Nguyên Chủ tịch UBND TP. HCM lên tiếng về bản đồ Thủ Thiêm

Trung Hiếu - Đình Phú - 07/05/2018 07:59 (GMT+7)

Chiều 6/5, nguyên Chủ tịch UBND TP. HCM Võ Viết Thanh thông tin về tấm bản đồ gốc tỷ lệ 1/5.000 liên quan đến dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (gọi tắt là dự án Thủ Thiêm) mà dư luận hết sức quan tâm thời gian qua.

VNF
Bản đồ trung tâm thành phố mới Thủ Thiêm trong quy hoạch tổng thể TP. HCM mà ông Võ Viết Thanh đang giữ (ảnh Đình Nguyên)

Ông Võ Viết Thanh làm Phó chủ tịch UBND thành phố từ năm 1992 - 1995, Chủ tịch UBND thành phố từ 1996 - 2001. Ông cũng là lãnh đạo UBND thành phố trực tiếp báo cáo với Thủ tướng Võ Văn Kiệt về quy hoạch dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Sau đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký vào Quyết định 367 ngày 4/6/1996 về việc quy hoạch khu đô thị này.

Những bản đồ này vẫn còn rất nhiều?

Kể với Thanh Niên, ông Thanh cho biết: Khi trình bày với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông đều sử dụng đồ án cộng với 13 bản đồ liên quan tới quy hoạch Thủ Thiêm. Sau khi chấp thuận với trình bày của UBND thành phố, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký Quyết định 367 chứ không có chuyện vẽ thêm một bản đồ hay ký vào bản đồ gốc nào gửi cho UBND thành phố.

Theo ông Thanh, khi trình bày với Thủ tướng, ông sử dụng tới 13 bản đồ liên quan hiện trạng Thủ Thiêm. Đến nay tập hồ sơ: “Đồ án quy hoạch phát triển Khu trung tâm thành phố mới Thủ Thiêm TP. HCM - tháng 5/1995” vẫn được ông Thanh lưu giữ gồm 13 bản đồ: Tổng thể thành phố; Hiện trạng kiến trúc đất xây dựng và thoát nước; Hiện trạng giao thông - cấp điện; Hiện trạng cấp nước; Tổng thể mặt bằng; Sơ đồ phân khu chức năng; Quy hoạch giao thông; Bản đồ chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng; Sơ đồ quy hoạch cấp nước; Sơ đồ quy hoạch cáp điện; Sơ đồ quy hoạch thoát nước bẩn; Quy hoạch xây dựng đợt đầu (khu bắc); Quy hoạch chi tiết khu bắc Thủ Thiêm.

“Từ đề xuất và những tấm bản đồ trình bày đó, Thủ tướng Võ Văn Văn Kiệt mới giao nhiệm vụ quy hoạch sử dụng đất của dự án Thủ Thiên rộng 930 ha ra sao, nhằm vào những mục đích gì...”, ông Thanh nói và cho hay ông làm lãnh đạo UBND thành phố trải qua hai đời Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Phan Văn Khải. Trong thời gian này, ngoài dự án Thủ Thiêm, thành phố có rất nhiều dự án tương tự phải trình Thủ tướng phê duyệt, thì trình tự cũng làm như dự án Thủ Thiêm. Sau khi trình lên, trong trường hợp Thủ tướng không đồng ý hay cần phải chỉnh sửa thì Thủ tướng có văn bản ý kiến hay yêu cầu chỉnh sửa.

“Những anh em sau này không hiểu thủ tục hành chính thời đó hay không thạo quy trình thủ tục cứ nói không chính xác, thông tin hiếu kỳ làm cho người ta cứ đi tìm rồi hiểu sai câu chuyện. Bản đồ 1/5.000 được coi là gốc của dự án Thủ Thiêm hiện tôi vẫn giữ”, ông Thanh nói và cho hay sau khi quy hoạch 1/5.000 được duyệt, UBND thành phố làm quy hoạch 1/2.000 để tiến hành cắm mốc và báo với người dân nằm trong dự án, lý giải những thắc mắc mà người dân đặt ra.

Ông Thanh khẳng định lại bản đồ 1/5.000 mà ông trình bày với Thủ tướng trước khi Thủ tướng ra Quyết định 367 là bản đồ gốc. Hiện những bản đồ này vẫn còn rất nhiều ở sở ngành thành phố, vì đã làm nhiều bộ để lấy ý kiến sở ngành trước khi trình Thủ tướng.

Con em cán bộ có “nhảy vào” dự án hay không?

Ông Thanh cho biết sau khi về hưu thì cũng chưa có thời gian đối chiếu về sự thay đổi của dự án, nhưng nếu UBND thành phố muốn thay đổi quy hoạch, công năng hay tăng thêm diện tích đất xây dựng, so với quy hoạch được chấp thuận, chắc chắn phải xin phép Thủ tướng.

Về lý do người dân khiếu kiện kéo dài liên quan dự án, ông Thanh cho hay muốn tìm hiểu câu chuyện này thì phải hỏi bên Thanh tra Chính phủ chứ ông không thể trả lời. Tuy nhiên, thời ông làm lãnh đạo UBND thành phố chưa giải quyết tới khâu bồi thường cho người dân định cư hợp pháp ở Thủ Thiêm, lúc đó chỉ bắt đầu giải quyết phần đền bù để chống việc ở Thủ Thiêm mạnh ai nấy làm với mục đích xâu xé khu đô thị này. Đến năm 1995, UBND thành phố đã xuất tiền đền bù trên 300 ha trong tổng số 930 ha của toàn bộ dự án.

“Dự án Thủ Thiêm bây giờ theo tôi cần làm rõ những vấn đề như vầy: Có tình trạng cán bộ hay con em cán bộ nhảy vào dự án mua tới mua lui bán chênh lệch làm giàu không? Những công trình hạ tầng đổi đất ở dự án hay công trình tái định cư có qua đấu thầu hay chỉ định để làm lợi cho riêng mình? Đền bù của dự án có chèn ép người dân không? Hồi đó thành phố để 160 ha làm khu tái định cư giờ 160 ha này nằm ở đâu?”, ông Thanh nói và cho biết với những thông tin mà ông nắm được thì ở dự án Thủ Thiêm có nhiều công trình không thông qua đấu thầu. Trong đó việc lựa chọn nhà đầu tư xây dựng các dự án tái định cư chủ yếu dựa vào mối quan hệ “quen biết” không qua đấu thầu.

UBND thành phố sẽ rà soát

Trước những ý kiến trái chiều xung quanh bản đồ tỷ lệ 1/5.000 kèm Quyết định 367 của Thủ tướng năm 1996, một lãnh đạo Văn phòng UBND TP.HCM khẳng định: “Không bao giờ Thủ tướng ký trên bản đồ, từ trước đến hiện nay cũng vậy. Đọc kỹ Quyết định 367 sẽ thấy rất chung chung, chỉ nêu quy mô diện tích Thủ Thiêm 930 ha, không liên quan gì đến ranh đất. Nội dung Quyết định 367 chỉ giao UBND TP. HCM và Bộ Xây dựng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 để thực hiện thu hồi đất và triển khai dự án. Các cơ quan chức năng cũng đã có ý kiến chuyện này rồi. Tuy nhiên, TP. HCM vẫn tiếp tục rà soát và sẽ công bố công khai”.

Kết luận cuộc họp ngày 11/11/2017 về giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến dự án Thủ Thiêm, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ: “Bản đồ quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5.000 kèm theo Quyết định 367/QD-TTg ngày 4.6.1996 của Thủ tướng Chính phủ là văn bản pháp lý về quy hoạch dự án. Cho đến nay, các bộ ngành có liên quan và UBND TP. HCM không tìm thấy bản đồ trên”.

 

Theo Thanh Niên
Cùng chuyên mục
Tin khác