Toàn cảnh khu phức hợp 26 tầng của Daewoo E&C tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng, nhà ở cao cấp tại lô đất K8HH1 thuộc khu đô thị Starlake dự kiến sẽ bổ sung lượng nguồn cung lớn cho thị trường Hà Nội trong năm 2025.
Kết thúc 9 tháng năm 2022, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (HoSE: ACV) ghi nhận doanh thu thuần đạt 9.725 tỷ đồng (tăng 156% so với cùng kỳ), lợi nhuận ròng đạt 5.164 tỷ đồng (tăng 3.060% so với cùng kỳ).
Nguyên nhân đến từ việc sản lượng hành khách tăng 179% so với cùng kỳ trong bối cảnh các đường bay quốc tế phục hồi. Thu nhập tài chính tăng 52% so với cùng kỳ do lãi chênh lệch tỷ giá đánh giá lại cuối kỳ đến từ khoản vay JPY. Tính đến hết quý III/2022, đồng JPY mất giá 20% so với đầu năm. Biên lợi nhuận gộp của ACV đạt mức 48% trong khi giảm 16% cùng kỳ do sản lượng phục hồi.
Lũy kế 9 tháng năm 2022, sản lượng hành khách nội địa qua cảng ACV đạt 68 triệu lượt (tăng 159% so với cùng kỳ), nhờ các đường bay nội địa đã phục hồi hoàn toàn. Trong quý III, sản lượng hành khách nội địa có xu hướng giảm dần (giảm 15% so với tháng trước) do mùa cao điểm của du lịch hè (T6-T7) đã qua.
Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) BSC cho rằng dịch bệnh đã được kiểm soát và hoạt động vận tải nội địa đã bước sang giai đoạn “Bình thường mới”. BSC nâng dự báo sản lượng khách nội địa trong năm 2022 từ 80 triệu lượt lên 91,7 triệu lượt (tăng 211% so với cùng kỳ), tương ứng 123% trước dịch do sản lượng tích cực trong tháng 6 và tháng 7. Sang năm 2023, BSC dự báo sản lượng hành khách nội địa đi ngang, đạt 92 triệu lượt (tăng 0,3% so với cùng kỳ) do mức nền cao trong năm 2022.
Lũy kế 9 tháng năm 2022, sản lượng hành khách quốc tế qua cảng ACV đạt 7 triệu lượt (tăng 1.795% so với cùng kỳ), nhờ các quốc gia đã mở cửa trở lại. Tính tới hết quý III, Việt Nam đã mở lại đường bay thường lệ tới đa số thị trường chính, ngoại trừ: Nga do căng thẳng chính trị với Ukraine và Trung Quốc do duy trì chính sách Zero – Covid.
So sánh với quý II, sản lượng hành khách quốc tế qua ACV tăng 107% so với quý trước. BSC đưa ra 2 nguyên nhân. Một là các đường bay tới Hàn Quốc phục hồi mạnh mẽ trong quý III. Đơn cử, từ đầu quý III, Vietnam Airlines đã nối lại thêm đường bay giữa Hà Nội, TP. HCM và Busan với tần suất 3-4 chuyến/tuần, tăng 1 chuyến bay/tuần cho đường bay từ Hà Nội, TP. HCM - Seoul; Vietjet cũng mở thêm mới đường bay Đà Nẵng - Busan, Nha Trang - Busan. Các hãng hàng không Hàn Quốc như Korean Airlines, . . cũng tích cực nối lại đường bay tới Việt Nam từ tháng 6/2022. Do đó, sản lượng khách du lịch từ Hàn Quốc tăng 309% so với quý trước trong quý III.
Hai là các đường bay tới Ấn Độ được mở mới. Trong năm 2022, Vietjet đã mở mới tăng 7-9 đường bay, Vietnam Airlines mở mới tăng 2 đường bay tới Ấn Độ. Bên cạnh đó, BSC nhận thấy các hãng Ấn Độ như SpiceJet, Indigo . . cũng đẩy mạnh mở mới các tuyến thẳng. Do đó, sản lượng khách du lịch từ Ấn Độ tăng 40% so với quý trước trong quý III và tăng 108% so với trước dịch.
Với việc ngành hàng không phục hồi vượt kỳ vọng, BSC nâng dự báo sản lượng khách quốc tế qua ACV trong năm 2022 từ 7,9 triệu lượt lên 10,8 triệu lượt (tăng 2.036 % so với cùng kỳ) – với giả định sản lượng quý IV đạt 4.3 triệu hành khách (tăng 5% so với quý trước).
Sang năm 2023, BSC giữ quan điểm thị trường Trung Quốc sẽ quay trở lạị. Tại đầu quý IV/2022, BSC tiếp tục nhận thấy một số tín hiệu tích cực nối lại đường bay tới Trung Quốc trong thời gian tới. Cụ thể, từ ngày 11/11, Chính phủ Trung Quốc áp dụng 20 quy định mới nới lỏng chính sách Zero – Covid, trong đó, tiếp tục rút ngắn thời gian cách ly từ 7 ngày xuống 5 ngày đối với người nhập cảnh; bãi bỏ quy định phạt hãng hàng không, và tạm dừng đường bay quốc tế nếu chở khách mắc Covid -19; cho phép các công ty lữ hành nội địa cung cấp dịch vụ đối với các hành khách âm tính với Covid-19.
Từ phía Việt Nam, các hãng hàng không cũng đã bắt đầu khai thác trở lại các đường bay thường lệ tới Trung Quốc. Trong đó, từ ngày 9/12, Vietnam Airlines mở lại đường bay từ Hà Nội, TP. HCM – Thượng Hải, Quảng Châu (1- 2 chuyến/tuần). Từ ngày 6/12, Bamboo Airways mở thêm đường bay Hà Nội – Thiên Tân (1 chuyến/tuần).
Với việc duy trì chính sách đóng cửa trong 3 năm liền, hoạt động sản xuất kinh doanh của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng trầm trọng. BSC cho rằng áp lực về kinh tế sẽ là động lực để Trung Quốc tiếp tục phải nới lỏng thêm chính sách Zero-Covid trong năm 2023. Theo đó, BSC giữ kỳ vọng các đường bay quốc tế tới Trung Quốc sẽ bắt đầu phục hồi mạnh mẽ từ quý I- quý II/2023.
Trong năm 2022, BSC dự báo ACV ghi nhận doanh thu đạt 14.831 tỷ đồng (tăng 212% so với cùng kỳ), lợi nhuận ròng của ACV dự báo đạt 6.925 tỷ đồng (tăng 1343% so với cùng kỳ), tương đương EBITDA dự phóng đạt 7.743 đồng/cổ phiếu, EV/EBITDA dự phóng đạt 20,8 lần. BSC duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu ACV, đưa ra giá mục tiêu năm 2023 là 100.000 đồng/cổ phiếu.
Lợi nhuận sau thuế quý III của Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) tiếp tục ghi nhận lỗ 3,5 tỷ đồng so với mức lỗ 23,8 tỷ đồng trong quý II và 11,8 tỷ đồng cùng kỳ năm 2021 do giá nguyên vật liệu tăng cao, các hoạt động xây dựng trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn, mức độ cạnh tranh cao khiến các chủ đầu tư xây dựng phải cạnh tranh về giá thầu.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 1,8 tỷ đồng (giảm 97,9% so với cùng kỳ). CTD đã trích lập 299 tỷ đồng chi phí dự phòng trong chi phí quản lý doanh nghiệp, cao gấp 5,4 lần so với cùng kỳ, trong đó khoản phải thu hơn 242 tỷ đồng từ dự án D'Capitale của chủ đầu tư Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) ước tính doanh thu năm 2022 của Coteccons đạt 11.238 tỷ đồng (tăng 24% so với cùng kỳ). KBSV dự báo Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm 181 tỷ đồng do công ty tăng cường trích lập dự phòng cho các khoản phải thu tồn đọng từ năm 2020. Doanh thu ước tính năm 2023 của Coteccons đạt 12.342 tỷ đồng (tăng 11% so với cùng kỳ). KBSV kỳ vọng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ hồi phục đạt 28 tỷ đồng sau khi đã trích lập phần lớn các khoản phải thu trong năm 2022.
Trong 3 quý đầu năm 2022, Coteccons đã trúng thầu một loạt dự án cao cấp có vốn đầu tư lớn như tòa Ecopark CT06, Diamond Crown của Doji Land, Nhà máy Lego… Giá trị backlog mới của CTD (không tính các hợp đồng MoU và không thực hiện) đạt 17.700 tỷ đồng.
KBSV kỳ vọng, giá trị backlog mới sẽ giúp kết quả kinh doanh của CTD từ năm 2023 hồi phục sau khi đã trích lập đáng kể các khoản phải thu tồn đọng. Trước những khó khăn hiện hữu, KBSV ước tính giá trị backlog trong giai đoạn 2023-2026 đạt 18.000 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với giai đoạn 2016 - 2018.
Điểm sáng đối với hoạt động của CTD là đầu tư công được đẩy mạnh trong năm 2023 khi các động lực tăng trưởng khác của năm 2023 suy yếu khiến đầu tư công quay trở lại làm điểm tựa.
Sử dụng phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền DCF, KBSV đưa ra mức giá mục tiêu 40.000 đồng/cổ phiếu. Giá cổ phiếu CTD đã có mức điều chỉnh đáng kể hơn 50% trong 3 tháng gần đây, hiện đang giao dịch ở mức P/B dự phóng năm 2023 là 0,32, phần nào đã phản ảnh triển vọng khó khăn của ngành xây dựng trong thời gian tới.
Mặc dù định giá đang ở mức tương đối hấp dẫn, tuy nhiên triển vọng của ngành xây dựng nói chung và CTD nói riêng đang chưa rõ ràng. Do vậy, các hoạt động giao dịch ngắn trung hạn cần quản lý rủi ro chặt chẽ.
Giá thuê giàn tăng vọt do nhu cầu mạnh mẽ. Theo S&P Global, giá cho thuê giàn khoan tự nâng ở Đông Nam Á đã tăng lên mức 110 nghìn USD mỗi ngày (tăng 22% so với tháng trước / tăng 57% so với cùng kỳ). Hiệu suất sử dụng giàn khoan JU trong khu vực đã đạt 90%, tăng từ mức 60% năm trước.
Trong lịch sử, giá cho thuê giàn khoan có xu hướng tăng cao khi hiệu suất sử dụng vượt quá 85%. Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (HoSE: PVD) cho biết bốn giàn khoan JU của họ có mức giá cho thuê tối thiểu là 75 nghìn USD/ngày, tăng 15-20% so với cùng kỳ. Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam kỳ vọng giá thuê giàn của PVD sẽ tăng dần lên mức bình quân trong khu vực.
Các giàn khoan gần như đã kín lịch đến năm 2023. Theo chia sẻ của PVD chia sẻ, tất cả các giàn khoan của công ty này đều được đã được ký kết hợp đồng với các khách hàng trong và ngoài nước đến năm 2023.
Giàn khoan TAD đang hoạt động tại Brunei theo hợp đồng dài hạn với Brunei Shell Oil. PVD II có hợp đồng 2 năm với Pertmina Hulu Engergi ONWJ (Indonesia). Các giàn khoan JU còn lại cũng sẽ khá bận rộn trong năm 2023, phù hợp với thị trường trong khu vực.
Về siêu dự án Block B Omon, Bộ Công Thương đã chỉ đạo PVN và EVN khởi công dự án 10 tỷ USD này. PVN sẽ làm việc với các nhà đầu tư thượng nguồn MOECO (Nhật Bản), PTTEP (Thái Lan) và PVEP (Việt Nam) để đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng (FID) vào tháng 6/2023, dự kiến sẽ có dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2026. Dự án này sẽ kích hoạt nhu cầu về dịch vụ khoan nếu được triển khai.
Doanh thu 9 tháng năm 2022 của PVD tăng 47,4%so với cùng kỳ lên 3,9 nghìn tỷ đồng nhưng PVD lỗ ròng 150 tỷ đồng, chủ yếu do biên lợi nhuận gộp giảm 90 điểm cơ bản xuống còn 8% và chi phí tài chính tăng cao (chiếm 140 tỷ đồng so với 8,1 tỷ đồng trong 9T21) chủ yếu là do trích lập dự phòng ngoại tệ phi tiền mặt (chiếm 109 tỷ đồng) đối với khoản nợ bằng USD của PVD khi VND giảm 4,4% trong 9 tháng năm 2022.
Khoản nợ USD đã được phòng ngừa rủi ro một cách tự nhiên bằng khoản doanh thu USD nên vấn đề ngoại tệ không phải là một mối bận tâm lớn. Trong mọi trường hợp, VND đã tăng 1,1% tính từ đầu quý đến nay, do đó PVD có thể ghi nhận hoàn nhập một phần dự phòng tỷ giá trong quý IV/2022.
Yuanta khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PVD, giá mục tiêu 26.160 đồng/cổ phiếu.
(VNF) - Dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng, nhà ở cao cấp tại lô đất K8HH1 thuộc khu đô thị Starlake dự kiến sẽ bổ sung lượng nguồn cung lớn cho thị trường Hà Nội trong năm 2025.