Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước: Không phải chuyện riêng của chủ sở hữu nhà nước

Khánh An - 05/08/2019 09:54 (GMT+7)

Yêu cầu đẩy nhanh, thực hiện đúng kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp đã được Chính phủ phát đi. Đây là động thái được giới đầu tư chờ đợi, bởi các phần việc này không còn là chuyện riêng của chủ sở hữu nhà nước.

VNF
Chậm cổ phần hóa có thể khiến sức hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp nhà nước giảm dần. Trong ảnh: Habeco, một thương hiệu chưa cổ phần hóa

Sốt ruột tiến độ

Tin Sabeco (Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn) báo lãi ròng 1.430 tỷ đồng - mức lợi nhuận theo quý cao nhất kể từ khi niêm yết trên thị trường chứng khoán, cũng là mức cao nhất sau 18 tháng có bàn tay tham gia vào quản trị của Thaibev khiến các cổ đông của Sabeco hài lòng.  

Sau 6 tháng đầu năm, Sabeco đã hoàn thành 47,4% chỉ tiêu doanh thu và gần 60% chỉ tiêu lợi nhuận năm. Không chỉ có vậy, cổ phiếu SAB là một trong những điểm sáng đi ngược xu hướng chung của thị trường trong tháng 7/2019.

Nhưng, cổ đông và những nhà đầu tư của Habeco – thương hiệu cùng ngành, có lịch sử phát triển không kém cạnh không có được tâm trạng như vậy.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019, sau khi trừ đi các chi phí phát sinh trong kỳ, Habeco kiếm được xấp xỉ 64 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm mạnh 42% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lợi nhuận cổ đông công ty mẹ là 98,3 tỷ đồng, giảm 25%. Với kết quả thực hiện trong quý I/2019, công ty mới hoàn thành 21% so với kế hoạch là 310 tỷ đồng. Hơn thế, kế hoạch năm 2019 của Habeco cũng được ghi nhận là mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua của công ty này.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một nhà đầu tư quan tâm đến kế hoạch thoái vốn của Habeco nhiều năm qua trăn trở: “Sức hấp dẫn của thương hiệu này có thể sẽ còn giảm nếu tiến độ thoái vốn cứ bị lui lại. Sự lần chần khiến cả người bên trong và bên ngoài đều khó dự liệu”.

Vị này có lý khi trong 3 năm qua, kể từ năm 2016, thị phần của Habeco đã giảm từ 21% xuống còn 15%; lợi nhuận giảm 39%; giá cổ phiếu giảm hơn 40%.

Phải nhắc lại, vào tháng 8/2016, Bộ Công thương đã từng công bố lộ trình thoái vốn Habeco, dự kiến triển khai ngay trong 2 năm 2016-2017. Tin này đã khiến giới đầu tư trong nước và nước ngoài háo hức. Trong ngành bia rượu, nước giải khát, Habeco đang cùng chia thị phần với các ông lớn Sabeco, Heineken Việt Nam và Carlsberg.

Nhưng đến nay, mọi việc không có tiến triển hơn. Những dấu hiệu xuống dốc của Habeco đã trở nên hiện hữu. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh ngày càng mạnh hơn và cuộc chiến giành thị phần trong ngành bia ngày càng khốc liệt. Nếu tiếp tục lùi thời hạn thoái vốn nhà nước tại Habeco, liệu có những cơ hội nào đang bị đánh mất?

Những cơ hội để ngỏ

Không phải là nhà đầu tư, nhưng ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) chia sẻ tâm lý lo ngại từ những bước chậm trễ trong thực hiện các kế hoạch thoái vốn nhà nước trong doanh nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Chậm trễ trong cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước sẽ ảnh hưởng tới các kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, ảnh hưởng tới mục tiêu thay đổi mô hình quản trị, nâng cao tính công khai, minh bạch của doanh nghiệp

“Khi thông tin không đầy đủ, kế hoạch không thực hiện đúng thì sẽ tăng chi phí giao dịch, chi phí chờ đợi, chi phí đánh giá rủi ro, chi phí cơ hội… Khi người ta chờ đợi, cơ hội không chỉ mất ở khoản đầu tư mà họ đang chờ, mà còn mất cơ hội ở các khoản đầu tư khác. Nên về bản chất, các yếu tố trên đều làm tăng chi phí cho nhà đầu tư”, ông Trung lý giải.

Nhưng thực ra, điều ông Trung quan tâm hơn trong sự chậm trễ này là cơ hội của phía Nhà nước, bao gồm cả chủ sở hữu nhà nước cũng như doanh nghiệp được gọi tên.

“Khi các kế hoạch kinh doanh không thể tiên liệu được, doanh nghiệp sẽ rất khó tìm được đối tượng đầu tư dài hạn, các nhà đầu tư chiến lược. Với các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, có thương hiệu, thì tìm kiếm được nhà đầu tư chiến lược là điều quan trọng. Đó là chưa kể đến những mục tiêu không đạt được do các kế hoạch bị điều chỉnh”, ông Trung nói.

Khi ban hành Danh mục doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa và Danh mục doanh nghiệp thực hiện thoái vốn đến năm 2020, căn cứ được đưa ra là Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, Đề án cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2016-2020. Trong đó, mục tiêu tạo ra khoản thu cho ngân sách nhà nước từ hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước, nhằm cân đối nhu cầu đầu tư trung hạn từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 là 250.000 tỷ đồng.

Về việc thực hiện, lũy kế đến hết 6 tháng đầu năm 2019, tính từ năm 2016, thoái vốn nhà nước tại 88 doanh nghiệp đã thu về 9.115 tỷ đồng. Nếu tính cả tiền thu từ cổ phần hóa, thì tổng số thu là 218.255,6 tỷ đồng. Con số này gấp 2,8 lần tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn của cả giai đoạn 2011-2015 (khoảng 78.000 tỷ đồng).

Nhưng, đây là số tiền thu được từ 162 doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước từ 88 doanh nghiệp. So với kế hoạch, mới đạt được tương ứng là 27,5% và 21,8%.

Nếu thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp có tên trong danh sách đã công bố, tận dụng được tốt các mối quan tâm, dòng tiền của nhà đầu tư, tổng nguồn thu cho ngân sách sẽ lớn hơn rất nhiều.

Trong khá nhiều cuộc họp về thoái vốn, cổ phần hóa, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đã rất nhiều lần thể hiện sự lo ngại về kết quả đạt được quá khiêm tốn khi thời gian chúng ta đã đi được 2/3 chặng đường. Ông Tiến cũng khẳng định “nếu không quyết liệt, sẽ không thể hoàn thành kế hoạch”.

Ngay các nhà đầu tư khi bàn về tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã đặt thẳng vấn đề rằng, nếu các khoản thu từ hoạt động này về ngân sách đúng thời điểm đã định, sẽ bổ sung kịp thời vào nguồn chi cho đầu tư phát triển, nhiều dự án đầu tư mang tính kết nối, hỗ trợ, thúc đẩy đầu tư, kinh doanh ra đời kịp, từ đó thu hút thêm dòng đầu tư mới, doanh nghiệp mới, tạo nguồn thu mới cho nền kinh tế.

Ở góc độ nghiên cứu, theo ông Trung, sự chậm trễ này đương nhiên sẽ ảnh hưởng tới cả các kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế nói chung, nhưng mục tiêu thay đổi mô hình quản trị, nâng cao tính công khai, minh bạch của doanh nghiệp, thu hút được các cổ đông chiến lược trong và ngoài nước đầu tư vào doanh nghiệp cũng sẽ khó khăn.

“Cổ đông chiến lược không chỉ tham gia về tài chính mà còn về quản trị doanh nghiệp, kinh nghiệm chuyên môn, phát triển thị trường, điển hình là trường hợp của Petrolimex, Vietnam Airlines, Vietinbank...”, ông Trung nói.

Không còn là chuyện riêng của chủ sở hữu nhà nước

Không chỉ giới chuyên gia như ông Trung, các nhà đầu tư, chính các doanh nghiệp có tên trong danh sách cổ phần hóa, thoái vốn, nhưng chưa được thực hiện cũng không tránh khỏi tâm tư, nhất là những người quản lý hoặc đại diện phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp có vốn nhà nước, vì họ không chỉ gánh tránh nhiệm nặng nề với đại diện chủ sở hữu nhà nước, mà còn đối diện với thị trường, cạnh tranh.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT – doanh nghiệp đang có tên trong danh sách phải hoàn tất cổ phần hóa năm 2019, nhưng không chắc sẽ thực hiện đúng do khó khăn trong thủ tục phê duyệt phương án sử dụng đất trước khi cổ phần hóa. Thậm chí, ông Hùng đã tính toán, với tiến độ hiện tại, nếu không có gì thay đổi thì phải đến 31/12/2020, VNPT mới xác định giá trị doanh nghiệp, tức là phải sang năm 2021 mới cổ phần hoá.

Trong khi đó, có những vướng mắc đáng ra có thể giải quyết được, nếu như VNPT đã hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. “Khi cơ cấu lại, phải tăng giảm vốn hoặc mua bán, sáp nhập những công ty không phải thoái vốn, chúng tôi gặp khó khăn vì phải tuân thủ các thủ tục, trình qua rất nhiều cơ quan. Nếu coi đó là những khoản đầu tư, thì thậm chí chỉ cần cấp cơ sở của VNPT ký”, ông Hùng nói tại cuộc họp sơ kết Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương. Ông cũng nhắc đến mong muốn có được những công ty công nghệ..., nhưng không dễ.

Trở lại câu chuyện của Habeco, ông Trần Đình Thanh, Chủ tịch HĐQT của Habeco, cũng đã từng nói việc Nhà nước chiếm cổ phần chi phối có 2 mặt lợi thế và hạn chế. Phần hạn chế chính là sự chưa bắt kịp, thậm chí còn mâu thuẫn của các quy định với doanh nghiệp nhà nước với các nguyên tắc của kinh tế thị trường.

Đặc biệt, theo ông Trung, không thể né tránh tư duy ngại trách nhiệm khi phải thực hiện nguyên tắc bảo toàn, phát triển vốn trong sức ép của kỳ vọng tăng giá trong tương lai của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp niêm yết.

Khi các kế hoạch chưa được thực hiện đúng là có tâm lý chờ đợi, bất an của chính các doanh nghiệp.

“Nhưng trên hết, nó khiến một chủ trương không thực hiện được, chính sách không thực hiện được. Điều này tác động đến môi trường đầu tư, kinh doanh chung”, ông Trung nhấn mạnh.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp vào tháng 7/2019, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã nhấn mạnh lãnh đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp cần tránh tư tưởng đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong xử lý công việc, không “tròn vo, đẩy công văn xin ý kiến vòng quanh” gây ách tắc, trì trệ. 

Rõ ràng, chậm trễ trong thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn không thể chỉ là chuyện riêng của chủ sở hữu nhà nước nữa. Hay nói như một số nhà đầu tư, đó là họ đang nhìn vào những Sabeco, Habeco và ứng xử của các cơ quan quản lý nhà nước, của đại diện chủ sở hữu nhà nước với các danh mục cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp để có các bước đi tiếp theo tại thị trường Việt Nam.

Theo Đầu tư
Cùng chuyên mục
Tin khác