Bất động sản

Đại biểu Nguyễn Phi Thường: 'Cần có chính sách riêng về nhà ở cho công nhân'

(VNF) - Tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 8/11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường đã đề nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về nhà ở xã hội, trong đó tách riêng chính sách về nhà ở cho công nhân để thu hút đầu tư xây dựng.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường: 'Cần có chính sách riêng về nhà ở cho công nhân'

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường.

Theo đại biểu Nguyễn Phi Thường, thực tiễn phòng chống dịch Covid-19 thời gian vừa qua cho thấy Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến công nhân lao động với 4 vấn đề lớn.

Thứ nhất là vấn đề nhà ở. Theo đại biểu Nguyễn Phi Thường, qua dịch bệnh phát lộ đầy đủ hơn vấn đề gây bức xúc cho công nhân lao động, đó là nhà ở. Số đông công nhân lao động di cư đang phải ở trong khu nhà trọ chật hẹp, ẩm thấp, san sát nhau, nguy cơ lây nhiễm bệnh tật, ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự rất cao.

Do đó, tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Phi Thường đã đề nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về nhà ở xã hội, trong đó tách riêng chính sách về nhà ở cho công nhân để thu hút đầu tư xây dựng; tạo cơ chế để công đoàn là chủ thể tham gia xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân; có chính sách và gói hỗ trợ thúc đẩy đầu tư xây dựng, cải tạo nhà ở cho công nhân lao động thuê, mua.

"Ban hành quy định về tiêu chuẩn tối thiểu phòng trọ, giúp công nhân an cư lạc nghiệp cũng là góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh, hiện đại", đại biểu TP. Hà Nội nhấn mạnh.

Vấn đề thứ hai là thu nhập. Đại biểu Nguyễn Phi Thường cho hay phần lớn công nhân lao động hết thu nhập không thể duy trì cuộc sống sau khi doanh nghiệp ngừng hoạt động một vài tháng. Điều này cho thấy thu nhập của công nhân còn rất thấp, không có tích lũy hoặc tích lũy không đáng kể.

Theo đó, vị đại biểu này đã đề nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp thúc đẩy vấn đề tiền lương tối thiểu bởi đã 2 năm liên tục chưa thể tăng lương tối thiểu vì dịch bệnh. Đồng thời đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển việc làm bền vững, tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Phi Thường cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện, đảm bảo tất cả gói hỗ trợ đều đến được với người lao động, hỗ trợ họ khắc phục khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Vấn đề thứ ba, đại biểu Nguyễn Phi Thường nhận định đại dịch Covid-19 đang làm thay đổi cơ cấu ngành, nghề trên thị trường lao động, phương thức quản trị doanh nghiệp và cách thức làm việc của người lao động.

Theo đại biểu Nguyễn Phi Thường, để khôi phục sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất lao động, vấn đề sống còn là đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động.

"Những năm qua, công tác này được quan tâm nhưng hiệu quả chưa cao, kỹ năng nghề của lao động Việt Nam còn ở mức rất thấp. Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm hơn cả chính sách, nguồn lực, đặc biệt là khâu tổ chức thực hiện, cần đưa công đoàn là một chủ thể tham gia vào quá trình nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động với các chính sách, nguồn lực cụ thể", đại biểu cho hay.

Vấn đề cuối cùng, theo đại biểu Nguyễn Phi Thường, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần phải có gói tài khóa đủ quy mô để phục hồi kinh tế. Cùng với đó, tập trung đầu tư củng cố hạ tầng, chú trọng hạ tầng số, hạ tầng logistics; củng cố hệ thống y tế; hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động.

Tin mới lên