Công nghệ tuần qua: Xôn xao chuyện CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng gọi vốn trên Facebook
Ái Nhi -
20/11/2022 08:48 (GMT+7)
(VNF) - Ông Nguyễn Tử Quảng gọi vốn người dùng đầu tư vào Bkav, thêm một 'ông lớn' công nghệ Hàn Quốc muốn xây trung tâm R&D tại Việt Nam, TikTok bị xem là mối đe dọa an ninh quốc gia... là những tin tức công nghệ đáng chú ý trong tuần qua.
Samsung cắt giảm sản lượng smartphone sản xuất tại Việt Nam
Theo các phương tiện truyền thông Hàn Quốc, Samsung sẽ giảm sản lượng điện thoại thông minh xuống khoảng 13% trong năm 2023, tương đương khoảng 30 triệu đơn đặt hàng, chủ yếu là các mẫu tầm trung và cấp thấp, do doanh số bán smartphone sụt giảm trên toàn cầu.
Trong đó, tỷ lệ sản xuất điện thoại thông minh tại nhà máy ở Việt Nam, hiện đang chiếm 50% sản lượng toàn tập đoàn trong năm nay, sẽ giảm xuống còn 40% vào năm 2023, dù hãng vẫn tuyên bố Việt Nam là cứ điểm sản xuất toàn cầu của mình.
Chi phí lao động tăng cao tại Việt Nam và sự suy giảm của thị trường tiêu dùng toàn cầu được coi là những nguyên nhân chính đằng sau động thái gần đây của Samsung.
Tập đoàn này cũng viện dẫn các lý do khác như để ứng phó kịp thời với tình hình dịch bệnh, đề phòng trường hợp có nhà máy đóng cửa, kịp xoay sở khi tăng công suất ở nơi khác bù vào hay chuẩn bị kịch bản cho các diễn biến suy thoái của nền kinh tế toàn cầu. (Xem thêm)
TikTok bị xem là mối đe dọa an ninh quốc gia
Ngày 15/11, Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray cho biết cơ quan này "đặc biệt quan ngại" về ảnh hưởng của TikTok đối với người dùng Mỹ.
“Chúng tôi có các quan ngại về an ninh quốc gia đối với TikTok. Điều này bao gồm khả năng ứng dụng có thể được sử dụng để thu thập dữ liệu của hàng triệu người dùng, cũng như các thuật toán có khả năng được sử dụng trong những hoạt động gây ảnh hưởng, hoặc cơ hội xâm nhập thiết bị cá nhân,” giám đốc FBI Christopher Wray nói trong cuộc điều trần trước Ủy ban An ninh nội địa Hạ viện liên quan các mối đe dọa toàn cầu.
Nhận xét của người đứng đầu FBI phản ánh đánh giá của các quan chức trong chính phủ về khả năng bảo vệ thông tin người dùng tại Mỹ của nền tảng chia sẻ video nguồn gốc Trung Quốc.
Cùng trong phiên điều trần của Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện, đại diện Đảng Cộng hòa, bà Diana Harshbarger tuyên bố rằng TikTok “được thiết kế để câu kéo trẻ em Mỹ” trên mạng xã hội.
Bà Harshbarger trích dẫn các báo cáo gần đây cho thấy Tiktok có kế hoạch giám sát những người dùng cụ thể “cho mục đích khảo sát từng công dân Mỹ".
Đáp lại, chính phủ Trung Quốc đã tố cáo Washington “lan truyền thông tin sai lệch”. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning cho rằng Washington chỉ đang tìm cách làm mất uy tín của một công ty lớn của Trung Quốc đang cạnh tranh với những gã khổng lồ truyền thông xã hội phương Tây. (Xem thêm)
Doanh thu chuyển đổi số của FPT sắp cán mốc 6.000 tỷ đồng
FPT cho biết doanh thu và lợi nhuận trước thuế trong 10 tháng năm 2022 của doanh nghiệp này đã đạt mức 35.105 tỷ đồng và 6.456 tỷ đồng, tăng 24,4% và 24% so với cùng kỳ.
Về cơ cấu doanh thu, khối công nghệ, bao gồm dịch vụ công nghệ thông tin trong nước và dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài của FPT tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, đóng góp 57% doanh thu và 46% lợi nhuận trước thuế của tập đoàn, tương đương 20.047 tỷ đồng và 2.970 tỷ đồng.
Trong đó, mảng xuất khẩu phần mềm tiếp tục đà tăng trưởng với mức doanh thu 15.249 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 30%, đóng góp bởi sức tăng đến từ thị trường Mỹ (tăng 46%) và APAC (tăng 46,6%).
Thị trường Nhật Bản cũng chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ với mức tăng trưởng doanh thu theo đồng Yên đạt 26,4%. Khối lượng đơn hàng ký mới tại thị trường nước ngoài của FPT đạt mức 18.266 tỷ đồng, tăng trưởng 40,5%.
Khối viễn thông đóng góp 34% vào tổng doanh thu 10 tháng của FPT, tương đương 12.064 tỷ đồng, tăng hơn 16%. Lợi nhuận trước thuế khối này đạt 2.353 tỷ đồng, tăng 18,4%.
Trong khi đó, mảng giáo dục, đầu tư và khác ghi nhận tăng trưởng doanh thu hơn 80% lên 2.994 tỷ đồng và chiếm 9% tổng doanh thu của tập đoàn. 10 tháng, mảng này lãi trước thuế 1.133 tỷ đồng, tăng hơn 32%.
Doanh thu dịch vụ chuyển đổi số trong 10 tháng của FPT cũng đạt 5.925 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ; tập trung vào các công nghệ mới như Cloud, AI/Data Analytics, Blockchain... (Xem thêm)
Thiếu tiền, CEO Bkav đi gọi vốn từ fan: Đầu tư 100 triệu, sau 3 năm thu về 230 triệu
CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng mới đây đã tiết lộ thông tin về việc kêu gọi các nhà đầu tư cá nhân tham gia hợp tác kinh doanh cùng doanh nghiệp này.
Theo đó, ông Quảng cho biết Bkav đã phát triển 2 mảng sản phẩm mới từ Bphone, gồm camera AI và dịch vụ phần cứng Bkav Hardware Solution (BHS) – công ty thành viên thuộc Bkav. Trong đó, BHS đã ký hợp tác với 2 nhà sản xuất chip là Qualcomm và MediaTek. Để phát triển mạnh hơn, Bkav dự định tách các mảng trên thành công ty hoạt động độc lập và cần bổ sung thêm vốn.
“Hiện Bkav đang có chương trình bổ sung vốn ưu đãi dành cho nhân viên tập đoàn. Qua trao đổi, được biết nhiều Bfans (người hâm mộ Bphone - PV) có mong muốn tham gia đầu tư. Do đó, chương trình được triển khai tương tự với các bạn là Bfans”, ông Quảng nói.
Theo đó, định mức đầu tư là 100 triệu đồng, theo hình thức ký hợp đồng hợp tác kinh doanh. Thời hạn của khoản đầu tư là 3 năm, lãi suất 10%/năm (trả lãi hàng tháng). Sau khi kết thúc thời hạn 3 năm, nhà đầu tư được nhận lại tiền gốc và thêm tiền mặt bằng số tiền gốc.
Ví dụ, nhà đầu tư góp 100 triệu đồng cho Bkav thực hiện kinh doanh. Mỗi năm, khách hàng sẽ nhận 10% của 100 triệu đồng là 10 triệu đồng. Số tiền được chia theo 12 tháng và chuyển trước ngày 10 tháng sau. Ngoài ra, đến hết 3 năm, nhà đầu tư nhận lại 100 triệu gốc và thêm 100 triệu đồng. Tổng cộng, người này nhận 230 triệu đồng sau 3 năm góp 100 triệu đồng cho Bkav. (Xem thêm)
Thêm một 'ông lớn' công nghệ Hàn Quốc muốn xây trung tâm R&D tại Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long mới đây đã có buổi tiếp ông Koo Gwan Young, Chủ tịch Tập đoàn ACE Technologies, Hàn Quốc.
Tập đoàn ACE Technologies được thành lập từ năm 1980 tại Hàn Quốc, hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển, sản xuất và kinh doanh sản phẩm điện tử viễn thông, với các sản phẩm chính là khối vô tuyến (RU, MMU), các thiết bị RF (anten, filter…) của trạm BTS và các hệ thống thiết bị viễn thông chuyên dụng, cung cấp cho các hãng thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới.
Tại buổi tiếp, lãnh đạo Tập đoàn ACE Technologies cho biết doanh nghiệp đã đầu tư vào Việt Nam từ năm 2015 bằng việc xây dựng cơ sở sản xuất tại khu công nghiệp Đồng Văn II (Duy Tiên, Hà Nam) với tổng vốn đầu tư 60 triệu USD, chuyên sản xuất trạm ăng ten không dây cho điện thoại thông minh và bộ lọc tần số vô tuyến (RF).
Lãnh đạo ACE Technologies cũng chia sẻ thông tin về định hướng, quá trình xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển của ACE tại Việt Nam trong thời gian tới. Việc phát triển sản xuất tại Việt Nam, sử dụng nguồn nhân lực kỹ thuật Việt Nam cũng là định hướng phát triển của ACE Technologies.
Trước đó, một tập đoàn công nghệ khác của Hàn Quốc đã triển khai việc xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam là Samsung. Vị trí của trung tâm này nằm tại khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội, với quy mô đầu tư khoảng 220 triệu USD với tổng diện tích xây dựng là 11.603m2 và diện tích sàn là 79.511m2. (Xem thêm)
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.