Tiêu điểm

Hà Nội đã chi 476 tỷ đồng cho gần 10.000 lao động vay vốn phục hồi sản xuất

(VNF) - Hà Nội đã bố trí ngân sách của thành phố ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thành phố với số tiền 1.050 tỷ đồng, qua đó đã thực hiện cho 9.886 người lao động vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tạo việc làm, với tổng số tiền là 476 tỷ đồng.

Hà Nội đã chi 476 tỷ đồng cho gần 10.000 lao động vay vốn phục hồi sản xuất

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị diễn ra vào ngày 6/11.

Sáng 6/11, Hà Nội đã tổ chức hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết đến nay thành phố cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh và đang từng bước thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả tình hình dịch bệnh, đưa Thủ đô trở lại trạng thái bình thường mới.

Bên cạnh đó, ngân sách thành phố và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và các cấp, các ngành của thành phố đã chi hỗ trợ bằng tiền mặt cho trên 4,3 triệu đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, với số tiền hỗ trợ là 4.276 tỷ đồng.

Ngoài ra, thành phố đã bố trí ngân sách của thành phố ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thành phố với số tiền 1.050 tỷ đồng, qua đó đã thực hiện cho 9.886 người lao động vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tạo việc làm, với tổng số tiền là 476 tỷ đồng.

Đặc biệt, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng đánh giá cao sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước mặc dù bị tổn thất nhiều về mặt kinh tế do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Tại hội nghị, ông Đinh Tiến Dũng cho biết Hà Nội sẽ ưu tiên hiện đại hóa, phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội; phát triển hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô.

Đồng thời, thành phố cũng đẩy mạnh công tác chỉnh trang, phát triển, hiện đại hóa đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị theo hướng thông minh, xanh và bền vững. Tạo chuyển biến căn bản đối với các vấn đề dân sinh cấp bách về giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, quá tải bệnh viện.

Thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý đất đai, đô thị, trật tự đô thị và trật tự xây dựng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp một cách thực chất và hiệu quả hơn; nâng cao ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức của thành phố.

Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết: "Thành phố khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để chào đón và thu hút các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trên địa bàn Thủ đô, cam kết bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật".

Xác định các doanh nghiệp trong nước là nhân tố quyết định đến sự phát triển bền vững, tính tự chủ của nền kinh tế, ông Đinh Tiến Dũng khẳng định hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp được thẳng thắn chia sẻ và đối thoại.

"Thành phố Hà Nội cam kết sẽ luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, lắng nghe và giải quyết thấu đáo ngay tại Hội nghị đối với những kiến nghị, đề xuất chính đáng từ phía doanh nghiệp", ông Dũng nhấn mạnh.

Tin mới lên