Cổ phiếu ngân hàng không có sóng: Khi 'vua' cũng bị né tránh

Minh Dũng - 17/11/2023 13:52 (GMT+7)

(VNF) - Tín dụng tăng chậm, nợ xấu gia tăng khiến cổ phiếu ngân hàng giảm sức hút. Tuy vậy, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn được đánh giá đầy triển vọng, sẽ mang tới “trái ngọt” cho nhà đầu tư.

VNF

Cổ phiếu ngân hàng giảm sức hút 

Từng được mệnh danh là cổ phiếu "vua" vì vốn hóa lớn nhất thị trường, được các nhà đầu tư rất yêu thích. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng gần như không tạo đợt "sóng" nào rõ ràng, ngoại trừ một vài mã có câu chuyện cụ thể. Thậm chí, một số nhân viên môi giới chứng khoán còn khuyên khách hàng của mình nên "né" cổ phiếu ngân hàng vì mức sinh lời rất thấp.

Anh Hoàng Ngọc (một nhà đầu tư ở Hà Nội) cho biết giai đoạn 2020 - 2022, anh đầu tư chủ yếu vào cổ phiếu ngân hàng vì khả năng sinh lời lớn. Nhưng từ đầu năm đến nay, anh không mua hoặc nắm giữ mã cổ phiếu ngân hàng nào. Bởi anh thấy ngay cả giai đoạn VN-Index tăng mạnh từ cuối tháng 5 đến nửa cuối tháng 9, nhiều cổ phiếu ngân hàng vẫn phục hồi rất chậm. 

Anh Ngọc nhận định, từ đầu năm nay, ngành ngân hàng liên tục giảm lãi suất huy động và cho vay để hỗ trợ nền kinh tế, trong khi nợ xấu lại tăng nhanh. Vì vậy, bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng năm nay và cả năm tới sẽ khá ảm đạm.

Một số nhà đầu tư khác cho biết họ không có ý định mua mới hoặc nắm giữ cổ phiếu ngân hàng vì  hiện nay có nhiều mã tiềm năng hơn.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng là một trong những “trụ cột” của thị trường chứng khoán. Song hiện nay nhóm này lại yếu thế hơn hẳn so với mức hồi phục của nhóm bất động sản và chứng khoán.

Cổ phiếu ngân hàng gần đây thiếu vắng dòng tiền, kém sức hút với giới đầu tư trong bối cảnh lãi suất giảm, nợ xấu gia tăng...

Tính đến 30/09/2023, tổng nợ xấu tại 28 ngân hàng thương mại là gần 210.238 tỷ đồng, tăng 52% so với đầu năm. Hầu hết ngân hàng đều tăng mạnh các khoản nợ nghi ngờ, nợ dưới tiêu chuẩn dù đã được cơ cấu lại nợ, giãn hoãn nợ theo Thông tư số 02.

Trả lời câu hỏi vì sao nhà đầu tư thờ ơ với cổ phiếu ngân hàng, nhiều nhà phân tích cho rằng nợ xấu gia tăng cho thấy triển vọng lợi nhuận của nhiều ngân hàng chưa thật sự tích cực. Điều này đang trở thành một hạn chế làm giảm sự hấp dẫn của cổ phiếu ngân hàng trong mắt nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại.

Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI), nhận định, mức định giá thấp hơn trung bình của các cổ phiếu ngân hàng ngoài yếu tố diễn biến chung của thị trường chứng khoán còn do tác động của yếu tố vĩ mô không thực sự thuận lợi và rủi ro của ngành ngân hàng có xu hướng gia tăng gần đây. Chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng nhìn chung đang suy giảm khi nợ xấu gia tăng và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của các ngân hàng thương mại niêm yết trong 9 tháng đầu năm 2023 đã tăng nhưng tỷ lệ bao phủ nợ xấu vẫn đồng loạt suy giảm. Mức định giá hiện tại phản ánh thái độ thận trọng của thị trường dành cho nhóm cổ phiếu này.

Còn theo ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phân tích của CTCK MayBank Kim Eng (MBKE), định giá ngành ngân hàng nội đi xuống kể từ nửa cuối năm 2022 đến từ sự lo ngại của nhiều nhà đầu tư cá nhân về rủi ro nợ xấu do Covid-19 và hiện tại là sự bất ổn của thị trường bất động sản.

Một số chuyên gia gia cho rằng nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng chậm kéo theo nhu cầu tín dụng yếu, thị trường bất động sản ảm đạm khiến nợ xấu và chi phí dự phòng của hệ thống ngân hàng liên quan tới tín dụng bất động sản tăng cao… là các yếu tố khiến nhà đầu tư e dè đối với nhóm cổ phiếu này.



Triển vọng cho các nhà đầu tư dài hạn

Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng luôn đóng vai trò quan trọng trong các diễn biến của chỉ số VN-Index khi chiếm lượng lớn tổng vốn hóa toàn thị trường.

Mức vốn hóa của nhóm cổ phiếu ngân hàng trên 2 sàn HOSE và HNX tính đến ngày 7/11 khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, chiếm 37% vốn hóa toàn thị trường. Thanh khoản nhóm ngành ngân hàng với giá trị giao dịch bình quân trong 6 tháng vừa qua chiếm khoảng 18% so với thanh khoản chung.

Cổ phiếu ngân hàng đã góp phần quan trọng kéo chỉ số VN-Index đi lên trong mấy phiên gần đây. Nhưng để tạo ra một xu hướng tăng bền vững sẽ cần thời gian để các ngân hàng xử lý nhiều vấn đề nội tại, trong đó có nợ xấu.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, ngân hàng vẫn là nhóm cổ phiếu ưa thích để đầu tư dài hạn. Nhóm ngành ngân hàng sẽ khởi sắc trở lại vào năm 2024 khi chính sách thắt chặt tiền tệ trên thế giới đi vào giai đoạn cuối, xu hướng giảm lãi suất toàn cầu sẽ kích thích làn sóng sản xuất và tiêu dùng mới, từ đó nhu cầu vốn của nền kinh tế nói chung sẽ khởi sắc hơn.

Khi chất lượng tài sản ngân hàng được cải thiện, cổ phiếu ngân hàng sẽ sớm tìm lại hào quang. Về lâu dài, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn đầy triển vọng, sẽ mang tới “trái ngọt” cho nhà đầu tư.

TS. Nguyễn Duy Phương - Giám đốc khối đầu tư chứng khoán DG Capital, lĩnh vực ngân hàng đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là tín dụng tăng trưởng chậm và nợ xấu phình to. Song các giải pháp gần đây của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản, khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế sẽ đem lại những kết quả tích cực, giúp giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng.

Cùng với đó, các ngân hàng đã chủ động hơn trong kiểm soát rủi ro, trích lập dự phòng nợ xấu và làm dày “bộ đệm” vốn để ứng phó tốt hơn với những cú sốc của nền kinh tế. Hơn nữa, định giá cổ phiếu các ngân hàng Việt vẫn được các nhà đầu tư ngoại đánh giá đang về mức hấp dẫn so với 5 năm trở lại đây. Do vậy, đầu tư vào nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn rất tiềm năng.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán VDSC cho rằng, với kịch bản phần lớn hoạt động kinh tế sẽ hồi phục từ cuối năm 2023 và khả quan trong năm 2024, cổ phiếu ngân hàng có dư địa tăng trưởng về giá ở mức P/B hiện tại. Định giá ngành ngân hàng đã phục hồi tương đối sau khi có hướng tháo gỡ cho các nút thắt về trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.

Mức P/B hiện nay của ngành ngân hàng tương đương giai đoạn 2016-2017, khi thị trường bất động sản bắt đầu khởi sắc sau giai đoạn dài trầm lắng. Vì vậy, VDSC kỳ vọng, các hoạt động kinh tế sẽ phục hồi rõ rệt hơn, giúp nhóm cổ phiếu ngân hàng được tái định giá lên mặt bằng cao hơn.

Đồng quan điểm, Chứng khoán KBSV nhìn nhận, với những tiềm năng tăng trưởng dài hạn của ngành, cổ phiếu ngân hàng nên được tái định giá ở mặt bằng cao hơn. Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục tích luỹ dài hạn đối với nhóm cổ phiếu này khi thị trường xuất hiện nhịp điều chỉnh, giúp giá cổ phiếu ngân hàng có mức chiết khấu sâu hơn.

Theo đánh giá của ông Vicente Nguyen, Giám đốc Đầu tư Quỹ AFC Vietnam Fund, các cổ phiếu ngân hàng đang được định giá ở mức rất rẻ. Đây là cơ hội cho những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn.

Cùng chuyên mục
Tin khác