‘Nước cờ quen mà lạ’ của TCBS có gây bối rối cho các CTCK?

Thanh Long - 20/09/2024 09:34 (GMT+7)

(VNF) - Chính sách miễn phí giao dịch (zero-fee) là “nước cờ quen” đối với TCBS bởi ngân hàng mẹ Techcombank từng rất thành công với chiến lược này. Tuy nhiên, đối với các công ty chứng khoán (CTCK) khác, đây lại là “nước cờ lạ” không dễ bắt chước.

Dũng khí nào để TCBS miễn phí giao dịch?

Với các công ty chứng khoán thế hệ đầu, bước ngoặt giúp họ bứt phá là thời kỳ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đi liền với sự gia nhập mạnh mẽ của dòng tiền ngoại. Còn với các công ty thế hệ sau, cơ hội bứt phá đến khi đại dịch Covid-19 xuất hiện đi kèm với sự bùng nổ của công nghệ, tạo ra một thế hệ nhà đầu tư cá nhân mới, và một trong cái tên tận dụng được cơ hội này là Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS).

Vốn dĩ TCBS không phải là tên tuổi nhỏ bé gì trong ngành chứng khoán. Sự thống trị của công ty chứng khoán này trong mảng trái phiếu doanh nghiệp, với sự hậu thuẫn của ngân hàng Techcombank, đã đưa TCBS lên ngôi quán quân lợi nhuận trong nhiều quý và hiện nay vẫn đang giữ “ngôi vương”. Tuy nhiên, điều gây bất ngờ là “cánh tay” của TCBS đã nối dài sang mảng cổ phiếu.

Trong 3 quý gần nhất, TCBS liên tiếp lọt vào Top 3 thị phần môi giới cổ phiếu trên sàn HoSE, đánh bật những tên tuổi lẫy lừng một thời như VNDIRECT, HSC, Vietcap. Trước đó, TCBS từng lọt vào Top 10 thị phần vài lần rồi lại “bật bãi”, mãi đến quý I/2021 bắt đầu ổn định ở trong Top 10. Khoảng cách đến ngôi “á quân” thị phần môi giới cổ phiếu chỉ còn chưa tới 1,9 điểm phần trăm.

Để làm được điều này, TCBS đã áp dụng chiến lược miễn phí giao dịch (zero-fee) kể từ đầu năm 2023, dù rằng trước đó, nguồn thu từ hoạt động môi giới chứng khoán của TCBS không phải là nhỏ.

Cụ thể, trong hai năm 2021 và 2022, lãi thuần từ hoạt động môi giới chứng khoán của TCBS đều trên 700 tỷ đồng mỗi năm. Sau khi áp dụng chính sách zero-fee, lãi thuần từ hoạt động này “tụt dốc” xuống còn 293 tỷ đồng trong năm 2023 và tiếp tục ở mức thấp 161 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024.

Lãi thuần từ hoạt động môi giới chứng khoán của TCBS giảm mạnh sau khi áp dụng chính sách zero-fee

Từ bỏ một nguồn lợi truyền thống lớn là điều hầu hết công ty chứng khoán hiện nay chưa dám làm, nhưng tại sao TCBS lại có “dũng khí” để làm? Nguyên nhân dễ thấy nhất là TCBS có nền tảng tài chính mạnh mẽ và mảng kinh doanh chính gắn liền với trái phiếu doanh nghiệp - không bị ảnh hưởng bởi chính sách zero-fee.

Tuy nhiên, bước ngoặt thực sự đến vào năm 2022 khi nguồn thu từ cho vay margin vượt qua nguồn thu từ hoạt động bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán (chủ yếu là trái phiếu doanh nghiệp), lần lượt ở mức khoảng 1.500 tỷ đồng so với 1.300 tỷ đồng, trong khi ở các năm trước đó, nguồn thu từ hoạt động bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán cao vượt trội so với nguồn thu từ cho vay margin.

Dữ liệu thực tế hơn vạn lời nói suông, cho vay margin mới là “tương lai gần” của TCBS và để nắm bắt xu hướng, công ty chứng khoán này đã quyết định áp dụng chính sách zero-fee để kéo khách hàng về và họ đang thành công khi lọt vào Top 3 thị phần, tạo nền tảng khách hàng lớn để đẩy mạnh cho vay margin, và mọi thứ đang đi theo đúng hướng mà TCBS mong muốn.

Năm 2023, lãi thuần từ các khoản cho vay và phải thu (chủ yếu là cho vay margin) của TCBS đạt mức 1.602 tỷ đồng, cao hơn hẳn mức lãi 944 tỷ đồng từ hoạt động bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán - thời điểm TCBS chịu tác động khá tiêu cực từ cuộc khủng hoảng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Tuy nhiên, sang đến nửa đầu năm 2024, khi mảng trái phiếu doanh nghiệp dần khôi phục, giúp lãi từ hoạt động bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán của TCBS đạt 667 tỷ đồng thì con số này vẫn “chưa là gì” so với mức lãi khoảng 1.200 tỷ đồng từ hoạt động cho vay margin. So với cùng kỳ năm 2023, nguồn thu từ cho vay margin của TCBS trong nửa đầu năm 2024 tăng trưởng tới 80%.

Nguồn thu từ mảng cho vay margin của TCBS vượt mảng bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán từ năm 2022 đến nay

Với TCBS, zero-fee không phải chiến lược lạ. Techcombank, ngân hàng mẹ của TCBS, là đơn vị khởi xướng xu hướng zero-fee trong ngành ngân hàng, bắt đầu từ tháng 9/2016. Thời điểm đó, chiến lược này gây ngạc nhiên cho hầu hết các ngân hàng khác, bởi phí giao dịch là nguồn thu đều đặn và quan trọng của các ngân hàng. Việc hy sinh nguồn thu này chỉ để kéo khách hàng về được nhìn nhận là “trả giá đắt”.

Thế nhưng rốt cuộc cái giá phải trả lại… vô cùng rẻ, bởi khi khách hàng đổ về mở tài khoản tại Techcombank để giao dịch miễn phí thì họ luôn phải duy trì một lượng tiền nhất định trong tài khoản để thanh toán khi cần. Góp gió thành bão, lượng tiền thanh toán này lớn dần theo số lượng khách hàng và điều quan trọng là lượng tiền này có lãi suất cực thấp (vì là tiền gửi không kỳ hạn), nhờ đó, chi phí huy động vốn của Techcombank ở mức thấp hơn nhiều các ngân hàng khác. Cắt giảm được chi phí chẳng khác gì có thêm nguồn thu.

Đó mới chỉ là lợi ích về chi phí vốn, chưa kể các lợi ích khác khi có nguồn khách hàng dồi dào, chẳng hạn như đẩy mạnh cho vay, bán chéo sản phẩm, dịch vụ…

Không dễ bắt chước

Sau khi thành công của Techcombank dần trở nên rõ ràng, xu hướng zero-fee lan nhanh trong ngành ngân hàng và vài năm gần đây, miễn phí giao dịch ngân hàng đã trở thành chuyện đương nhiên. Tuy nhiên, ngành chứng khoán chưa hẳn sẽ diễn biến như vậy, bởi có nhiều đặc thù khác ngành ngân hàng.

Các công ty chứng khoán khác không dễ áp dụng zero-fee như TCBS

Thứ nhất, các công ty chứng khoán hiện nay chủ yếu vẫn vận hành dựa vào đội ngũ môi giới, mà hoa hồng cho đội ngũ này thì trích từ phí giao dịch. Nếu áp dụng zero-fee mà vẫn muốn giữ đội ngũ môi giới thì công ty chứng khoán không chỉ mất đi nguồn thu từ phí giao dịch mà còn phải bù tiền hoa hồng. Trong khi đó, TCBS hoạt động mà không có đội ngũ môi giới nên việc áp dụng zero-fee đơn giản hơn nhiều.

Thứ hai là rào cản công nghệ. Một khi áp dụng zero-fee, công ty chứng khoán phải chuẩn bị hạ tầng công nghệ đủ đáp ứng không chỉ lượng khách hàng tăng lên nhanh chóng mà tần suất giao dịch cũng tăng cao. Tuy nhiên, đầu tư hạ tầng công nghệ rất tốn kém trong khi nguồn lực tài chính của các công ty chứng khoán có hạn, không dồi dào như ngân hàng.

Thứ ba là rủi ro lợi ích thu về không như kỳ vọng. Công ty chứng khoán áp dụng zero-fee để thu hút khách hàng, từ đó đẩy mạnh cho vay margin, nhưng đó mới là điều kiện cần. Điều kiện đủ là công ty chứng khoán phải có đủ nguồn cho vay margin và phải có lãi suất cho vay margin hấp dẫn.

Việc áp dụng chiến lược zero-fee hay không đã trở thành chủ đề được quan tâm tại đại hội đồng cổ đông của không ít công ty chứng khoán trong năm nay. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, các công ty chứng khoán nhìn chung vẫn còn khá dè dặt, chủ yếu là áp dụng “không toàn phần”, chẳng hạn như miễn phí giao dịch trong một thời gian nhất định hoặc miễn phí trọn đời cho một số ít khách hàng mở tài khoản và giao dịch trong thời gian diễn ra khuyến mãi. Chỉ một vài công ty chứng khoán vừa và nhỏ đang miễn phí giao dịch không kèm điều kiện như DNSE, Pinetree, JBSV.

Cùng chuyên mục
Nam Kinh CHOPE: Nhà thầu Trung Quốc quen thuộc với xi măng Việt Nam

Nam Kinh CHOPE: Nhà thầu Trung Quốc quen thuộc với xi măng Việt Nam

(VNF) - Công ty TNHH Tập đoàn Công trình xi măng Nam Kinh CHOPE (Trung Quốc) đã tham gia dự thầu với vai trò liên danh đã trúng nhiều gói thầu cấp thiết kế, vật tư - thiết bị thuộc dự án Tận dụng nhiệt khí để phát điện cho các Nhà máy xi măng tại Việt Nam…

Biệt thự sang chảnh từng centimet của Phương Oanh - Shark Bình

Biệt thự sang chảnh từng centimet của Phương Oanh - Shark Bình

(VNF) - Biệt thự của Shark Bình - Phương Oanh sở hữu phong cách thiết kế hiện đại, sang trọng, đứng góc nào cũng đẹp mê.

Máy nhắn tin đồng loạt phát nổ ở Lebanon dấy lên nỗi sợ về ‘khủng hoảng chuỗi cung ứng’

Máy nhắn tin đồng loạt phát nổ ở Lebanon dấy lên nỗi sợ về ‘khủng hoảng chuỗi cung ứng’

(VNF) - Các cuộc tấn công vào thiết bị không dây của các thành viên Hezbollah ở Lebanon tuần này đang làm dấy lên mối lo ngại về những cách thức mà chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu có thể bị xâm phạm và những rủi ro đối với các công ty hoạt động ở các quốc gia đối địch.

Siết trái phiếu DN: Người bán – kẻ mua 'bất lực' nhìn nhau

Siết trái phiếu DN: Người bán – kẻ mua 'bất lực' nhìn nhau

(VNF) - Nhiều ý kiến e ngại những sửa đổi theo hướng chặt chẽ hơn trong dự thảo Luật Chứng khoán có thể kìm hãm sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong thời gian tới.

Thanh Hoá ‘thúc’ tiến độ tổ hợp hóa chất 500 triệu USD, lớn nhất Việt Nam

Thanh Hoá ‘thúc’ tiến độ tổ hợp hóa chất 500 triệu USD, lớn nhất Việt Nam

(VNF) - Thanh Hoá chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án số 1 - Tổ hợp hóa chất Đức Giang Nghi Sơn đồng thời yêu cầu Công ty Hóa chất Đức Giang Nghi Sơn khởi công xây dựng, đi vào hoạt động từ quý I/2026…

Dáng vóc hoành tráng của Trung tâm hành chính mới Hải Phòng

Dáng vóc hoành tráng của Trung tâm hành chính mới Hải Phòng

(VNF) - Dự án Trung tâm chính trị - hành chính, Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn của thành phố Hải Phòng đang dần thành hình với nhiều công trình quy mô, hoành tráng.

Châu Á thành 'tâm điểm mới' của giới siêu giàu, Việt Nam góp mặt 1 thành phố

Châu Á thành 'tâm điểm mới' của giới siêu giàu, Việt Nam góp mặt 1 thành phố

(VNF) - Theo báo cáo của Henley & Partners, các thành phố châu Á đang nhanh chóng leo lên vị trí là những trung tâm siêu giàu toàn cầu hàng đầu, khi ngày càng có nhiều centimilionaire (triệu phú USD) tập trung tại đây.

Thuê nhà mặt phố TP.HCM quá đắt: McDonald's, Starbuck... đóng hàng, tháo chạy

Thuê nhà mặt phố TP.HCM quá đắt: McDonald's, Starbuck... đóng hàng, tháo chạy

(VNF) - Giá thuê của các mặt bằng bán lẻ cao cấp khu trung tâm của TP. HCM là 151 USD/m2, tăng gần 5% so với cùng kỳ. Giá thuê nhà đắt và liên tục tăng là lý do chính khiến cho các hãng lớn trả mặt bằng.

Qua chu kỳ biến động, nhà đất Bình Dương vào cơn sóng cuối

Qua chu kỳ biến động, nhà đất Bình Dương vào cơn sóng cuối

(VNF) - Đến thời điểm hiện tại, Bình Dương đã có 349 dự án BĐS dân dụng, tăng 277% so với năm 2016, trở thành tiêu điểm thị trường BĐS phía Nam.

Khu đô thị mới Nhơn Trạch: 20 năm hoàng tàn như thành phố 'ma'

Khu đô thị mới Nhơn Trạch: 20 năm hoàng tàn như thành phố 'ma'

(VNF) - Sau hơn 20 năm xây dựng, Khu đô thị mới Nhơn Trạch (Đồng Nai) vẫn vắng vẻ, đìu hiu khi hàng loạt dự án khu dân cư dở dang, cỏ dại mọc um tùm.