Tài chính

Đạm Phú Mỹ (DPM): Quý IV lãi sau thuế gần 1.670 tỷ, gấp 16 lần cùng kỳ, cao nhất lịch sử

(VNF) - Đây là mức lợi nhuận theo quý cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.

Đạm Phú Mỹ (DPM): Quý IV lãi sau thuế gần 1.670 tỷ, gấp 16 lần cùng kỳ, cao nhất lịch sử

Đạm Phú Mỹ (DPM) lãi sau thuế gần 1.670 tỷ đồng, gấp 16 lần ba tháng cuối năm 2020

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 vừa công bố, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, HoSE: DPM) ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.086 tỷ đồng, tăng 160% so với cùng kỳ năm trước.

Giá vốn có mức tăng chậm hơn, giúp DPM mang về 387 tỷ đồng lợi nhuận gộp, cao hơn 6 lần so với quý IV/2020, tương ứng biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 20% lên gần 47%.

Doanh thu tài chính trong quý đạt 71 tỷ đồng, tăng nhẹ 10 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020; chi phí tài chính xấp xỉ 20 tỷ đồng, gần như không biến động. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp lần lượt ở mức 300 tỷ đồng và 166 tỷ đồng, tăng 27% và 12% cùng kỳ.

DPM cũng ghi nhận thêm khoản thu nhập khác đạt 52 tỷ đồng, là tiền bồi thường của PVI từ việc kho Vũng Áng và tổn thất gián đoạn kinh doanh sự cố trong ba tháng cuối năm 2021. Kết quả thương hiệu phân bón này báo lãi sau thuế gần 1.670 tỷ đồng, tăng gấp 16 lần so với quý IV/2020, là mức lợi nhuận theo quý cao nhất trong lịch sử hoạt động.

Lũy kế cả năm 2021, DPM ghi nhận doanh thu thuần đạt 12.786 tỷ đồng, tăng 65% so với thực hiện năm 2020; lợi nhuận sau thuế đạt 3.170 tỷ đồng, gấp 4,5 lần so với số lãi 702 tỷ đồng năm trước. Như vậy, doanh nghiệp đã hoàn thành vượt 54% kế hoạch doanh thu và 7,7 lần kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản của DPM đạt 13.917 tỷ đồng, tăng 23% sau một năm. Trong đó có 2.524 tỷ đồng tiền và tương đương tiền (tăng gần 500 tỷ đồng so với đầu năm) với 1.957 tỷ đồng tương đương tiền.

Ngoài ra doanh nghiệp còn khoản tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng trị giá 3.455 tỷ đồng (tăng 1.270 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm). Ở chiều ngược lại, DPM ghi nhận còn dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 200 tỷ đồng và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn 700 tỷ đồng (giảm 159 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm).

Lượng hàng tồn kho tăng gần 1.300 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, lên trên 2.900 tỷ đồng chủ yếu tăng giá trị hàng hóa, giá trị nguyên vật liệu, thành phẩm tồn kho.

Năm 2022, DPM đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 11.059 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 945 tỷ đồng. Nhận định về triển vọng tăng trưởng của DPM, nhóm chuyên gia của SSI Research cho rằng lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2022 có thể tăng trưởng khoảng 70% so với cùng kỳ năm ngoái, dựa trneen giả định giá urê giai đoạn này tiếp tục tăng cao.

Tuy nhiên cũng theo SSI Research, rủi ro đối với DPM nói riêng và các doanh nghiệp phân bón nói chung là việc Chính phủ có thể can thiệp vào thị trường phân bón để hạ nhiệt giá trong nước.

Tin mới lên