Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (1/6): HSG, PC1 và DIG

Tân Mai - 01/06/2021 07:12 (GMT+7)

(VNF) - Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị đối với một số cổ phiếu trước phiên giao dịch ngày 1/6, bao gồm HSG, PC1 và DIG.

VNF
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (1/6): HSG, PC1 và DIG

MBS: Khuyến nghị mua dành cho HSG

Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) vừa đưa ra khuyến nghị mua với cổ phiếu HSG (Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen), giá mục tiêu là 50.242 đồng/cổ phiếu, dựa trên phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFF, WACC là 14,65% và tăng trưởng dài hạn là 1%, tương đương P/B kì vọng là 2,1 lần.

MBS cho rằng, HSG đang được hưởng lợi từ làn sóng phục hồi kinh tế toàn cầu, qua đó giúp cho sản lượng tiêu thụ thép toàn thị trường quay lại tăng trưởng dương (năm 2020 tăng 4,9% so với cùng kỳ; năm 2019 giảm 2,1%, tính riêng tôn mạ và ống thép).

Trong năm 2020, HSG ghi nhận sản lượng bán tăng 8,7% so với năm 2019, bên cạnh đó quý I và quý II năm tài chính HSG đã ghi nhận sản lượng tiêu thụ thép gia tăng vượt trội so với cùng kỳ. Cụ thể, quý I tăng 38,47% và quý II tăng 72,91% so với cùng kỳ, bất chấp giá nguyên vật liệu đầu vào biến động tiêu cực.

Tổng sản lượng ghi nhận cho nửa đầu năm tài chính là gần 1,1 triệu tấn, đạt hơn 60% kế hoạch đề ra trong năm. MBS dự phóng sản lượng tiêu thụ cho cả năm 2021 là khoảng 2,5 triệu tấn, tương ứng mức tăng trưởng 55,29% cùng kỳ.

Về doanh thu, quý I và quý II cũng ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ, với tỷ lệ lần lượt là 38,2% và 87,7%, mặc dù chỉ tiêu này trong năm 2019 và 2020 có mức tăng trưởng âm (năm 2019 gảm 18,6% và năm 2020 giảm 1,8% cùng kỳ).

Điều này chứng tỏ doanh nghiệp đã kiểm soát tốt về việc tăng giá bán bù đắp cho việc tăng giá nguyên liệu đầu vào trong tình cảnh hiện tại. Bên cạnh đó, năm 2020 cũng chứng kiến biên lợi nhuận gộp của HSG đã tăng lên mức 16,8% sau 2 năm lên tiếp giảm.

Ghi nhận trong 5 năm gần đây, vào thời điểm thuận lợi, bên lợi nhuận gộp của HSG đạt 16,9% năm 2017. Song song đó là biên lợi sau thuế ghi nhận con số tăng trưởng mạnh mẽ trong nữa năm đầu với hơn 1.600 tỷ đồng, đạt 107% kế hoạch đề ra trong năm 2021.

MBS cũng nhận định, HSG có tiềm năng tăng trưởng dài hạn từ kinh tế vĩ mô thuận lợi, trong đó tăng trưởng GDP cao, lãi suất duy trì thấp và ổn định, đầu tư công tăng trưởng trong những năm tới và tỷ lệ sử dụng thép trên đầu người của Việt Nam vẫn ở mức tương đối thấp.

Tuy nhiên, công ty chứng khoán này cũng đề cập đến rủi ro chung đối với thép Việt Nam, gồm tính chất biến động chu kỳ và ngắn hạn của giá thép và giá quặng sắt; rủi ro từ chính sách kiểm soát giá bán từ chính phủ Trung Quốc; cạnh tranh trong nước do các doanh nghiệp gia tăng năng lực sản xuất và thuế suất áp lên sản phẩm xuất khẩu.

Yuanta: Khuyến nghị mua PC1 với thị giá hiện tại

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho biết, quý I/2021, Công ty Cổ phần Xây lắp Điện I (HoSE: PC1) ghi nhận doanh thu đạt 1.538 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 80 tỷ đồng, lần lượt tăng 13% và giảm 10% so với cùng kỳ năm 2020. Với kết quả này, PC1 đã hoàn thành 19% kế hoạch doanh thu và 16% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Trong quý, doanh thu của PC1 tăng trưởng nhờ hoạt động cốt lõi là xây lắp điện và sản xuất công nghiệp tăng 7% cùng kỳ, đồng thời doanh thu thủy điện cũng tăng 22% nhờ vận hành 2 nhà máy mới Bảo Lạc B (18MW) và Sông Nhiệm 4 (6MW). Tuy nhiên, lợi nhuận sụt giảm do không có sự đóng góp từ mảng bất động sản, vốn có biên lợi nhuận cao hơn.

Nhận định về kế hoạch kinh doanh năm 2021, Yuanta cho rằng PC1 có thể hoàn thành những mục tiêu đề ra với sự dẫn dắt bởi nhóm xây lắp điện và thủy điện. Được biết, giá trị backlog các hợp đồng xây lắp điện tính đến hiện tại là 2.800 tỷ đồng, các công trình này đều cần hoàn thành trước ngày 1/11/2021. Mặt khác, mảng thủy điện cũng đang hưởng nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi năm nay.

Công ty chứng khoán này dự báo tăng trưởng lợi nhuận của PC1 trong nửa cuối 2021 sẽ chạm đáy để bắt đầu quay trở lại tăng trưởng mạnh từ 2022. Ước tính, doanh nghiệp có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 2022 trên 20%, dẫn dắt bởi 3 dự án điện gió lớn đi vào vận hành từ cuối 2021 là Liên Lập, Phong Huy, Phong Nguyên (48MW/dự án).

Đồng thời, tăng trưởng 2023 có thể đạt đến 40 - 50% nhờ PC1 bàn giao trở lại 2 dự án bất động sản Vĩnh Hưng và Bắc Từ Liêm. Ngoài ra, Yuanta cũng lưu ý trong kịch bản tích cực, dự án bất động sản Vĩnh Hưng kịp bàn giao trong nửa cuối 2022 sẽ giúp PC1 ghi nhận 222 tỷ lợi nhuận.

Trên thị trường, ở mức giá đóng cửa hiện tại, PC1 đang được giao dịch tại mức P/E là 9.8 lần (tương ứng EPS là 2.575 đồng), thấp hơn P/E trung bình ngành là 14.4 lần.

Đồ thị giá của PC1 vượt lên trên đường trung bình 20 ngày và đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn giảm đáng kể và xu hướng ngắn hạn được nâng từ mức giảm lên tăng.

Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua quanh mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp.

VCSC: Khuyến nghị khả quan DIG, giá mục tiêu là 35.000 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) duy trì giá mục tiêu của Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (HoSE: DIG) ở mức 35.000 đồng/cổ phiếu, tuy nhiên điều chỉnh khuyến nghị từ mua xuống khả quan do cổ phiếu DIG đã tăng 12% trong 3 tháng vừa qua.

VCSC dự báo, năm 2021, lợi nhuận trước thuế của DIG ước đạt 1.100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số ước đạt 908 tỷ đồng, lần lượt tăng 26% và 28% so với thực hiện năm 2020. VCSC kỳ vọng DIG sẽ hoàn thành việc bán 31ha đất nền trên đảo Đại Phước và bàn giao các lô đất nền tại dự án Nam Vĩnh Yên và Gateway Vũng Tàu cho khách hàng mua lẻ vào năm 2021, qua đó đóng góp khoảng 80% dự báo lợi nhuận cả năm.

Kết thúc quý I vừa qua, DIG ghi nhận kết quả kinh doanh khá tích cực, với doanh thu 500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 43 tỷ đồng, lần lượt tăng 91% và 616% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, so với kế hoạch đã đề ra, doanh nghiệp mới hoàn thành gần 4% mục tiêu lợi nhuận năm.

VCSC cho rằng, định giá hiện tại của DIG là hấp dẫn với P/B năm 2021 là 2 lần với mức tăng trưởng lợi nhuận dự kiến mạnh mẽ là 28% trong năm 2021, dựa theo dự báo.

Rủi ro đối với quan điểm tích cực của công ty chứng khoán này gồm thời gian phát triển dự án dài hơn dự kiến; chi phí thấp cho quỹ đất của DIG; rủi ro pha loãng từ kế hoạch phát hành riêng lẻ hoặc phát hành trái phiếu chuyển đổi.

Cùng chuyên mục
Tin khác