Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (1/4): PLX, VGC và MSN

Tân Mai - 01/04/2021 07:16 (GMT+7)

(VNF) - Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị đối với một số cổ phiếu trước phiên giao dịch 1/4, bao gồm PLX, VGC và MSN.

VNF
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (1/4): PLX, VGC và MSN

PHS: Khuyến nghị mua PLX, giá mục tiêu 64.800 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) nhận định, năm 2020, doanh thu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (HoSE: PLX) đạt 123.924 tỷ đồng, giảm 34,6% so với cùng kỳ do ảnh hưởng của giá dầu giảm mạnh (giảm 49%).

Thêm vào đó, tuy chi phí bán hàng của doanh nghiệp giảm nhẹ ở mức 1,2%, thế nhưng chi phí quản lý lại tăng đến 28,2% và kéo lợi nhuận sau thuế xuống còn 1.235 tỷ đồng, giảm 73,6% so với năm trước.

Với hệ thống phân phối xăng dầu gồm 5.500 cửa hàng (trong đó 2.700 cửa hàng bán lẻ trực thuộc trực tiếp - COCO và 2.800 cửa hàng đại lý - DODO), chi phí bán hàng của PLX chiếm tỷ trọng lớn trong các khoản chi phí trong năm vừa qua.

Cụ thể, chi phí bán hàng chiếm tới 6,9% trong tổng doanh thu của PLX (so với mức 4,6% của năm 2019) và đạt 8.596 tỷ đồng.

Trong năm 2021, PHS cho rằng giá dầu đã phục hồi và kỳ vọng mức trung bình đạt 60 USD/thùng (tăng 39%). PHS ước tính giá bán xăng dầu trung bình của PLX đạt 19.000 đồng/lít, tương ứng mức tăng 19%.

Với sản lượng bán xăng dầu trong nước năm 2021 của PLX ước đạt 9,5 triệu tấn (tăng 5,5%), tổng doanh thu PLX dự phóng tăng 25,5% đạt 155.525 tỷ đồng. Bên cạnh đó, PLX cũng đặt trọng tâm chuyển đổi số với các ứng dụng hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp, hệ thống quản lý bán hàng doanh nghiệp, thanh toán không dùng tiền mặt... có thể cắt giảm chi phí bán hàng còn 4,4% doanh thu (so với mức 4,6% của năm 2019).

Với kỳ vọng từ giá dầu hồi phục và việc cắt giảm chi phí bán hàng, lợi nhuận sau thuế của PLX năm 2021 ước đạt 4.563 tỷ VND (tăng trưởng 269%). PLX cũng có kế hoạch mở 80-100 COCO mỗi năm, ưu tiên các trạm có quy mô lớn với diện tích hơn 2.000 m2/trạm, để bổ sung các dịch vụ rửa xe và bảo dưỡng, cửa hàng tiện lợi và các dịch vụ ăn uống.

Với sự hỗ trợ từ cổ đông chiến lược JX Nippon Oil & Energy đã có kinh nghiệm, PLX có tiềm năng cải thiện biên lợi nhuận nhờ các dịch vụ phụ trợ này. Cùng với đó, PLX hiện chiếm 49% thị phần xăng dầu trong nước, PLX có lợi thế vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh với hệ thống 5.500 cửa hàng. PLX còn tự chủ 100% nhu cầu vận chuyển, lưu trữ của tập đoàn.

Doanh nghiệp này còn có một số tiềm năng tại các dự án mới, đơn cử như dự án LNG Nam Vân Phong (hiện đang trong tiến trình đề xuất thực hiện). Nếu dự án được thông qua, PLX sẽ cùng với GAS là hai ông lớn trong ngành phân phối khí LNG.

PLX có kế hoạch thoái 40% cổ phần tại PGB thông qua hình thức đấu giá công khai (ước tính có thể mang lại cho PLX khoảng 1.800 tỷ đồng) và giảm tỷ lệ sở hữu tại PGI từ 40,95% xuống ít nhất là 35,1% (ước tính có thể mang lại cho PLX khoảng 101 tỷ đồng) và thoái vốn khỏi các hoạt động kinh doanh không cốt lõi khác (ước tính trị giá là 510 tỷ đồng).

PLX cũng tiếp tục triển khai phương án giảm vốn nhà nước xuống 51% theo lộ trình phê duyệt tại quyết định 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ trong năm nay.

Bằng phương pháp DCF và P/E, PHS ước tính giá trị hợp lý của PLX là 64.800 đồng/cổ phiếu, tăng 16,5% so với mức giá hiện tại.

Yuanta: Khuyến nghị mua VGC với mức giá hiện tại

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, năm vừa qua, Tổng công ty Viglacera (HoSE: VGC) ghi nhận doanh thu đạt 9.433 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 841 tỷ, lần lượt giảm 7% và 13% so với năm trước.

Với kết quả này, doanh nghiệp đã hoàn thành 114% kế hoạch doanh thu và 112% kế hoạch lợi nhuận năm 2020.

Được biết, doanh thu của VGC lao dốc là do hoạt động chính (mảng vật liệu xây dựng) bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 - khiến nhu cầu sụt giảm mạnh ở thị trường miền Trung và một số tỉnh miền Nam.

Ngoài ra, áp lực cạnh tranh mạnh ở các nhóm hàng như kính, sứ, gạch ốp lát do các doanh nghiệp khác xả hàng tồn kho để thu hồi vốn.

Tuy nhiên, mảng bất động sản lại là điểm sáng khi lợi nhuận trước thuế mảng này đạt 708 tỷ (tăng trưởng 12%) nhờ gia tăng diện tích cho thuê các khu công nghiệp và bàn giao các dự án nhà ở xã hội.

Năm 2021, VGC lên kế hoạch doanh thu hợp nhất 12.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 27% và 19% so với 2020. Yuanta cho rằng
mảng bất động sản sẽ là động lực tăng trưởng chính của VGC trong ngắn và trung hạn.

Cũng trong năm nay, VGC dự kiến đầu tư 2.400 tỷ (tăng nhẹ 0,5% so với cùng kỳ) để hoàn thiện hạ tầng cho thuê các dự án khu công nghiệp với tổng diện tích 2.391ha. Trong trung và dài hạn, VGC sẽ phát triển thêm 1.898ha khu công nghiệp khác.

Yuanta đánh giá đây là một bước đi tích cực của VGC trong bối cảnh Việt Nam đang là nơi thu hút mạnh vốn FDI của khu vực.

Đối với bất động sản khu đô thị, VGC sẽ tiếp tục đầu tư khai thác các dự án nhà ở xã hội với tổng số sản phẩm khoảng 1.300 căn hộ - nhà ở. VGC cho biết, 2 tháng đầu năm, VGC đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận quý I/ 2021, trong đó, đóng góp chính bởi nhóm bất động sản và kinh nổi VIFG.

Ở mức giá hiện tại, VGC đang được giao dịch tại mức P/E TTM là 25.7x (tương ứng EPS là 1.339 đồng) và P/B là 2.4x.

Mặt khác, mức Stock Rating của VGC ở mức 84 điểm, trong đó điểm cơ bản và sức mạnh giá đều trên 80 điểm cho nên Yuanta duy trì đánh giá tích cực mức
xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu VGC.

Đồ thị giá của VGC vẫn đang trong giai đoạn tích lũy và có dấu hiệu kết thúc giai đoạn này trong một vài phiên tới. Đồng thời, xu hướng ngắn hạn cũng được nâng từ mức giảm lên tăng.

Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua VGC ở mức giá hiện tại.

VCSC: Nâng khuyến nghị từ khả quan lên mua MSN

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa nâng khuyến nghị từ khả quan lên mua dành cho cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan, đồng thời tăng giá mục tiêu thêm 16% (121.600 đồng/cổ phiếu).

VCSC cho biết, động thái điều chỉnh này đến từ việc đánh giá và phân tích sâu hơn về nền tảng kinh doanh hàng tiêu dùng-bán lẻ của Masan (The CrownX/TCX), cụ thể là về lợi thế cạnh tranh và chiến lược tăng trưởng của TCX cũng như tiến triển biên lợi nhuận của mảng bán lẻ - VCM.

VCSC cũng lưu ý rằng, giá mục tiêu nêu trên được đặt đến giữa năm 2022, thay vì là cuối năm 2021 như trong các khuyến nghị trước.

Theo VCSC, hiện nay VCM đang trên đường đạt điểm hoà vốn ở cấp độ lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (EBIT) trong năm 2021; doanh nghiệp cũng có kế hoạch triển khai mô hình cửa hàng nhượng quyền cho VCM cũng như kế hoạch đặt quầy bán cà phê, trà của đối tác hàng đầu trong cửa hàng khiến VCSC nâng dự phóng trung và dài hạn cho VCM.

Bên cạnh đó, VCSC cho rằng về dài hạn, TCX còn có tiềm năng tăng trưởng từ việc hợp tác với Techcombank (TCB) để cung cấp các dịch vụ tài chính cho các khách hàng của VCM và tại cửa hàng của VCM, cũng như tiềm năng tăng trưởng từ việc xây dựng một nền tảng thương mại điện tử (có thể được hỗ trợ bởi các đối tác chiến lược).

Tuy nhiên, quan điểm tích cực này của VCSC cũng tồn tại một số rủi ro chính, bao gồm việc MSN không thành công trong việc huy động vốn, tạo áp lực lên vị thế tài chính của doanh nghiệp trong bối cảnh nợ vay đang ở mức cao; nỗ lực tái cấu trúc VCM không mang lại nhiều hiệu quả; MCH triển khai các sản phẩm mới cũng như marketing không hiệu quả khiến tốc độ tăng trưởng chậm lại...

Cùng chuyên mục
Tin khác