Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (10/5): BSR, GEG và KBC

(VNF) - Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị đối với một số cổ phiếu trước phiên giao dịch ngày 10/5, bao gồm BSR, GEG và KBC.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (10/5): BSR, GEG và KBC

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (10/5): BSR, GEG và KBC

MBS: Khuyến nghị mua BSR, giá mục tiêu 18.100 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán MB (MBS) vừa khuyến nghị mua đối với cổ phiếu BSR của Công ty Cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR). Giá mục tiêu mà MBS đưa ra là 18.100 đồng/cổ phiếu, trong bối cảnh giá dầu hiện nay trên thế giới vẫn đang duy trì đà tăng khá tốt, thậm chí theo Goldman Sachs còn có thể đạt đến 80 USD/thùng vào quý III.

Nhìn lại, kết quả kinh doanh của BSR trong 2 quý trở lại đây đang cho thấy xu hướng tăng trưởng khá, nhờ hưởng lợi từ sự hồi phục của giá dầu. Mức giá mục tiêu tương ứng P/E khoảng 14,1 lần (theo EPS 2021 là 1.286 đồng).

Trong đó, quý IV/2020 tăng khá mạnh, do giá dầu WTI chứng kiến tăng mạnh từ trên 40 USD/thùng lên tới trên 60 USD/thùng trong giai đoạn tháng 10/2020 đến tháng 3/2021 đã tạo tiền đề cho bước tăng trưởng nhảy vọt của BSR. Kế đó, quý I/2021, BSR tiếp tục ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 1.800 tỷ đồng sau khi chứng kiến mức lỗ lớn trong 3 quý đầu năm 2020.

Biên lợi nhuận gộp quý I/2021 tiếp tục duy trì ở mức cao với khoảng 10%, mức cao nhất theo quý kể từ quý II/2018. Sản lượng tiêu thụ lúc này đạt khoảng 1,6 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, giá dầu được dự báo tiếp tục tăng trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ 2021 dự báo tăng 6.6% so với cùng kỳ; kinh tế thế giới hồi phục nhờ dịch Covid-19 được kiểm soát trong nửa cuối năm 2021 và các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế được triển khai nhằm ứng phó tác động của dịch bệnh.

Mặt khác, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6-7% trong năm 2021, MBS cho rằng nhu cầu xăng dầu sẽ tiếp tục hồi phục và là cơ sở để BSR tập trung sản xuất tại công suất và sản lượng lớn nhất.

PHS: Khuyến nghị mua GEG với giá mục tiêu 21.200 đồng/cổ phiếu

Theo Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), công ty chứng khoán này dự phóng doanh thu thuần của  Điện Gia Lai (HoSE: GEG) trong năm 2021 sẽ đạt 1.796 tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 388 tỷ đồng (tăng 31%).

Năm nay, GEG kỳ vọng sẽ hoàn thành 3 nhà máy điện gió Ia Bang 1, Tân Phú Đông 2, VPL với tổng công suất 130 MW trước tháng 11 để được hưởng chính sách ưu đãi về giá FIT (8,5 cents/kWh trong bờ và 9,8 cents/kWh ngoài khơi).

Cụm dự án điện gió sẽ đóp góp đáng kể vào doanh thu cho doanh nghiệp vào khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm. Vơi việc sở hữu danh mục nhà máy điện năng lượng tái tạo rải rác khắp các tỉnh ở các khu vực miền Trung và miền Nam, PHS đánh giá cao tiềm năng của GEG khi các hoạt động sản xuất và chế tạo ở các khu vực này sẽ được phát triển mạnh trong thời gian sắp tới.

Sử dụng phương pháp EV/EBITDA và P/E mục tiêu lần lượt là 9,1 lần và 17,6 lần, PHS cho rằng giá hợp lý của cổ phiếu GEG là 21.200 đồng/cổ phiếu.

Trong đó, EV/EBITDA 9,1 lần là mức trung bình trong năm 2020 và P/E 17.6 lần là mục tiêu giống báo cáo cập nhật lần trước của PHS, mức P/E của các nhà máy điện năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, PHS cũng lưu ý một số rủi ro, bao gồm rủi ro về pháp lý có thể làm gián đoạn đà tăng trưởng và mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp do các thay đổi về luật trong lĩnh vực năng lượng tái tạo; việc sử dụng đòn bẩy cao tạo áp lực lớn lên dòng tiền trong điều kiện kinh doanh không thuận lơi; rủi ro pha loãng cổ phiếu; việc hoạt động sản xuất phụ thuộc lớn vào yếu tố tự nhiên không thể kiểm soát được; chi phí phát sinh bất ngờ từ việc đền bù và cải tạo đất.

VCSC: Nâng khuyến nghị từ khả quan lên mua dành cho KBC

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa nâng khuyến nghị từ khả quan lên mua đối với Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC) và nâng giá mục tiêu dựa trên phương pháp định giá RNAV thêm 12% lên 48.500 đồng/cổ phiếu.

VCSC cho biết, giá mục tiêu cao hơn chủ yếu là do VCSC đưa Khu công nghiệp Tràng Duệ 3 (Hải Phòng) vào mô hình định giá cho KBC vì khu công nghiệp này đã nhận phê duyệt quan trọng từ chính phủ.

Ngoài ra, giá mục tiêu này có ảnh hưởng tích cực bởi cập nhật mô hình định giá đến giữa năm 2022 từ cuối năm 2021; tỷ lệ WACC thấp hơn 0,4 điểm phần trăm của VCSC và nâng giả định doanh số bán đất khu công nghiệp cho giai đoạn 2021-2022.

Cùng với đó, sau khi kết quả kinh doanh tích cực trong quý I và thông tin tích cực về các cuộc thương thảo bán đất khu công nghiệp được chia sẻ bởi ban lãnh đạo, VCSC nâng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tương ứng trong các năm 2021 và 2022 lần lượt là 11% và 4%, chủ yếu được thúc đẩy bởi giả định doanh số bán đất khu công nghiệp tích cực hơn.

VCSC dự báo doanh thu năm 2021 đạt 5.400 tỷ đồng (tăng 149% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 1.500 tỷ đồng (tăng 6,8 lần), chủ yếu được hỗ trợ bởi doanh số bán 155 ha đất khu công nghiệp (tăng 168%) và 8,4 ha đất khu đô thị (tăng 258%).

VCSC giả định lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2022 sẽ tăng 79% cùng kỳ đạt 2.700 tỷ đồng, chủ yếu là do giả định về việc bán đất khu đô thị của KBC tại Khu đô thị Tràng Cát (Hải Phòng), đóng góp 45% vào dự báo cho năm 2022.

Nhìn trên bình diện chung, KBC là một trong những doanh nghiệp hưởng lợi lớn từ việc chuyển dịch cơ cấu cơ sở sản xuất toàn cầu sang Việt Nam và đã có các khách hàng thuê lớn như LG, Foxconn, Luxshare, Canon và GoerTek.

Ngoài ra, KBC đang tăng cường phát triển khu đô thị, hướng đến mục tiêu công nghiệp hóa và đô thị hóa đang gia tăng xung quanh các cụm công nghiệp tại miền Bắc.

Tin mới lên