Tài chính quốc tế

Cựu Tổng thống Liên Xô Gorbachev: Mỹ và đồng minh mới chỉ ‘bắn tập’

(VNF) - Trả lời phỏng vấn đài phát thanh Baltkom của Latvia ngày 15/4, ông Mikhail Gorbachev, nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô, cho rằng cuộc không kích của Mỹ, Anh và Pháp vào Syria vừa qua rất giống với việc "bắn tập" trước khi "tung hết hỏa lực".

Cựu Tổng thống Liên Xô Gorbachev: Mỹ và đồng minh mới chỉ ‘bắn tập’

Mỹ và đồng minh đã phóng hơn 100 tên lửa hành trình và không đối đất vào Syria.

"Tôi nghĩ rằng không ai cần thực hiện một cuộc tấn công theo cách thức và kết quả như vậy. Trông rất giống một buổi bắn tập trước khi tung hết hỏa lực", ông nói.

Bên cạnh đó, ông Gorbachev cũng miêu tả cuộc tấn công là "không thể chấp nhận được" và rằng nó sẽ không dẫn tới điều gì tốt đẹp.

Ông Gorbachev đã đưa ra bình luận trên chỉ 1 ngày sau khi Mỹ cùng các đồng minh Anh và Pháp bắn hơn 100 tên lửa hành trình và không đối đất vào 3 mục tiêu mà Mỹ cho là đang tiến hành nghiên cứu và sản xuất vũ khí hóa học.

Cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev.

Như thường lệ, sau đợt tấn công Syria, Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter rằng cuộc không kích được tiến hành cùng Anh, Pháp là "hoàn hảo", có "kết quả không thể tốt hơn" và khẳng định "Sứ mệnh đã hoàn thành".

Cũng trên Twitter, Tổng thống Trump bày tỏ niềm tự hào về sức mạnh của quân đội Mỹ, đặc biệt sau khi gói ngân sách hàng tỷ USD được phê duyệt sẽ trở thành quân đội hùng mạnh nhất, không lực lượng nào có thể đuổi kịp.

Trong cuộc họp của Lầu Năm góc, Trung tướng Kenneth McKenzie, Giám đốc Hội đồng Tham mưu Liên quân Hoa Kỳ, hùng hồn tuyên bố không tên lửa nào trong số 105 quả được bắn đi bị đánh chặn bởi các hệ thống phòng không của Syria và mọi chiến cơ đều đã trở về an toàn.

Theo tướng McKenzie, có tới 76 quả tên lửa (trong đó có 57 tên lửa Tomahawk) đã dội trúng mục tiêu là trung tâm hóa học nằm phía đông bắc thủ đô Damascus của Syria. Trong khi đó, cũng theo tướng McKenzie, một trung tâm hóa học khác nằm ở Homs, bị trúng 22 quả tên lửa của Mỹ và đồng minh.

Theo tướng McKenzie, có tới 76 quả tên lửa đã dội trúng mục tiêu là trung tâm hóa học nằm phía đông bắc thủ đô Damascus của Syria.

Tướng McKenzie cho rằng quân đội Syria đã phóng lên khoảng 40 tên lửa phòng không nhưng hầu hết là sau khi các mục tiêu đã bị đánh trúng. Theo lãnh đạo quân đội Mỹ, hệ thống phòng không Nga đóng tại Syria đã không hoạt động khi Mỹ và đồng minh tấn công.

Trái ngược với những gì Tổng thống và tướng lĩnh quân đội Mỹ tuyên bố, phía Syria và Nga tuyên bố ít nhất 71 tên lửa của Mỹ và đồng minh bị hệ thống phòng không Syria bắn hạ thành công. Thậm chí còn xuất hiện các video ghi cảnh binh lính Syria cười nhạo tên lửa Mỹ và đồng minh.

Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Nga công bố, tàu chiến, chiến cơ Mỹ, Anh, Pháp đã phóng 103 tên lửa hành trình các loại (công bố của Syria là 110 tên lửa, Mỹ khẳng định 105) nhằm vào 3 mục tiêu chính ở thủ đô Syria nhằm đáp trả việc nước này bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường khiến hơn 70 người thiệt mạng.

Quân đội Syria được cho là đã triển khai hệ thống phòng không S-125, S-200, 2K12 Kub và Buk từ thời Liên Xô để đánh chặn thành công hầu hết tên lửa Mỹ và đồng minh. Phía Nga cũng xác nhận các hệ thống phòng không tối tân của họ đang hiện diện tại Syria chưa khai hỏa trong đợt tấn công của Mỹ và đồng minh sáng 14/4.

Quân đội Syria được cho là đã triển khai hệ thống phòng không S-125 để đánh chặn tên lửa Mỹ và đồng minh.

Theo quan chức Nga, sân bay Syria Al-Dumayr, nằm cách thủ đô Damascus 40 km, đã bị tấn công bởi 12 tên lửa hành trình nhưng bị đánh chặn toàn bộ bởi lưới phòng không Syria.

>>  Tàu chiến, vũ khí Nga rầm rập tiến đến Syria

Trong một bài phỏng vấn trước khi Mỹ và đồng minh tấn công Syria, ông Gorbachev cho biết ông "rất thất vọng về cách các lãnh đạo thế giới hiện nay xử lý các vấn đề". Ông nhận định các nhà lãnh đạo dường như không thực hiện các cuộc đối thoại, từ đó biến các mối quan hệ quốc tế trở thành "những lời cáo buộc, biện pháp trừng phạt và tấn công quân sự lẫn nhau".

Ông Gorbachev kêu gọi các nhà lãnh đạo sớm gặp gỡ và thúc đẩy đối thoại nhằm xuống thang căng thẳng. "Họ phải gặp gỡ càng sớm càng tốt, cùng sự tham gia của các ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng. Tôi tin rằng không ai muốn chiến tranh, nhưng các vụ việc hiện thời có thể dẫn đến những rắc rối lớn", ông nói.

Ông Gorbachev cho rằng các nước cần từ bỏ những hành động cáo buộc, đổ lỗi lẫn nhau cũng như cần sự chung tay của các nhà lãnh đạo để tiến hành đối thoại nghiêm túc nhằm ngăn chặn chiến tranh.

> Pháp khuyên Mỹ ‘đóng đô’ ở Syria, ông Putin cảnh báo hỗn loạn toàn cầu

Tin mới lên