Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (29/3): MWG, SBT và MPC

Tân Mai - 29/03/2021 05:50 (GMT+7)

(VNF) - Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị đối với một số cổ phiếu trước phiên giao dịch ngày 29/3, bao gồm MWG, SBT và MPC.

VNF
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (29/3): MWG, SBT và MPC

VCSC: Khuyến nghị mua MWG, giá mục tiêu 214.100 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (HoSE: MWG) vừa công bố kết quả kinh doanh 2 tháng đầu năm 2021 khá lạc quan.

Cụ thể, MWG ghi nhận doanh thu thuần 21.700 tỷ đồng (+6% YoY) và lợi nhuận sau thuế đạt 999 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 6% và 18% so với cùng giai đoạn năm trước. Tính riêng tháng 2, doanh nghiệp bán lẻ này ghi nhận doanh thu 10.700 tỷ đồng (tăng 34%) và lợi nhuận sau thuế 505 tỷ đồng (tăng 73%).

Kết quả này đã củng cố quan điểm của VCSC khi dự đoán lợi nhuận MWG sẽ tăng mạnh mẽ trong năm 2021 và cần nhấn mạnh rằng, mức nền so sánh cùng kỳ là tương đối tốt khi 2 tháng đầu năm ngoái, MWG chưa chịu ảnh hưởng đáng kể từ đại dịch Covid-19.

Trong đó, doanh thu chung của Thế giới Di động và Điện máy Xanh (điện thoại di động và điện máy) ghi nhận giảm 1% trong 2 tháng năm 2021 do làn sóng dịch Covid-19 thứ ba bùng phát vào cuối tháng 1 đã làm gián đoạn hoạt động của gần 100 cửa hàng tại các khu vực áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội.

Tính theo nhóm hàng, doanh thu từ hàng điện tử (TV, hệ thống âm thanh và các sản phẩm điện máy không bao gồm đồ điện lạnh) cũng ghi nhận giảm so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu thấp trong dịp Tết Nguyên đán năm nay; doanh thu từ điện thoại di động và đồ điện lạnh đi ngang so với cùng kỳ năm trước và đồ gia dụng; laptop và đồng hồ ghi nhận tăng trưởng.

Trong khi đó, số lượng cửa hàng Điện máy Xanh theo mô hình supermini tăng lên 388 cửa hàng tính đến tháng 2/2021 từ mức 302 cửa hàng vào cuối năm 2020. Mô hình cửa hàng này đóng góp 950 tỷ đồng doanh thu trong 2 tháng năm 2021, tương ứng doanh thu/cửa hàng hàng tháng hơn 1,3 tỷ đồng, theo ước tính của VCSC.

Bluetronics, chuỗi điện máy của MWG tại Cambodia đã đạt 50 cửa hàng tính đến tháng 2/2021 và chiếm vị trí dẫn đầu tại thị trường này tính về cả doanh thu và số lượng cửa hàng. Bluetronics duy trì mục tiêu đạt điểm hòa vốn EBITDA trong năm 2021.

Về Bách hóa Xanh (chuỗi bách hóa), doanh thu tăng 54% so với 2 tháng đầu năm 2020, cùng với đó số lượng cửa hàng tính đến hết tháng 2/2021 đạt 1.756 đơn vị, trong khi cuối năm 2021 là 1.719 đơn vị và tháng 2/2020 là 1.068 đơn vị.

Doanh thu/cửa hàng hàng tháng giảm từ khoảng 1,2 tỷ đồng trong 2 tháng năm 2020 còn khoảng 1,1 tỷ đồng trong 2 tháng năm 2021 khi phần lớn các cửa hàng Bách hóa Xanh mới được mở bên ngoài TP. HCM.

Về việc mở rộng cửa hàng, Bách hóa Xanh đã mở 37 cửa hàng mới trong 2 tháng năm 2021, chậm hơn so với tốc độ mở 711 cửa hàng mới trong cả năm 2020. Ban lãnh đạo đặt mục tiêu mở trung bình khoảng 30 cửa hàng mới mỗi tháng trong năm 2021 khi Bách hóa Xanh sẽ tập trung cải thiện khả năng sinh lời cũng như nâng cấp các cửa hàng có doanh số cao lên mô hình 500 m2 (60 cửa hàng như trên đã được nâng cấp trong 2 tháng năm 2021).

Theo MWG, các cửa hàng có quy mô 500 m2 mở trên 6 tháng ghi nhận biên lợi nhuận cao hơn so với các cửa hàng mô hình nhỏ hơn khác.

VCSC hiện có khuyến nghị mua dành cho MWG với giá mục tiêu 214.100 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 65,8%, bao gồm lợi suất cổ tức 1,2%, dựa theo giá đóng cửa cuối tuần trước.

BSC: Khuyến nghị mua SBT với giá mục tiêu 27.640 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nhận định, Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (HoSE: SBT) có lợi thế trong việc chủ động nguồn nguyên vật liệu đầu vào khi có vườn nguyên liệu lớn (diện tích lớn liền kề áp dụng cơ giới hoá cao), cùng với việc sở hữu GMC - nhà thương mại giao dịch hàng hóa quốc tế.

Cùng với đó, xuất siêu đường cho thị trường Trung Quốc, EU và ngoài ra, ngành đường Việt Nam đang được phục hồi nhờ thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp của chính phủ.

BSC dự báo kết quả kinh doanh SBT niên độ 2020/21 sẽ đạt doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 15.482 tỷ đồng (tăng 20,1% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế là 457 tỷ đồng (tăng trưởng 25%).

Do đó, BSC duy trì khuyến nghị mua SBT và nâng giá mục tiêu lên 27.640 đồng, triển vọng tăng 21,8% so với thị giá. BSC nâng giá mục tiêu do kết quả kinh doanh cải thiện nhờ giá đường thế giới tăng mạnh trong quý I/2021 tăng 20-25%; xuất khẩu đường RE đi Châu Âu, Trung Quốc tăng mạnh trong quý IV/2020 và quý I/2021; thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp của chính phủ.

PHS: Khuyến nghị mua MPC, giá mục tiêu 44.700 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết, kết thúc năm 2020, doanh thu thuần của MPC giảm 15,7% so với cùng kỳ xuống còn 14.329 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế tăng 51% lên mức 674 tỷ đồng.

Tuy doanh thu giảm nhưng lợi nhuận sau thuế tăng tăng nhờ vào nỗ lực cải thiện biên lợi nhuận của MPC. Theo đó, biên EBITDA tăng 1,2% từ 4,6% trong năm 2019 lên 5,8% vào năm 2020 nhờ chi phí bán hàng giảm mạnh 23,3% so với năm trước, còn 670 tỷ đồng.

Cùng với đó, chi phí vận chuyển và dịch vụ mua ngoài, chiếm tỷ trọng lớn nhất (58% tổng chi phí bán hàng) đã giảm 16% trong năm vừa qua.

Được biết, sự suy giảm doanh thu trong năm 2020 là do mảng xuất khẩu sang thị trường Mỹ gặp khó. Trong khi đó Mỹ là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong năm 2020 với giá trị xuất khẩu tăng 33% so với cùng kỳ lên 869,8 triệu USD, doanh thu xuất khẩu sang Bắc Mỹ của MPC trong năm 2020 lại giảm 36% còn 5.745 tỷ đồng.

Doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân do dịch Covid-19 gián đoạn kinh doanh tại Bắc Mỹ gây ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu tại thị trường này. Bên cạnh đó, PHS cho rằng việc bị Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) điều tra hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá áp dụng cho tôm xuất khẩu của Ấn Độ vào tháng 1/2020, cũng làm sụt giảm doanh thu của MPC tại thị trường này.

Năm vừa qua, MPC đã quyết định tăng vốn điều lệ tại các công ty con nhằm thay thế các khu vực nuôi truyền thống bằng “công nghệ 2-3-4” vì sản lượng thu được từ công nghệ mới rất lớn - cao hơn tới 15 lần.

MPC cũng ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược và tư vấn chuyển đổi số với FPT với mục đích nâng cao chất lượng tôm nguyên liệu. Trong năm 2020, MPC đã tự nghiên cứu và thử nghiệm thành công mô hình nuôi tôm công nghệ cao, từ đó đưa vào vận hành hiệu quả tại 2 vùng nuôi của mình là Minh Phú Kiên Giang (600ha) và Minh Phú Lộc An (300ha).

Đồng thời công ty cũng hợp tác với CSIRO (Úc) để hiện đại hóa công nghệ nuôi tôm. Hiện nay, MPC được kỳ vọng hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định EVFTA khi thuế tôm nguyên liệu và sản phẩm tôm được giảm mạnh từ mức 12,5% và 20% xuống còn 0%. Kỳ vọng giá trị xuất khẩu của MPC sang EU trong năm 2021 tăng khoảng 15% so với cùng kỳ.

PHS ước tính doanh thu năm 2021 của MPC đạt khoảng 16.823 tỷ đồng (tăng trưởng 17%), lợi nhuận sau thuế đạt 762 tỷ đồng (tăng 13%) với biên lợi nhuận gộp khoảng 11.4%. Bằng phương pháp định giá DCF và EV/EBITDA, PHS dự báo mức giá hợp lý cho cổ phiếu MPC vào khoảng 44.700 đồng/cổ phiếu.

Cùng chuyên mục
Tin khác