bớt tình trạng thiếu vốn. Dự thảo sửa đổi, đã được đệ trình lên chính phủ, cũng bao gồm việc cho phép chuyển đổi gốc và lãi trái phiếu thành các khoản vay hoặc các tài sản khác, theo công bố của Bộ Tài chính vào tuần trước.
“Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo và liệu sự lây lan vỡ nợ chéo có xảy ra hay không sẽ vẫn là những mối quan tâm lớn của thị trường lúc này. Điều cần thiết ở thời điểm hiện tại là một cuộc họp của các trái chủ để thảo luận về các giải pháp, bao gồm mua lại, bảo lãnh thêm hoặc miễn trừ khả năng vỡ nợ”, theo một lưu ý tới các nhà đầu tư được Công ty Chứng khoán SSI đưa ra hôm 22/2.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone