Cuộc đua thị phần môi giới sẽ ngày càng khốc liệt?

Thanh Long - 03/10/2024 09:02 (GMT+7)

(VNF) - Quan sát dữ liệu 10 năm qua, có thể thấy các công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn sẽ càng có lợi thế tiếp tục gia tăng thị phần trong thời kỳ bùng nổ của thị trường.

10 năm “vật đổi sao dời”

Số liệu từ Sở giao dịch Chứng khoán (HoSE) cho thấy trong 3 quý gần nhất mà sở này công bố, thị phần môi giới cổ phiếu trên sàn HoSE chứng kiến thế “chân vạc” mới: Công ty Chứng khoán VPS, Công ty Chứng khoán SSI và Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) cùng chia sẻ 3 vị trí dẫn đầu.

Ví von là thế “chân vạc” bởi trong quá khứ, 3 công ty chứng khoán dẫn đầu thị phần môi giới thường cố định vị thế này liên tục trong một khoảng thời gian khá dài, thay vì thường xuyên thay đổi.

Dữ liệu của Đầu tư Tài chính - VietnamFinance cho thấy trong 10 năm qua, bộ ba SSI - Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) - Công ty Chứng khoán Vietcap gần như thống trị Top 3 thị phần môi giới từ quý III/2014 đến quý II/2020, chỉ xen kẽ 2 quý Vietcap bị thế chỗ bởi Công ty Chứng khoán VNDIRECT (đó là quý III/2017 và quý quý III/2019). Như vậy, thời gian thống trị thị phần của bộ ba này lên tới 5,5 năm.

Bước sang quý III/2020, thế “chân vạc” này bị xáo trộn bởi “kẻ phá bĩnh” VPS. Với lực lượng môi giới hùng hậu cùng với các chính sách khuyến mại về phí giao dịch và lãi suất cho vay margin hấp dẫn, trong bối cảnh số lượng nhà đầu tư cá nhân bùng nổ trong thời kỳ đại dịch, VPS đã chen chân vào Top 3 thị phần môi giới, cùng với SSI và HSC trở thành bộ ba thống trị thị phần trong vòng 1 năm (từ quý III/2020 đến quý II/2021).

HSC - công ty chứng khoán giữ ngôi “á quân” thị phần nhiều nhất trong 10 năm qua - dần tụt hậu trong “cuộc đua” mời chào các nhà đầu tư cá nhân mới, trong khi các khách hàng “ruột” của HSC là nhà đầu tư nước ngoài lại có xu hướng rút khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam khi liên tục bán ròng trong giai đoạn 2020 - 2021, càng ảnh hưởng đến thị phần của HSC. Hệ quả là từ quý III/2021, HSC “bật bãi” khỏi Top 3 thị phần môi giới cổ phiếu, nhường chỗ cho VNDIRECT. Bộ ba VPS - SSI - VNDIRECT duy trì vị thế “chân vạc” trong thời gian tương đối tài, từ quý III/2021 đến quý III/2023, tức là hơn 2 năm.

Nhưng thị trường luôn vận động không ngừng. TCBS, vốn hoạt động mà không có lực lượng môi giới, “ra đòn” với các công ty chứng khoán truyền thống bằng chính sách miễn phí giao dịch (zero-fee) từ đầu năm 2023 và hiệu quả đến rất nhanh chóng. Từ quý IV/2023, TCBS thế chân VNDIRECT để lọt vào Top 3 thị phần và duy trì cho đến hiện nay.

Nhìn rộng ra, Top 10 thị phần môi giới cổ phiếu trên sàn HoSE trong 10 năm qua cũng chứng kiến kẻ đến người đi, nhiều sự tiếc nuối nhưng cũng có không ít cơ hội.

Bên cạnh HSC thì gây tiếc nuối nhất có lẽ là trường hợp của Vietcap. Ngoài VPS và SSI thì trong 10 năm qua, chỉ có Vietcap là từng leo lên “ngôi vương” thị phần. Thành tích này đạt được trong quý IV/2018 với thị phần lên đến 17,04%. Tuy nhiên, kể từ quý III/2020, thị phần của Vietcap đã bật khỏi Top 3, thậm chí ra ngoài Top 5 suốt từ quý IV/2021 đến nay và thường xuyên ở vị trí thứ 8 trong giai đoạn này.

Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cũng là một cái tên hết sức đáng tiếc khi thường xuyên ở trong Top 10 trong giai đoạn 2014 - 2018. Tuy nhiên kể từ quý III/2019, SHS “bật bãi” khỏi Top 10. Điều này gây tiếc nuối cho nhiều cổ đông của công ty chứng khoán này và thường được gợi lại trong các cuộc đại hội đồng cổ đông thường niên. Ban lãnh đạo SHS cũng bày tỏ rằng họ cũng có mục tiêu gia tăng thị phần để quay lại vị thế xưa nhưng từ quý III/2019 chưa lần nào thực hiện được.

Chung số phận với SHS, 3 trong số 6 công ty chứng khoán đồng hành với thị trường từ những ngày đầu tiên, đều được hậu thuẫn bởi ngân hàng, là Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) và Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) đều đã “bật bãi” từ lâu. Nếu như BVSC và ACBS thường xuyên lọt Top 10 thị phần giai đoạn 2014 - 2018 thì BVSC ra khỏi Top 10 từ quý IV/2019, trong khi ACBS ra khỏi Top 10 từ quý II/2019 và đều chưa hẹn ngày trở lại. Còn với BSC, giai đoạn 2015 - 2020 là thời kỳ công ty chứng khoán này thường xuyên lọt Top 10 và “bật bãi” từ quý II/2021.

Không ít công ty chứng khoán như ngọn lửa lóe lên rồi vụt tắt, từng lọt Top 10 rồi cũng không trụ được, có thể kể đến các trường hợp như: Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) lọt Top 10 trong quý II/2019 và quý IV/2022; Công ty Chứng khoán Maybank (MSVN) trong nửa cuối năm 2014 và quý I/2020; Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) trong quý IV/2019; Công ty Chứng khoán BOS trong nửa đầu năm 2017 và nửa cuối năm 2019.

Tương lai cạnh tranh gay gắt

Ở thời kỳ trước, “miếng bánh” thị phần gắn liền với nguồn thu phí môi giới nhưng trong vài năm gần đây, nguồn thu từ cho vay margin mới là mục tiêu hàng đầu trong cuộc đua thị phần. Như đã đề cập, TCBS thậm chí còn miễn phí giao dịch từ đầu năm 2023, chấp nhận hy sinh nguồn thu phí môi giới để kéo khách hàng về; và thực tế là nguồn thu của cho vay margin của TCBS tăng rất mạnh, như trong nửa đầu năm 2024 tăng trưởng tới 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhưng đó vẫn chưa phải tất cả. Quan sát dữ liệu 10 năm qua, có thể thấy các công ty chứng khoán có thị phần lớn sẽ càng có lợi thế tiếp tục gia tăng thị phần trong thời kỳ bùng nổ của thị trường.

Cụ thể, tổng thị phần của Top 10 môi giới cổ phiếu trên sàn HoSE tăng từ khoảng 62% trong quý III/2014 lên khoảng 73% trong quý II/2018. Quý II/2018 cũng là thời kỳ thị trường tạo đỉnh lịch sử. Sau giai đoạn bùng nổ, tổng thị phần của Top 10 giảm dần xuống mức khoảng 62% vào quý III/2020 trong bối cảnh thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Thời gian sau đó, thị phần của Top 10 tiếp tục xu hướng tăng và hiện ở mức khoảng gần 70%.

Điều quan trọng là thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang trong xu hướng đi lên với nhiều động lực lớn phía trước: Nền tảng là nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao, bối cảnh là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) bắt đầu lộ trình hạ lãi suất giúp tỷ giá và lãi suất tại Việt Nam “dễ thở” hơn và dòng tiền ngoại “rộng đường” quay lại thị trường chứng khoán Việt Nam, trợ lực là triển vọng vận hành hệ thống KRX, nâng hạng theo tiêu chuẩn của FTSE Russell và hướng tới nâng hạng theo tiêu chuẩn MSCI.

Trong tình huống như vậy, các công ty chứng khoán sẽ ngày càng “nước rút” gia tăng thị phần để tạo lợi thế cạnh tranh khi thị trường bùng nổ.

Cùng chuyên mục
Tin khác