Cổ phiếu TVS và thực hư hưởng lợi từ 'cơn sốt' công nghệ

Thanh Long - 13/06/2024 09:19 (GMT+7)

(VNF) - Câu chuyện “vườn ươm công nghệ” của TVS đã trở nên khá cũ, được giới đầu tư đề cập đến nhiều năm trước đây. Thậm chí hiện nay còn đang là thời kỳ “mùa đông” của các công ty fintech Việt Nam bởi gặp phải các rào cản pháp lý.

Kể từ đầu tháng 6, cổ phiếu TVS của Công ty Cổ phần Chứng khoán Thiên Việt (TVS) bất ngờ bứt tốc trong bối cảnh các cổ phiếu ngành chứng khoán khác diễn biến khá ảm đạm. Theo đó, trải qua 7 phiên giao dịch đầu tháng, thị giá TVS ghi nhận tới 6 phiên tăng điểm (trong đó có 2 phiên tăng kịch trần), phiên còn lại đứng giá tham chiếu. Mức tăng tổng cộng lên tới 27%, từ 20.450 đồng/cổ phiếu mở phiên đầu tháng lên 26.000 đồng/cổ phiếu kết phiên 11/6.

Trong khi đó, cùng khoảng thời gian, các cổ phiếu ngành chứng khoán khác như SSI chỉ tăng 3%, HCM tăng 2%, VCI tăng 7%, FTS tăng 4%...

Đâu là động lực cho đà tăng giá mạnh mẽ của TVS? Động lực lớn nhất đang được cho là bởi cơn sốt công nghệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Từ đầu năm tới nay, công nghệ là nhóm ngành tăng giá mạnh bậc nhất trên thị trường, nhờ giới đầu tư đặt kỳ vọng với việc các công ty công nghệ nắm bắt và tận dụng được xu hướng phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).

Nhiều năm nay, TVS được ví như một “vườn ươm công nghệ” khi ngoài việc kinh doanh trên thị trường chứng khoán, công ty này đã đầu tư vào nhiều công ty fintech mà trong đó tiêu biểu là Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Service) - chủ sở hữu ví điện tử MoMo và Công ty Cổ phần Finhay.

TVS đang sở hữu lượng lớn cổ phần của "kỳ lân công nghệ" MoMo

Trong đó, khoản đầu tư của TVS vào chủ sở hữu ví điện tử MoMo có giá gốc chưa đến 28 tỷ đồng. Nếu tính theo mức định giá khoảng 2,27 tỷ USD hồi cuối năm 2021 (theo tờ Nikkei, ngân hàng Mizuho muốn đầu tư tối đa 170 triệu USD cho 7,5% cổ phần của MoMo) thì giá trị của khoản đầu tư của TVS vào MoMo lên đến gần 2.800 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng câu chuyện “vườn ươm công nghệ” của TVS đã trở nên khá cũ, được giới đầu tư đề cập đến nhiều năm trước đây. Thậm chí hiện nay còn đang là thời kỳ “mùa đông” của các công ty fintech Việt Nam bởi gặp phải các rào cản pháp lý. Câu chuyện này chỉ thực sự trở thành động lực chính dẫn dắt đà bứt tốc của TVS thời gian qua nếu như các thương vụ đầu tư của TVS có diễn biến mới, nếu không thì chỉ động lực này sẽ không đủ sức thuyết phục, do đó, động lực tăng giá của cổ phiếu TVS trong những phiên vừa qua có lẽ còn đến từ yếu tố quan trọng khác.

Hãy xem xét từ các yếu tố cơ bản nhất. Đầu tiên là kết quả kinh doanh. Quý I/2024, TVS ghi nhận lợi nhuận sau thuế 102 tỷ đồng. Mặc dù đây là con số tương đối tích cực nhưng chưa phải là đột biến. Xét trong 21 quý gần đây (giai đoạn quý I/2019 - quý I/2024), có 6 quý ghi nhận kết quả kinh doanh tốt hơn quý đầu năm nay. Các chỉ số khác như tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE), tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) của TVS nhìn chung cũng không cao so với trung bình ngành.

Nguồn dữ liệu: Báo cáo tài chính các quý của TVS

Đáng chú ý, mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính của TVS khá lớn. Cụ thể, nếu như cuối quý III/2023, tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu của TVS ở mức 127% thì tới cuối quý IV/2023, tỷ lệ này tăng vọt lên 214%. Sang đến cuối quý I/2024, tỷ lệ này vẫn giữ ở mức cao, đạt 193%, tức là nợ vay gần gấp đôi vốn chủ sở hữu.

Về định giá, hệ số P/B của TVB đang ở mức khoảng 2 lần, cao hơn so với trung vị toàn ngành.

Như vậy, tình hình tài chính, kinh doanh cũng như định giá của TVS không thực sự sáng sủa tới mức trở thành động lực tăng của giá cổ phiếu.

Trong bối cảnh không có sóng ngành chứng khoán, câu chuyện riêng của doanh nghiệp lại chưa đủ sức nặng, việc cổ phiếu TVS tăng mạnh trong thời gian qua có thể chỉ là “sự bù đắp” cho những lần “lỡ sóng” ngành trước đó. Thống kê cho thấy, kể từ đầu năm 2023 đến hết tháng 5/2024, cổ phiếu SSI đã tăng 43%, HCM tăng 56%, VCI tăng 36%, FTS tăng 123%... Trong khi đó, cùng khoảng thời gian, TVS thậm chí còn… giảm điểm.

Tựu trung, việc “đặt cược” vào cổ phiếu TVS không phải không hợp lý ở thời điểm hiện tại nhưng nếu “đặt cược” chỉ vì cơn sốt công nghệ thì có lẽ không thực sự hợp lý. Sẽ thuyết phục hơn nếu như lý do “đặt cược” là vì tin vào “sự bù đắp” trong khoảng thời gian dài đứng ngoài sóng chứng khoán hoặc có diễn biến mới trong các thương vụ đầu tư fintech của TVS.

Cùng chuyên mục
Tin khác