Tài chính

'Cổ phiếu HVN không phải sản phẩm xấu, không đáng bị thanh lọc trên TTCK'

(VNF) - Đại diện Vietnam Airlines cho biết hãng bay vẫn hoạt động tốt, đang trên đà phục hồi, có cơ hội để tiếp tục phát triển và cổ phiếu HVN không phải sản phẩm xấu, không đáng bị thanh lọc trên thị trường chứng khoán (TTCK).

'Cổ phiếu HVN không phải sản phẩm xấu, không đáng bị thanh lọc trên TTCK'

Cổ phiếu HVN có khả năng bị huỷ niêm yết. (Ảnh minh họa)

Như VietnamFinance đã thông tin, mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) đã có công văn gửi Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HoSE: HVN), lưu ý về khả năng bị huỷ niêm yết.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 14/9, đại diện Vietnam Airlines cho biết theo quy định của Luật chứng khoán, cổ phiếu của công ty đại chúng có khả năng bị hủy niêm yết, nếu kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

Tuy nhiên, đại diện Vietnam Airlines cho rằng tình huống với hãng bay này là bất khả kháng do ảnh hưởng của Covid-19 và gần như không có cách khắc phục nếu không có giải pháp tái cơ cấu, cũng như sự hỗ trợ từ các cổ đông.

Về giải pháp khắc phục, giảm lỗ, đại diện Vietnam Airlines cho biết nửa đầu năm, mức lỗ của doanh nghiệp đã giảm đáng kể so với kế hoạch đặt ra. Hãng cũng đẩy mạnh tái cơ cấu tài sản (trọng tâm là bán máy bay cũ, bán và thuê lại một số máy bay), danh mục đầu tư để có thêm nguồn tiền; từng bước triển khai tái cơ cấu tổng thể khi được cấp thẩm quyền phê duyệt, đặc biệt là phương án phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn.

"Vietnam Airlines đang tập trung cho các giải pháp giảm lỗ, thoát âm vốn chủ sở hữu, nên chưa nghĩ tới việc bị hủy niêm yết. Mục đích của việc hủy niêm yết nhằm vào doanh nghiệp dừng hoạt động, vi phạm quy định để đảm bảo làm sạch thị trường, bảo vệ nhà đầu tư. Trong khi đó, Vietnam Airlines vẫn hoạt động tốt, đang trên đà phục hồi, có cơ hội để tiếp tục phát triển, có tài sản và giá trị vốn hóa lớn", đại diện Vietnam Airlines nói.

Cũng theo đại diện Vietnam Airlines, nếu các giải pháp nêu trên chưa mang lại hiệu quả sẽ tiếp tục kiến nghị các cấp ngành có cơ chế đặc thù với cổ phiếu HVN.

"Cổ phiếu HVN không phải sản phẩm xấu, không đáng bị thanh lọc trên thị trường. Thời gian vẫn còn tới hết năm tài chính để Vietnam Airlines triển khai các giải pháp không để rơi vào tình trạng bị hủy niêm yết”, đại diện Vietnam Airlines nhấn mạnh.

Về việc kiểm toán độc lập đưa ra khuyến cáo nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của VNA, đại diện hãng khẳng định khuyến cáo này hoàn toàn đúng vì VNA đang lỗ và lỗ lũy kế tăng cao do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nợ quá hạn chưa thanh toán và khả năng phục hồi chưa lập tức trong thời gian ngắn, nếu không có sự hỗ trợ từ Nhà nước, giãn tiến độ thanh toán các đối tác.

Tuy nhiên, Vietnam Airlines đảm bảo khả năng hoạt động cũng như thanh khoản trong giai đoạn phục hồi này là hoàn toàn có thể làm được.

Theo đề án cơ cấu lại tổng công ty giai đoạn 2021 – 2025 được thông qua tại hội đồng cổ đông Vietnam Airlines vào cuối tháng 6 vừa qua, công tác cơ cấu lại tổng công ty giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung vào các lĩnh vực như tái cơ cấu đội bay thông qua đàm phán với các bên cho thuê tàu bay để giãn, hoãn tối đa thời hạn thanh toán và giảm giá tiền thuê; đẩy lùi lịch nhận các tàu bay mới (B787-10, A320NEO); hủy 50% tổng số hợp đồng các tàu bay chưa nhận.

Ngoài ra, dự kiến từ năm 2022, tổng công ty sẽ chuyển đổi cấu hình 2 tàu bay A321 thành A321 Freighter theo hình thức bán và thuê lại 2 tàu bay này.

Đối với hoạt động thanh lý tài sản cổ cố định, Vietnam Airlines sẽ thực hiện cơ cấu lại đội tàu bay sở hữu để vừa giải phóng một phần nguồn lực dư thừa do ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19 vừa có thêm dòng tiền và thu nhập; đồng thời để thực hiện chương trình đổi mới đội tàu bay nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trong giai đoạn 2021-2025, Vietnam Airlines sẽ bán 32 tàu bay, trong đó bán 26 tàu A321CEO và 6 tàu ATR72. Phương án bán và thuê lại tàu bay (Sale and Lease Back) sẽ được thực hiện khi phương án bán gặp khó khăn trong quá trình triển khai.

Trên cơ sở phê duyệt của các cấp có thẩm quyền về các giải pháp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách, Vietnam Airlines sẽ phát hành thêm cổ phần tăng vốn trong giai đoạn 2022-2023 và cân nhắc tiếp tục tăng vốn trong năm 2024-2025 trường hợp ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài.

Hình thức phát hành cổ phiếu là chào bán thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu hoặc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư mới.

Vietnam Airlines cũng dự kiến triển khai huy động nguồn vốn từ bên ngoài thông qua phát hành trái phiếu trong nước hoặc ra quốc tế trong 2 năm 2023-2024 theo hình thức phù hợp và khả thi (phát hành riêng lẻ hoặc ra công chúng), vay thương mại từ các tổ chức tín dụng trong nước, vay tín dụng xuất khẩu...

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines sẽ thực hiện tái cơ cấu các khoản nợ vay dài hạn hiện có, giãn hoãn trả nợ vay sang các năm sau, xây dựng và triển khai phương án vay ngắn hạn trong khuôn khổ chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Hãng hàng không quốc gia cũng sẽ tái cơ cấu danh mục đầu tư như chuyển nhượng toàn bộ vốn đã đầu tư tại nhóm doanh nghiệp đa ngành nghề để tập trung vào lĩnh vực vận tải hàng không và các dịch vụ đồng bộ trong dây chuyền vận tải hàng không…

Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng dự kiến thành lập mới doanh nghiệp, trong đó chú trọng vào các lĩnh vực phục vụ khách hàng, logistics và du lịch, các lĩnh vực gắn với nền tảng dữ liệu khách hàng, các lĩnh vực dịch vụ đồng bộ gắn với sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành.

Tin mới lên