Tăng vốn - bài toán ‘cân não’ của công ty chứng khoán nội

Thanh Long - 16/09/2024 09:16 (GMT+7)

(VNF) - Tình trạng tăng cường vay nợ để đáp ứng nhu cầu phát triển không thể kéo dài, nhất là khi xét bình quân, nợ vay đã vượt đáng kể vốn chủ sở hữu, trong bối cảnh một “chân trời mới” đang dần mở ra với các công ty chứng khoán.

Đẩy mạnh vay nợ

Hơn một năm trở lại đây, ngành chứng khoán xuất hiện một hiện tượng đáng chú ý: Các công ty chứng khoán trong nước đẩy rất mạnh việc vay nợ.

Điển hình, chỉ trong vòng 5 quý gần đây (cuối quý I/2023 - cuối quý II/2024), nợ vay (bao gồm vay ngắn hạn, vay dài hạn và nợ trái phiếu dài hạn) của Công ty Chứng khoán TP. HCM (HoSE: HCM) tăng từ trên 5.500 tỷ đồng lên trên 16.200 tỷ đồng, tức là tăng gấp gần 3 lần.

Tương tự, Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) - quán quân lợi nhuận ngành chứng khoán - ghi nhận mức tăng nợ vay từ trên 9.600 tỷ đồng lên gần 25.000 tỷ đồng, tương đương tăng gấp 2,5 lần trong vòng 5 quý. Đặc biệt, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) sau khi được VPBank bơm nguồn vốn “khủng” cũng đồng thời đẩy mạnh vay nợ, với số dư cuối quý I/2023 là 265 tỷ đồng tăng lên trên 7.300 tỷ đồng cuối quý II/2024, tức là tăng gấp 27 lần.

Không ít công ty chứng khoán cũng ghi nhận mức tăng nợ vay “bằng lần” trong hơn một năm qua, chẳng hạn như Công ty Chứng khoán MB (HNX: MBS) tăng gấp 2,4 lần (từ trên 4.700 tỷ đồng lên trên 11.400 tỷ đồng), Công ty Chứng khoán Bảo Việt (HNX: BVS) tăng gấp 2,1 lần (từ trên 1.400 tỷ đồng lên 3.605 tỷ đồng), Công ty Chứng khoán FPT (HoSE: FTS) tăng gấp gần 2,9 lần (từ trên 1.400 tỷ đồng lên trên 4.100 tỷ đồng).

Trong khi đó, một số công ty chứng khoán thay đổi quan điểm vay nợ. Như trường hợp của Công ty Chứng khoán Agribank (HoSE: AGR), vốn trước đây vay nợ rất ít nhưng 5 quý gần đây tăng đáng kể, từ 221 tỷ đồng lên 985 tỷ đồng, tức là tăng gấp gần 4,5 lần. Hoặc như Công ty Chứng khoán VIX (HoSE: VIX) sau thời gian dài không vay nợ thì đến cuối quý I/2024 đã bất ngờ vay 990 tỷ đồng và quý tiếp theo tiếp tục tăng lên gần 1.400 tỷ đồng.

Các công ty chứng khoán nội còn lại đa phần cũng ghi nhận nợ vay tăng mạnh, dù không tăng “bằng lần”.

Việc các công ty chứng khoán nội đẩy mạnh vay nợ một phần là bởi mức tăng của vốn chủ sở hữu không đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng. Trong 5 quý gần nhất, chỉ có TCBS là ghi nhận mức tăng vốn chủ sở hữu “bằng lần” (tăng gấp 2,2 lần), còn lại đa phần chỉ tăng dưới 30%.

Quan sát kỹ, có thể thấy vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán nội trong hơn một năm qua tăng chủ yếu nhờ tích lũy lợi nhuận, thay vì huy động vốn từ cổ đông, nhà đầu tư. Chỉ có một vài trường hợp tăng vốn thành công, chẳng hạn TCBS tăng vốn trong quý II/2023, HCM tăng vốn trong quý II/2024, Công ty Chứng khoán Tiên Phong (HoSE: ORS) quý I/2024,

Điều này đã đẩy tỷ lệ đòn bẩy tài chính của các công ty chứng khoán trong nước dâng cao. Thống kê của VietnamFinance đối với 19 công ty chứng khoán trong nước cho thấy, tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu bình quân cuối quý I/2023 là 87% và đã tăng lên 124% vào cuối quý II/2024, cho thấy rủi ro tài chính tăng lên đáng kể.

Không thiếu công ty chứng khoán ghi nhận nợ vay gấp đôi vốn chủ sở hữu, như trường hợp của MBS, tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu lên đến 212% cuối quý II/2024, từ mức 104% cuối quý I/2023. Hay như trường hợp của Công ty Chứng khoán VPS (VPS) tăng từ 140% lên 214%. Còn với Công ty Chứng khoán VietinBank (HoSE: CTS), tỷ lệ này tăng từ 238% lên 253%.

Riêng Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (HNX: SHS) là trường hợp cá biệt khi tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 8%. Còn lại đa số trên 100%.

Tăng vốn - bài toán “cân não”

Tình trạng tăng cường vay nợ để đáp ứng nhu cầu phát triển không thể kéo dài, nhất là khi xét bình quân các công ty chứng khoán, nợ vay đã vượt đáng kể vốn chủ sở hữu, trong bối cảnh một “chân trời mới” đang dần mở ra với các công ty chứng khoán nhờ triển vọng vận hành hệ thống KRX và nâng hạng theo tiêu chuẩn FTSE Russell.

Tăng vốn đang là bài toán "cân não" của các công ty chứng khoán nội

Nhưng chọn thời điểm tăng vốn không phải đơn giản. Thị trường chứng khoán Việt Nam đứng trước cơ hội bùng nổ, nhưng sẽ bùng nổ vào năm 2025, 2026 hay xa hơn?

Nếu huy động vốn quá sớm, công ty chứng khoán sẽ phải đối mặt áp lực lớn trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn huy động được, và hiệu quả này hoàn toàn có thể đo đếm khi nhìn vào chỉ số ROE (tỷ lệ lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) qua các quý. Ngoài ra, việc huy động vốn khi thị trường chưa sôi động cũng không phải là điều dễ dàng, trừ khi nhóm cổ đông lớn của công ty chứng khoán tự tin rằng đủ tiềm lực để mua lại lượng lớn cổ phần “ế”. Vừa qua, phiên 12/9/2024 được ghi nhận là phiên giao dịch có thanh khoản thấp nhất 17 tháng, cho thấy thị trường dù nhận được nhiều kỳ vọng nhưng diễn biến thực tế vẫn rất ảm đạm.

Tuy nhiên, nếu đợi đến khi thị trường sôi động mới huy động vốn, tuy là “chắn ăn” nhưng công ty chứng khoán có nguy cơ bị mất thị phần cho vay margin vì không đủ vốn cho vay, trong khi cho vay margin đang là mảng kinh doanh đem lại lợi nhuận lớn nhất và ổn định cho đa số công ty chứng khoán.

Việc các công ty chứng khoán chưa bước vào “cuộc đua” tăng vốn trong hơn một năm qua phần nào hàm ý rằng quan điểm của lãnh đạo các công ty này là trong thời gian tới, thị trường chứng khoán chưa thể bùng nổ được, vì vậy, việc sử dụng vốn vay sẽ hiệu quả hơn.

Dẫu vậy, đối với các công ty chứng khoán lớn, phương án huy động vốn kiểu “chắc ăn” không thực sự phù hợp bởi việc duy trì thị phần cho vay margin có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trước đây, ngành chứng khoán chứng kiến cuộc đua thị phần môi giới và hệ quả là nở rộ xu hướng miễn phí giao dịch (zero-fee), thực chất là nhằm kéo khách về để tăng thị phần cho vay margin. Trong tương lai, khi thị trường bùng nổ, hiện tượng “ngược lại” hoàn toàn có thể xảy ra, đó là công ty chứng khoán nào không đáp ứng được nhu cầu cho vay margin sẽ bị mất luôn cả thị phần môi giới, do khách hàng chuyển sang giao dịch tại các công ty chứng khoán có nguồn cho vay margin dồi dào hơn.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.