Công ty Đại Quang Minh nói gì về 4 tuyến đường ‘dát vàng’ tại Thủ Thiêm?
Lê Nguyễn -
09/05/2018 12:18 (GMT+7)
(VNF) - Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh cho biết chi phí đầu tư thực tế của 4 tuyến đường tại Khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2, TP. HCM) chỉ hơn 8.000 tỷ đồng chứ không phải 12.000 tỷ đồng như dư luận “nhầm tưởng”.
“Đường dát vàng” tại Thủ Thiêm: Hơn 1.000 tỷ đồng/km
Năm 2013, UBND TP. HCM ký với Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm) gồm: R1 (Đại lộ vòng cung), R2 (Đường ven hồ trung tâm), R3 (Đường ven sông Sài Gòn), R4 (đường vùng châu thổ, đường châu thổ, đường ven sông – khu dân cư).
Tổng chiều dài của 4 con đường là 11,9 km, chiều rộng cắt ngang từ 11,6m đến 55 m. Dự án bao gồm 10 cầu với tổng chiều dài khoảng 1,8 km. Thời gian tối đa để hoàn thiện dự án này là 36 tháng, kể từ ngày khởi công.
Tổng mức đầu tư của 4 con đường trên là hơn 12.000 tỷ đồng. Như vậy, tính trung bình mỗi km đường tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm có mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng!
Theo các chuyên gia giao thông, đây là mức giá quá cao, bởi ngay cả làm đường cao tốc 4 làn đường (20m ngang) mức đầu tư cũng không quá 200 tỷ đồng/km.
Thực hiện xây dựng 4 con đường này, Công ty Đại Quang Minh được UBND TP. HCM “đổi” cho 79ha đất thuộc phường Thủ Thiêm và phường An Lợi Đông (quận 2).
Như vậy, tính ra, Đại Quang Minh đã “mua” được đất Thủ Thiêm với giá chỉ 15 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá đất tại khu đô thị Sala ở Thủ Thiêm của Đại Quang Minh hiện đang dao động từ 200 - 350 triệu đồng/m2.
Dư luận đặt ra câu hỏi có hay không những khuất tất trong việc ký kết hợp đồng xây dựng 4 con đường này.
Đại Quang Minh: Chỉ có 36/79ha đất là đất ở và thương mại dịch vụ
Theo ông Nguyễn Hoàng Tuệ, Phó tổng giám đốc Công ty Đại Quang Minh, việc đầu tư xây dựng các con đường tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm ban đầu được UBND TP. HCM giao cho Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI).
Ban đầu, dự án chỉ có 3 tuyến đường, sau đó, UBND TP. HCM trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung thêm tuyến Vòng cung châu thổ nên dự án có 4 tuyến đường (như trên đã nêu).
Ông Tuệ cho biết năm 2010, UBND TP. HCM giao quyền đầu tư dự án cho VIDIF. Nhưng qua 2 năm triển khai VIDIFI không đáp ứng được nên đã kiến nghị hợp tác với Công ty Đại Quang Minh.
Ngày 7/12/2012, TP. HCM đã đồng ý để VIDIFI hợp tác đầu tư cùng Công ty Đại Quang Minh. Tuy nhiên đến ngày 27/5/2013, VIDIFI có công văn gửi UBND TPHCM xin rút khỏi liên doanh thực hiện dự án và được UBND TP. HCM chấp thuận đề xuất trên.
Như vậy tính đến giữa năm 2013, Công ty Đại Quang Minh là chủ đầu tư duy nhất của dự án 4 con đường tại Thủ Thiêm.
Trả lời về mức đầu tư 4 con đường quá cao (hơn 1.000 tỷ đồng/km), ông Tuệ khẳng định chi phí đầu tư thực tế của 4 tuyến đường chỉ hơn 8.000 tỷ đồng. Đến nay đã giải ngân khoảng 6.000 tỷ cho các đơn vị thi công.
“Chúng tôi không được nhận 3.900 tỷ đồng là các khoản chi phí trượt giá và chi phí lãi vay trong tổng mức 12.000 tỷ đồng. Hiện công ty đã nộp cho ngân sách UBND TP. HCM số tiền 2.400 tỷ đồng”, ông Tuệ cho biết.
Vị Phó tổng giám đốc của Công ty Đại Quang Minh cũng nhấn mạnh trong số 79 ha đất được “đổi”, chỉ có 36 ha là đất ở và thương mại dịch vụ, còn lại là đất công trình công cộng và giao thông.
Như vậy, thực chất không phải Đại Quang Minh đang mua đất với giá khoảng 15 triệu/m2 như dư luận hiểu mà chi phí thực tế bình quân giá đất khoảng 40 triệu đồng/m2 (không bao gồm chi phí đầu tư hạ tầng giao thông kết nối trong nội khu dân cư và chi phí tài chính).
Ông Tuệ cũng cho rằng xây dựng tuyến đường trên phù hợp với giá cả lúc đó bởi, khi thiết kế bản vẽ thi công cũng được cơ quan nhà nước chuyên ngành thẩm định và phê duyệt.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone