Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (19/5): VHC, PTB và DGC

(VNF) - Năm 2022, ACBS dự phóng doanh thu của VHC đạt 13.240 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.676 tỷ đồng, lần lượt tăng 46% và 52% so với thực hiện năm ngoái

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (19/5): VHC, PTB và DGC

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (19/5): VHC, PTB và DGC

ACBS: Khuyến nghị mua VHC, giá mục tiêu 112.300 đồng/cổ phiếu

Năm 2022, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) đặt kế hoạch doanh thu 13.000 tỷ đồng, tăng 44% so với thực hiện năm ngoái; lợi nhuận ròng 1.600 tỷ đồng, cũng tăng 44%.

Gần đây, VHC đã tăng công suất cấp đông và nâng cấp dây chuyền sản xuất chính để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Doanh nghiệp cũng đang có kế hoạch tăng diện tích vùng nuôi để duy trì tỷ lệ tự cung 70% với 90ha, giúp nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc nguyên liệu và đạt tính bền vững cao hơn trong mô hình hoạt động kinh doanh.

Doanh thu từ mảng Wellness tăng 40,4% so với cùng kỳ là tiềm năng lớn cho VHC trong vài năm tới. Doanh nghiệp đang hướng tới phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng khác như Xavia collagen, kẹo mềm… VHC Wellness cũng sẽ tối ưu hóa việc tận dụng các phụ phẩm từ trái cây và rau của VHC Agricultural trong năm tới, nâng cao tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp.

Vì thế, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) vừa nâng dự báo doanh thu năm 2022 của VHC thêm 25% lên 13.241 tỷ đồng, chủ yếu từ sản lượng tăng 13% để phản ánh nhu cầu tăng và giá bán bình quân tăng 17%, do ACBS dự báo giá nguyên liệu đầu vào sẽ tăng trong thời gian tới.

Với tỷ suất lợi nhuận gộp cao được ghi nhận trong quý I, ACBS kỳ vọng VHC sẽ đạt tỷ suất lợi nhuận gộp 21% vào năm 2022, mang lại lợi nhuận sau thuế 1.676 tỷ đồng (tăng 52,5% so với năm trước và tăng 32,3% so với dự phóng trước đó của ACBS).

Bên cạnh đó, ACBS kỳ vọng kinh tế toàn cầu phục hồi sẽ thúc đẩy nhu cầu cá tra toàn cầu khi du lịch quốc tế và kéo theo đó là ngành F&B sẽ phục hồi vào năm 2022. Giá cá tra nguyên liệu tăng 39,6% kể từ đầu năm, trong khi giá cá giống tăng 59,1%. Mặt khác, giá cá giống cũng bắt đầu tăng từ cuối tháng 3/2022.

Từ mức giảm 1,4% cùng kỳ trong quý I/2021, giá cá giống đã tăng 54,7% trong quý I/2022, cho thấy xu hướng tăng liên tục đối với giá cá tra nguyên liệu trong vài tháng tới.

ACBS duy trì phương pháp định giá dựa trên trung bình DCF và P/E. ACBS đặt mức P/E mục tiêu là 10,3 lần, phù hợp với mức bình quân P/E năm 2022 các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Mức bình quân các quốc gia xuất khẩu thủy sản lân cận như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Ấn Độ là 13,5 lần.

Đối với POR17, Ấn Độ là quốc gia được chọn làm quốc gia đại diện để so sánh với Việt Nam (trong số 6 nước Bolivia, Ai Cập, Honduras, Ấn Độ, Maroc và Nicaragua). Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tại Ấn Độ có mức P/E bình quân 21,3 lần, gấp đôi so với mức bình quân Việt Nam.

Mức giá mục tiêu đặt cho cổ phiếu VHC là 112.300 đồng/cổ phiếu (tổng mức sinh lời 25,1%, bao gồm 2,2% tỷ suất cổ tức), cùng với khuyến nghị mua vào. Giá cổ phiếu VHC đã được điều chỉnh 20% kể từ giữa tháng 4, ACBS cho rằng điều này đến từ việc điều chỉnh của toàn thị trường và không liên quan đến các yếu tố cơ bản nồng cốt của doanh nghiệp.

SSI: Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu PTB

Công ty Cổ phần Phú Tài (HoSE: PTB) công bố doanh thu quý I đạt 1.737 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ ghi nhận doanh thu tại dự án bất động sản Phú Tài Residence với 147 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ.

Bên cạnh đó, doanh thu gỗ ghi nhận mức tăng trưởng 14% cùng kỳ, khi các đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng trưởng khá tích cực, biên lợi nhuận gộp giảm 2% cùng kỳ do chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng trong khi giá bán hỗ trợ khách hàng do cước vận tải vẫn duy trì mức cao.

Trong khi đó, doanh thu hoạt động sản xuất đá sụt giảm 2% cùng kỳ, khi nhu cầu xây dựng vẫn ở mức thấp, biên lợi nhuận gộp tăng 1% cùng kỳ, đạt mức 31% do giảm chiết khấu bán hàng. Khấu trừ chi phí và thuế, lợi nhuận sau thuế quý I đạt 230 tỷ đồng, tăng trưởng 53% so với cùng giai đoạn năm 2021.

Ban lãnh đạo cho biết, doanh nghiệp đã bàn giao hết hàng tồn kho mặt hàng gỗ trong tháng 4. Nhu cầu tiêu thụ tại thị trường Mỹ dự báo tăng trưởng chậm lại so với năm ngoái nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng đạt 15-16% cùng kỳ. Doanh thu dự kiến trong năm 2022 đạt 3.980 tỷ đồng (tăng 16% cùng kỳ), tuy nhiên, giá nguyên liệu tăng 15-18% do đó biên lợi nhuận gộp dự báo giảm 0,9 điểm phần trăm về mức 22,4%.

Với dự án nhà máy bột thạch anh công suất 65.000 tấn/năm vào quý II sẽ giúp đảm bảo đầu vào tại nhà máy đá thạch anh với công suất 450.000 m2/năm. Công ty Chứng khoán SSI (SSI) đánh giá, sản lượng tiêu thụ trong năm 2022 đạt mức 40% công suất với thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, biên lợi nhuận nhà máy đá thạch anh đạt mức 31% (tăng 1% cùng kỳ).

Mặt khác, dự báo trong năm 2022, PTB tiếp tục ghi nhận 510 tỷ đồng doanh thu và 133 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đối với dự án Phú Tài Residence.

SSI nhận định, PTB đang giao dịch ở mức P/E và P/B 2022 là 10,3 lần và 2,2 lần. Công ty chứng khoán này đánh giá PTB sẽ duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận 2 chữ số trong năm 2022 nhờ xuất khẩu gỗ tiếp tục tăng chủ yếu từ thị trường Mỹ. Đồng thời hoạt động sản xuất đá phục hồi trở lại vào 2022 nhờ nhu cầu dân dụng và các công trình công.

Sử dụng phương pháp P/E với P/E trung bình của ngành gỗ là 11 lần và ngành đá là 10 lần, giá mục tiêu của PTB vào thời điểm cuối năm 2022 là 119.000 đồng/cổ phiếu, từ đó khuyến nghị khả quan.

Yuanta: Khuyến nghị quan sát cổ phiếu DGC

Quý I, Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC) ghi nhận 3.600 tỷ đồng doanh thu và 1.300 tỷ đồng lợi nhuận ròng, lần lượt tăng 86% và 370% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận tăng mạnh chủ yếu do giá bán cao kỷ lục và tiết kiệm chi phí từ mỏ quặng apatit của DGC.

Tính từ đầu năm, giá photpho vàng (P4) do các nhà sản xuất Việt Nam đã tăng từ 7.000 USD/tấn lên 7.500 USD/tấn, tăng mạnh so với mức bình quân giai đoạn 2016-2020 là 2.500 USD/tấn. Giá P4 của Việt Nam cao do chi phí sản xuất mặt hàng này của Trung Quốc tăng và nhu cầu bùng nổ từ lĩnh vực xe điện ở Trung Quốc.

Bên cạnh đó, thuế xuất khẩu P4 của Trung Quốc là 20% trong khi của Việt Nam là 5%; tình trạng gián đoạn trong chuỗi cung ứng của các đối thủ cạnh tranh Kazakhstan trong bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine; các nhà sản xuất trong nước đã có năng lực thương lượng mạnh hơn, trong bối cảnh trên vì Việt Nam thường chiếm một nửa lượng P4 xuất khẩu trên toàn cầu.

Ngoài ra, giá Axit photphoric trích ly (WPA) cũng đã tăng từ 665 USD/tấn lên 900 USD/tấn (hàm lượng P2O5 50%) so với đầu năm do thị trường phân bón toàn cầu thắt chặt trong bối cảnh xung đột quân sự và các hạn chế thương mại.

Trên thị trường, kể từ phiên giao dịch cuối tháng 4 đến nay, cổ phiếu DGC đã giảm gần 19% từ 240.900 đồng/cổ phiếu (ngày 29/4) xuống 203.000 đồng/cổ phiếu (ngày 18/5). Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) nhìn nhận, mức stock rating của DGC ở mức 97 điểm cho thấy mức xếp hạng tăng trưởng là tích cực.

Đồ thị giá của DGC vừa đóng cửa tăng 7% với khối lượng giao dịch vẫn thấp hơn mức khối lượng giao dịch trung bình 20 phiên cho thấy dòng tiền vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao và đồ thị giá mới trong giai đoạn hồi phục kỹ thuật ngắn hạn.

Yuanta hiện khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục quan sát cổ phiếu DGC.

Tin mới lên