(VNF) - Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị đối với một số cổ phiếu trước phiên giao dịch ngày 22/4, bao gồm PVS, NTP và NT2.
VCSC: Khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho PVS
Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa tham dự buổi gặp gỡ nhà đầu tư của Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) và ghi nhận một số thông tin đáng chú ý.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2021, PVS đặt mục tiêu doanh thu đạt 10.000 tỷ đồng (giảm đến 49,6%) và lợi nhuận ròng đạt 560 tỷ đồng (giảm 23,8% cùng kỳ năm trước).
Các mục tiêu tương ứng này thấp hơn 33,3% và 12,5% so với kế hoạch năm 2020 của PVS, dựa trên khối lượng công việc thấp hơn cho mảng cơ khí dầu khí (M&C). Đây là thông tin đã được công bố tại tài liệu đại hội cổ đông thường niên.
Doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý I với doanh thu là 2.800 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 160 tỷ đồng, lần lượt giảm 16,8% và 9,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Như vậy PVS đã hoàn thành gần 24% mục tiêu lợi nhuận năm và 15,7% dự báo của VCSC. Tuy nhiên, con số này phù hợp dự báo của VCSC, khi công ty chứng khoán này cho rằng PVS sẽ có nhiều việc làm mảng M&C hơn trong nửa cuối 2021.
Về tiến độ đấu thầu hợp đồng M&C, ban lãnh đạo cho biết đang đấu thầu từ 7-8 dự án M&C ở thị trường nước ngoài và kỳ vọng PVS có thể trúng thầu 2-3 dự án.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đang tìm kiếm cơ hội việc làm trong các dự án điện gió ngoài khơi.
Cùng với đó, PVS vẫn đang đàm phán với khách hàng về hợp đồng dài hạn cho FPSO Lam Sơn cũng như giá thuê ngày mới cho FPSO Ruby II. Ban lãnh đạo kỳ vọng giá dầu tiếp tục ở mức cao như hiện nay, vốn sẽ thuận lợi cho việc đàm phán các hợp đồng này.
Đáng chú ý, khi giải đáp thắc mắc của cổ đông về luật dầu khí mới, ban lãnh đạo chia sẻ rằng luật mới sẽ cho phép các nhà khai thác dầu khí đẩy mạnh hoạt động thăm dò và sản xuất của họ thông qua việc hạ tỷ lệ giữ lại của nước sở tại và giảm thuế cho các dự án trọng yếu.
Trên cơ sở sơ bộ, PVS chia sẻ luật mới này có thể được trình lên Quốc hội trong kỳ họp tháng 10 và có hiệu lực trong quý I/2022.
Hiện VCSC đang có khuyến nghị phù hợp thị trường với giá mục tiêu 23.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng mức sinh lời dự phóng 3%, bao gồm lợi suất cổ tức 4,3% dành cho PVS.
BSC: Khuyến nghị theo dõi NTP
Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) vừa có báo cáo phân tích về cổ phiếu NTP của Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong.
Kết thúc năm 2020, NTP ghi nhận doanh thu đạt 4.646 tỷ, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến cho sản lượng tiêu thụ giảm 4,5%.
Tuy nhiên, nhờ dự báo đúng xu hướng giá nguyên liệu, tăng tồn kho khi giá PVC xuống thấp (trong tháng 4-5/2020), biên lợi nhuận gộp của NTP được cải thiện từ 30,1% lên 30,9%.
Lợi nhuận sau thuế đạt 447 tỷ (tăng 9,3%). Với kết quả này, NTP sẽ chi trả cổ tức năm 2020 tỷ lệ 25% bằng tiền (trong đó 15% đã ứng trước). Đối với năm 2021, doanh nghiệp có kế hoạch chia 20% bằng tiền và 10% bằng cổ phiếu.
Bước sang năm 2021, NTP đặt mục tiêu sản lượng đạt 100.000 tấn (tăng trưởng 10% cùng kỳ); doanh thu kỳ vọng 5.100 tỷ (tăng 16%) và lợi nhuận trước thuế kỳ vọng 432 tỷ (giảm 14% thực đạt năm trước) trong bối cảnh giá hạt nhựa đầu vào tăng cao.
Trong quý I vừa qua, lợi nhuận sau thuế của NTP đứng ở mức 150 tỷ đồng, tăng 77% so với cùng kỳ 2020 nhờ giá bản sản phẩm tăng 20-25% (tháng 3) và hưởng lợi từ tồn kho nguyên liệu giá thấp trong quý IV/2020.
Với kết quả này, doanh nghiệp đã hoàn thành 35% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Liên quan đến khoản phải thu của Công ty Minh Hải (nhà phân phối lớn của NTP và đã dừng hoạt động từ 1/1/2020), ban lãnh đạo cho biết Công ty Minh Hải đang phối hợp với NTP đôn đốc các khách hàng trả nợ (chủ yếu là các công trình lớn).
Dư nợ của Minh Hải đối với NTP hiện còn khoảng 180 tỷ đồng, NTP tự tin vào khả năng thu hồi (trong năm 2020, NTP đã trích 78,8 tỷ dự phòng theo quy định).
NTP cũng vừa chính thức dừng triển khai dự án bất động sản tại số 2 An Đà (khu vực nhà máy cũ trong thành phố) do khó khăn trong tiến hành các thủ tục đầu tư. Hiện miếng đất số 2 An Đà vẫn có nhà máy của NTP hoạt động, NTP vẫn còn thời gian thuê đất dài tại đây.
Theo dự báo của BSC, doanh thu ước đạt của NTP năm 2021 là 5.065 tỷ đồng, tăng trưởng gần 13% với giả định sản lượng tiêu thụ 97.100 tấn (tăng 6,5% cùng kỳ) và giá bán sản phẩm PVC tăng 10%.
Lợi nhuận sau thuế của NTP ước đạt 406 tỷ (giảm 9,1%) với giả định giá nguyên liệu PVC tăng 30%, HDPE và PPR tăng 10% cùng kỳ và NTP không trích lập thêm dự phòng với khoản phải thu từ nhà phân phối Minh Hải.
VCSC: Khuyến nghị khả quan dành cho NT2
Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HoSE: NT2) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I với doanh thu đạt 1.700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 115 tỷ đồng, lần lượt giảm 4% và 36% so với cùng kỳ năm trước.
Được biết, con số bi quan này là do sản lượng điện thương phẩm trong quý giảm 19% cũng như giá trên thị trường phát điện cạnh tranh (CGM) thấp
Theo thảo luận của VCSC với NT2, VCSC nhận thấy kết quả kinh doanh này được ghi nhận dựa theo giá hợp đồng mua bán điện (PPA) cũ. Sau khi việc đánh giá lại PPA được hoàn thành trong quý II, NT2 sẽ ước tính lại lợi nhuận quý I theo giá PPA mới và ghi nhận mức giảm trong lợi nhuận (do giá PPA thấp hơn) trong kết quả kinh doanh quý II.
VCSC hiện ghi nhận giá PPA giảm từ những ngày đầu tháng 1/2021 trong mô hình dự báo của công ty. VCSC ước tính rằng nếu áp dụng mức PPA mới từ ngày 1/1/2021, lợi nhuận quý I/2021 của NT2 sẽ chỉ đạt khoảng 80 tỷ đồng, tương ứng 18% dự báo năm 2021 của VCSC.
Hiện VCSC đang có khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 24.200 đồng/cổ phiếu dành cho NT2, tương đương tổng mức sinh lời 23%, trong đó lợi suất cổ tức là 7,2%.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.