Công nghệ tuần qua: Bkav khởi kiện người 'đánh' Bphone, 1 người bị lừa 700 triệu vì cuộc gọi rác

Xuân Lam - 18/07/2020 07:44 (GMT+7)

(VNF) - CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng cho biết Bkav đã chính thức nộp đơn khởi kiện những người "đánh" Bphone; 1 nạn nhân đã bị cuộc gọi mạo danh lừa mất 700 triệu đồng, Vingroup tặng 1.000 máy thở "made in Việt Nam" cho Nga, Ukaraina và Singapore... là những tin túc công nghệ đáng chú ý trongtuần qua.

VNF
CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng.

Rộ cuộc gọi mạo danh, một trường hợp bị lừa mất 700 triệu đồng

Thông tin từ VNPT cho biết, hiện tình hình các cuộc gọi từ đầu số nước ngoài, cuộc gọi mạo danh công an, tòa án, quân đội, ngân hàng, bưu điện thông báo có quà bưu phẩm từ nước ngoài, thông báo nợ cước viễn thông... cũng như các cuộc gọi nháy máy từ các ứng dụng OTT, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng... đang diễn ra hết sức phức tạp.

VNPT đã tiếp nhận nhiều phản ánh của khách hàng về các cuộc gọi mạo danh lừa đảo, có nạn nhân đã bị cuộc gọi mạo danh lừa mất 700 triệu đồng.

Để bảo vệ khách hàng, tránh thiệt hại không mong muốn, VNPT đưa ra một vài kịch bản lừa đảo và cách phòng tránh giúp người dùng nhận biết.

Khi nhận được các cuộc gọi nhỡ từ các đầu số nước ngoài như Modova (+373), Tunisia (+216), Equatorial Guinea (+240), Burkina Faso (+226). Thực chất đây là các cuộc gọi nháy máy từ thuê bao nước ngoài đến thuê bao VinaPhone, bao gồm cả cuộc gọi nháy máy từ các ứng dụng OTT nhằm mục đích lôi kéo lừa đảo khách hàng gọi lại để phát sinh cước viễn thông ngoài ý muốn.

Đặc biệt các cuộc gọi này thường vào thời điểm buổi tối hoặc trong thời gian nửa đêm về sáng khi khách hàng còn ngái ngủ hoặc tưởng người thân gọi về Việt Nam có chuyện cần gấp.

Để tránh thiệt hại không đáng có, VNPT đưa một số dấu hiệu nhận biết cuộc gọi và tin nhắn lừa đảo như các cuộc gọi, tin nhắn quốc tế về sẽ hiển thị dấu cộng (+) hoặc hoặc 00 ở đầu. Hai số tiếp theo không phải là 84 (mã nước Việt Nam).

Bên cạnh đó, các cuộc gọi này xuất hiện hiện dưới dạng nháy máy hoặc có kết nối thời lượng rất ngắn có nội dung thông báo yêu cầu khách hàng gọi lại. Với tin nhắn cũng sẽ có nội dung yêu cầu gọi lại.

VNPT khuyến cáo người dùng không thực hiện gọi lại những số máy xuất hiện ở những cuộc gọi nhỡ, gọi đến, tin nhắn có dấu hiện như trên. Chỉ nên gọi đi quốc tế khi biết chắc chắn đó là số điện thoại của người thân ở nước ngoài.

Một số ứng dụng có tính năng thực hiện cuộc gọi thông thường có thông báo mời khách hàng lựa chọn giữa cuộc gọi có tính phí và cuộc gọi không tính phí. Do vậy khi thực hiện cuộc gọi bằng các ứng dụng này, người dùng cần kiểm tra kỹ hình thức thực hiện cuộc gọi đang sử dụng, tránh phát sinh cước ngoài ý muốn.

Một hình thức lừa đảo nữa được VNPT chỉ ra là mạo danh các cơ quan nhằm chiếm đoạt tài sản. Kịch bản quen thuộc của tội phạm đó là gọi điện nhắn tin mạo danh công an, viện kiểm sát "dọa" nạn nhân liên quan đến vụ án ma túy yêu cầu nạn nhân cung cấp tài khoản, mật khẩu để phục vụ công tác điều tra.

Một số trường hợp cuộc gọi, tin nhắn thông báo có quà từ nước ngoài nên yêu cầu người nhận chuyển khoản tiền phí mới nhận được quà. (Xem thêm)

Vingroup tặng 1.000 máy thở 'made in Việt Nam' cho Nga, Ukaraina và Singapore

Thông qua các đại sứ quán tại Việt Nam, Tập đoàn Vingroup đã tiến hành trao tặng đợt đầu gồm 500 máy thở Vsmart VFS-510 cho Cộng hòa Liên bang Nga và 300 máy cho Ucraina. Số lượng 1.600 máy thở Vsmart VFS-410 còn lại theo cam kết đã ký với 2 nước sẽ được Vingroup bàn giao đợt 2 trước ngày 30/8/2020.

Vingroup cũng đã hoàn tất trao tặng 200 máy thở VFS-510 cho Đại sứ quán Singapore tại Việt Nam nhằm góp phần hỗ trợ nước bạn vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại. 

Ngay sau khi nhận bàn giao, đại sứ quán các nước đã lên kế hoạch vận chuyển máy thở về nước, đáp ứng kịp thời nhu cầu điều trị dịch bệnh Covid – 19 đang diễn biến phức tạp.

Máy thở Vsmart VFS-510 đã được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép lưu hành, đáp ứng kịp thời nhu cầu điều trị bệnh nhân nặng, đặc biệt trong dịch bệnh COVID-19 tại các cơ sở y tế. 

Bkav chính thức nộp đơn khởi kiện những người 'đánh' Bphone

Trên trang Facebook cá nhân, ông Nguyễn Tử Quảng cho biết vừa nhận được thông tin các bài viết trên một số tờ báo và mạng xã hội về việc nhiều thông tin ông Quảng cung cấp bị bóp méo, cắt cúp, làm sai nội dung...

Cụ thể, ông Quảng nói về thông tin mới đây do ông chia sẻ rằng: "Đội kỹ sư và quản lý của Qualcomm Việt Nam hoàn toàn là người Việt. Hơn nữa, những kỹ sư đầu tiên ở đây là do Bkav đào tạo. Có thể nói không có Qualcomm thì không có Bphone và không có Bphone thì không có Qualcomm Việt Nam lớn mạnh như ngày hôm nay".

Tuy nhiên, một số trang mạng xã hội đã trích dẫn chưa đầy đủ ý của ông Quảng và giật title: "Không có Bphone thì không có Qualcomm Việt Nam lớn mạnh như ngày hôm nay".

Ông Quảng cho rằng cách giật title này là cắt cúp, làm sai bản chất nội dung, cố ý bóp méo sự thật.

"Có vẻ họ chủ ý để tạo ra cảm giác tôi nổ. Xin lỗi tôi nổ là nổ thật, có trước có sau dựa trên thực tế chứ không nổ thô thiển như vậy đâu", ông Quảng chia sẻ.

Ông Quảng dẫn lại nội dung đã từng chia sẻ trước đó về việc Bkav theo dõi và phát hiện đối thủ sử dụng truyền thông gián tiếp thông qua cách đưa tin thông thường về Bphone, nhưng đã thay đổi câu chữ để làm sai lệch bản chất nội dung các phát biểu của Bkav và của ông Quảng. Sau đó, các đối tượng này sử dụng các nội dung đã bị bóp méo đó để truyền thông trực tiếp qua các trang cộng đồng, làm như vậy nhiều lần, nội dung sai sẽ trở thành thật.

Trước vấn đề này, ông Quảng tuyên bố: "Bkav đã chính thức nộp đơn khởi kiện". (Xem thêm)

Trước đó, trên trang Facebook cá nhân, ông Nguyễn Tử Quảng cho biết Việt Nam là 1 trong 10 nước trên thế giới có thể chủ động sản xuất smartphone, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Tập đoàn công nghệ Qualcomm đánh giá Việt Nam hội đủ điều kiện xây dựng ngành smartphone cho riêng mình.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm trụ sở Viettel

Ngày 16/7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có buổi làm việc tại Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) về tình hình sản xuất kinh doanh cũng như chiến lược phát triển của tập đoàn.

Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội về những thành tựu của Viettel, thiếu tướng Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel, cho biết năm 2019, doanh thu tập đoàn đạt 251,5 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 4.700 lần so với năm 2000 (54 tỷ đồng); lợi nhuận trước thuế đạt 39,4 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng hơn 27.000 lần so với năm 2000 (1,4 tỷ đồng); nộp ngân sách nhà nước đạt 38 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 9.300 lần so với năm 2000.

Trong nhiệm kỳ 5 năm từ 2015-2020, Viettel đã tạo ra 1.230 nghìn tỷ doanh thu; 200 nghìn tỷ lợi nhuận và đóng góp 195 nghìn tỷ cho ngân sách Nhà nước. Viettel là thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, đứng số 1 tại Đông Nam Á, thứ 9 tại Châu Á và thứ 28/150 nhà mạng có giá trị lớn nhất thế giới với giá trị thương hiệu đạt 5,8 tỷ USD...

Đánh giá cao những thành tựu mà Viettel đã đạt được, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh đây là thương hiệu của Việt Nam không chỉ trong nước mà đi ra thế giới, là mũi nhọn kinh tế.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Viettel cần tiếp tục giữ vững vị trí số 1 về viễn thông tại Việt Nam, có vị trí cao trong khu vực Đông Nam Á và nâng hạng ở châu Á.

Bên cạnh đó, Viettel cần tiếp tục chú trọng hoạt động nghiên cứu sản xuất và trở thành hạt nhân cho tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, đặt nền móng cho việc nước ta có thể làm chủ trang bị, vũ khí công nghệ cao, tự chủ việc sản xuất các trang bị, thiết bị này, tiếp tục nâng cao chất lượng, tính năng của các sản phẩm do Viettel chế tạo, phù hợp với khả năng tác chiến của Quân đội để củng cố sức mạnh quân sự, bảo vệ đất nước.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng yêu cầu Viettel cần tiếp tục phát huy vai trò tiên phong kiến tạo cuộc sống số và xã hội số tại Việt Nam, xây dựng Việt Nam có nền kinh tế số, quản trị đất nước xã hội bằng công nghệ số. (Xem thêm)

Cùng chuyên mục
Tin khác