Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (9/11): DPM, MSB và FMC

Tân Mai - 09/11/2021 07:15 (GMT+7)

(VNF) - Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị đối với một số cổ phiếu trước phiên giao dịch ngày 9/11, bao gồm DPM, MSB và FMC.

VNF
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (9/11): DPM, MSB và FMC

SSI: Khuyến nghị khả quan dành cho DPM

Mới đây, Công ty Chứng khoán SSI (SSI) đã điều chỉnh khuyến nghị đối với Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (HoSE: DPM) từ trung lập lên khả quan, đồng thời tăng giá mục tiêu 1 năm lên 55.000 đồng/cổ phiếu (từ 42.200 đồng/cổ phiếu), tương ứng tổng mức sinh lời 14%, bao gồm 5% tỷ suất cổ tức. SSI cũng cho rằng nhà đầu tư có thể nắm bắt cơ hội tích lũy cổ phiếu này khi giá điều chỉnh trong ngắn hạn.

Động thái này của SSI dựa trên kết quả kinh doanh quý III khởi sắc của DPM, với lợi nhuận trước thuế tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 630 tỷ đồng), vượt xa ước tính của SSI dành cho nửa cuối năm 2021. Động lực tăng trưởng của DPM tới từ sự thăng hoa của giá urea, ước tính giá bán trung bình quý III đã tăng 76% cùng kỳ lên 10.679 đồng/kg.

Chính vì vậy, SSI cũng điều chỉnh tăng 40% và 42% dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2021 và 2022 của DPM lên tương ứng là 2.900 tỷ đồng (tăng 246% cùng kỳ) và 2.700 tỷ đồng (giảm 6% cùng kỳ).

SSI giả định giá urea có thể đạt đỉnh trong quý IV/2021 do Trung Quốc tiếp tục thắt chặt nguồn cung mặt hàng này. Nhờ đó DPM có thể mang vể 1.144 tỷ đồng ở quý cuối năm nay, tăng 763% so với quý IV/2020.

Đồng thời giá urea bình quân nửa đầu năm 2022 nhiều khả năng sẽ cao hơn cùng kỳ năm 2021, qua đó hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận giai đoạn này lên 68% so với  cùng kỳ. DPM cũng chia sẻ giá cước vận chuyển 2022 có thể không đổi so với 2021 do doanh nghiệp đã chốt đủ sản lượng khí từ các mỏ có chi phí thấp. Do đó, SSI không còn quan ngại về khả năng giá cước vận chuyển tăng.

MBS: Khuyến nghị mua MSB với giá mục tiêu 32.400 đồng/cổ phiếu

Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (HoSE: MSB) vừa ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ trong 9 tháng đầu năm 2021. Theo đó, thu nhập lãi thuần gộp chung 3 quý năm nay tăng trưởng 37,6% so với cùng kỳ năm ngoái; thu nhập ngoài lãi tăng 107% với động lực chính đến từ khoản thu phí bancasurannce tử Prudential diễn ra trong quý II.

Bên cạnh đó, khoản thu nhập hoạt động dịch vụ cũng tăng gấp 5 lần so với 9 tháng đầu năm 2020. Kết quả là MSB thu về hơn 3.200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt 26% so với kế hoạch đã đặt ra.

Ngoài kết quả kinh doanh ấn tượng, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết ngân hàng cũng đã cải thiện được chất lượng tài sản trong 3 quý năm 2021. Kết thúc quý III, tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ so với quý liền kề, ở mức 1,95%. Tuy nhiên, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 6 điểm cơ bản (0,06%) so với quý II cùng năm.

Thêm vào đó, tỷ lệ CASA của MSB được duy trì trên 20% trong nhiều năm. Trong quý III, tỷ lệ CASA tăng lên 30%, tăng 253 điểm cơ bản so với quý liền trước và 713 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, ngân hàng vừa thông qua phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho năm 2021. Theo đó, vốn điều lệ của MSB sẽ được tăng vượt mốc 15.000 tỷ đồng nhờ tăng hơn 3.000 tỷ đồng trong năm nay. MBS cho rằng, nguồn vốn tăng thêm được tin rằng sẽ giúp ngân hàng quản trị rủi ro cũng như tạo tiền đề cho sự phát triển vững chắc sau này.

Dù vậy, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của MSB hiện tại vẫn thấp hơn nhiều ngân hàng. Mặt khác, chi phí dự phòng được dự báo trong các quý kế tiếp có khả năng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của MSB.

MBS ước tính lợi nhuận sau thuế của MSB ở mức 4.000 tỷ đồng, cao gấp đôi so với thực hiện năm ngoái. Công ty chứng khoán này định giá MSB đạt giá mục tiêu là 32.400 đồng/cổ phiếu, dự phóng kết hợp 2 phương pháp định giá RI và so sánh P/B của các ngân hàng ở Việt Nam và những ngân hàng thương mại cổ phần khác có vốn hoá thị trường lớn và ROEA năm 2021 tương đương. So với giá đóng cửa phiên 8/11, mức giá mục tiêu này cao hơn gần 29%.

AGR: Khuyến nghị tăng tỷ trọng dành cho FMC

Kết thúc quý III, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) báo cáo doanh thu đạt 1.625 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái; do các chi phí vận chuyển và chi phí phòng chống dịch gia tăng, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 63,6 tỷ đồng, thấp hơn 9,5% so với quý III/2020.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của FMC lần lượt đạt 3.759 tỷ đồng và 176,5 tỷ đồng, tăng 17% và 7,2% so với cùng kỳ.

Trong báo cáo mới nhất, Công ty Chứng khoán Agribank (AGR) cho rằng giai đoạn khó khăn nhất của FMC đã qua đi, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu thủy sản có thể phục hồi hoàn toàn năng lực sản xuất từ giữa tháng 9 khi dịch bệnh dần được kiểm soát với tỷ lệ tiêm vaccine tăng cao.

Bên cạnh đó, từ đầu tháng 10, cước vận tải biển đã cho thấy xu thế hạ nhiệt với chỉ số BDI giảm 50% - điều này sẽ giúp FMC tiết giảm được chi phí trong quý cuối năm 2021. Trong khi đó, nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khi nền kinh tế mở cửa mạnh mẽ.

Cụ thể, hiệp định RCEP được kỳ vọng thông qua và bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2022 sẽ mở ra thêm những thị trường xuất khẩu tiềm năng cho FMC như Úc hay NewZealand.

Trong năm 2021, FMC đã nâng diện tích vùng nuôi từ 270ha lên 370ha. 2 nhà máy mới gồm nhà máy thủy sản Sao Ta (công suất 15.000 tấn/năm); nhà máy chế biến tôm Tam An (công suất 5.000 tấn/năm) đang được triển khai đúng tiến độ và kỳ vọng vận hành từ quý II/2022, qua đó nâng tổng công suất thêm 20.000 tấn/năm, tăng khoảng 70% năng lực hiện tại.

Mới đây, Công ty Cổ phần CP Việt Nam đã mua 16,56% cổ phần FMC và vẫn đang tiếp tục đăng ký mua thêm 6,5 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu tại đây lên 24,9%. Sự đầu tư chiến lược của CP Việt Nam, "ông lớn" trong ngành thức ăn chăn nuôi sẽ giúp FMC hoàn thiện được chuỗi giá trị, tự chủ được đầu vào khi mà chi phí thức ăn chăn nuôi luôn chiếm tỷ trọng lớn.

Với dự báo lợi nhuận sua thuế tăng trưởng 30% vào năm tới, FMC đang giao dịch với P/E dự phóng khoảng 9,5 lần, là mức hấp dẫn so với thị trường. AGR đưa ra mức giá mục tiêu 65.000 đồng/cổ phiếu dành cho FMC (triển vọng tăng 20,5%) để phản ánh kỳ vọng tăng trưởng trong năm 2022, đồng thời khuyến nghị tăng tỷ trọng với cổ phiếu này.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.