Tài chính quốc tế

Công ty Nhật xin lỗi về sự cố tàu mắc cạn khiến Kênh đào Suez tắc nghẽn

(VNF) - Shohei Kisen KK, công ty Nhật Bản quản lý “siêu tàu” chở hàng Ever Given mới bị mắc cạn làm tắc nghẽn giao thông ở cả hai hướng trên Kênh đào Suez, đã lên tiếng xin lỗi về sự cố hi hữu này.

Công ty Nhật xin lỗi về sự cố tàu mắc cạn khiến Kênh đào Suez tắc nghẽn

Tàu Ever Given bị mắc cạn tại Kênh đào Suez, Ai Cập từ ngày 23/3.

Trong thông báo đưa ra ngày 25/3, Shohei Kisen KK khẳng định không xảy ra tình trạng rò rỉ dầu, cũng không có thuyền viên nào bị thương sau sự cố.

“Mặc dù tình hình kết sức khó khăn nhưng công ty đang cố gắng làm hết sức mình để đưa con tàu thoát khỏi nơi mắc cạn”, thông cáo cho biết.

“Chúng tôi thành thật xin lỗi vì đã gây ra sự xáo động nghiêm trọng cho các tàu có kế hoạch đi lại trong khu vực, cũng như tất cả những ai liên quan đến việc điều hành giao thông trên Kênh đào Suez”, công ty vận tải Shohei Kisen KK nêu trong thông báo.

Trước đó, ngày 23/3, con tàu container Ever Given dài 400 mét với trọng lượng khoảng 244.000 đã bị vướng vào một trận gió mạnh và bão cát làm tầm nhìn bị giảm và hướng đi thay đổi khiến nó mắc kẹt, nằm chắn ngang kênh đào Suez (Ai Cập).

Đây là một trong những con tàu chở container lớn nhất thế giới. Những nỗ lực "giải cứu" con tàu này đến nay vẫn chưa có nhiều tiến triển khiến tuyến đường hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới bị tắc nghẽn nghiêm trọng.

Tờ Lloyd’s List ước tính lưu lượng hàng hóa đi qua kênh đào này theo hướng tây có trị giá khoảng 5,1 tỷ USD mỗi ngày và hướng đông là khoảng 4,5 tỷ USD. Tờ báo này cũng đưa tin hiện có khoảng 165 đến 185 tàu vận chuyển đang chờ để được "thoát" cảnh tắc nghẽn này.

Ngày 25/3, Cơ quan quản lý Kênh đào Suez (SCA) thông báo rằng hoạt động hàng hải trên Kênh đào Suez ở Ai Cập sẽ chỉ nối lại sau khi đưa được còn tàu mắc cạn lên.

Trong trường hợp tàu Ever Given còn mắc kẹt lâu, các tàu vận tải có thể buộc phải chuyển hướng đi vòng qua Vùng Sừng châu Phi, một bán đảo thuộc Đông Phi lấn ra biển Ả Rập vài trăm cây số, và điều này sẽ tăng thêm 7 đến 9 ngày cho một chuyến đi.

Theo các chuyên gia, việc Kênh đào Suez bị tắc nghẽn trong thời gian dài sẽ làm gián đoạn chuỗi thương mại, cũng như khiến giá dầu tăng từ 10% trở lên.

Công ty Nhật Bản Shoei Kisen KK có khả năng sẽ phải đối mặt với yêu cầu bồi thường từ SCA và các hãng tàu khác sau sự cố. Số tiền bồi thường có thể lên tới hàng triệu USD kể cả khi con tàu được giải cứu nhanh chóng.

Theo Bloomberg, thiệt hại từ việc đóng cửa kênh đào Suez lên tới khoảng 9,6 tỷ USD/ngày.

Xem thêm >> Ông Biden cam kết không để Trung Quốc ‘giàu có nhất, hùng mạnh nhất’, Bắc Kinh nói gì?

Tin mới lên