Ngày hội thống nhất non sông
(VNF) - Ngắm nhìn các hoạt động trong Ngày hội thống nhất non sông qua ống kính máy ảnh của tác giả Nguyễn Hữu Tấn.
Ngày 29/3/2003, đúng vào dịp kỷ niệm 28 năm ngày giải phóng Đà Nẵng, UBND TP. Đà Nẵng đã chính thức thông xe và đưa vào sử dụng đường Nguyễn Tất Thành.
Đường ven biển Nguyễn Tất Thành có chiều dài hơn 15km, đi qua hai quận Thanh Khê, Liên Chiểu và một phần quận Hải Châu.
Tuyến đường không chỉ giải quyết vấn đề giao thông khi nối liền trung tâm TP. Đà Nẵng với các khu công nghiệp Hòa Khánh, Liên Chiểu và trở thành tuyến đường ven biển nối liền hai di sản Huế - Hội An, mà còn mở ra nhiều cơ hội cho ngành du lịch thành phố…
Tuy nhiên, sau gần 20 năm đưa vào sử dụng, tuyến đường chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế của mình. Đây cũng là trăn trở của lãnh đạo địa phương nơi có tuyến đường Nguyễn Tất Thành đi qua.
Hiện tuyến đường Nguyễn Tất Thành được phát triển lộn xộn, nhà ở, khách sạn, cơ sở sản xuất - kinh doanh nằm xen kẽ nhau. Nhiều khu đất trống bỏ hoang nhiều năm gây nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị. Các dịch vụ phục vụ du lịch còn rất ít nên du khách đến Đà Nẵng hầu như không chọn khu vực này để nghỉ dưỡng, tắm biển.
Đại diện Công ty TNHH Huni Việt Nam, đơn vị tư vấn thiết kế cảnh quan tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành, cho biết TP. Đà Nẵng đang là điểm đến du lịch nổi tiếng nhờ vào những bãi biển trải dài, trong đó khu vực biển Mỹ Khê trở thành biểu tượng cho thành phố và du khách.
Tuy nhiên, đường Nguyễn Tất Thành nằm trên mặt biển vịnh Đà Nẵng ngay tại trung tâm thành phố nhưng vẫn còn nguyên sơ nên giá trị đất mặt biển chưa được khai thác hết tiềm năng vốn có. Khu vực biển Nguyễn Tất Thành vẫn chưa được phát triển đúng mức và hiện tại chỉ sử dụng cho nhu cầu của người dân địa phương.
Theo đại diện Công ty TNHH Huni Việt Nam, mục tiêu thiết kế cảnh quan khu vực này cần mang những yếu tố biển và núi vào một thành phố đang phát triển mạnh mẽ, mang lại sự kết nối giữa những giá trị hữu hình, người dân địa phương và phát triển du lịch.
Trong đó, tập trung vào các tiện ích đa dạng và hấp dẫn cho người dân, các công trình mang tính biểu tượng để nới rộng không gian công cộng, bảo tồn các giá trị truyền thống, thiết kế cảnh quan để bảo vệ các yếu tố tự nhiên bất lợi và hạn chế xói mòn bờ biển, các cơn bão hàng năm.
Ông Nguyễn Cửu Loan, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội quy hoạch phát triển đô thị TP. Đà Nẵng, cho hay tuyến đường Nguyễn Tất Thành được thành phố xác định là động lực để phát triển khu Tây Bắc. Tuy nhiên, hiện nay, tuyến đường này chưa được khai thác triệt để những lợi thế và tiềm năng.
Theo ông Nguyễn Cửu Loan, hiện thành phố đang lập quy hoạch các phân khu chức năng, trong đó có vùng ven vịnh Đà Nẵng. Sau khi có phân khu chức năng, chắc chắn tuyến đường Nguyễn Tất Thành sẽ đẹp hơn.
Tín hiệu tích cực cho tuyến đường Nguyễn Tất Thành là hiện nay nhiều chủ đầu tư lớn đã và đang triển khai các dự án quy mô dọc tuyến đường này và những khu vực liền kề.
Nói về lý do chọn vịnh Đà Nẵng thay vì biển Mỹ Khê – 1 trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh- để xây dựng khu nghỉ dưỡng 5 sao, ông Odaka Yoshimune, Chủ tịch Tập đoàn Mikazuki (Nhật Bản), cho biết vịnh Đà Nẵng có rất nhiều lợi thế, tiềm năng. Khu nghỉ dưỡng đi vào hoạt động sẽ kích thích, thu hút thêm nhiều sản phẩm du lịch mới tại đây.
Năm 2017, trong chuyến công tác tham dự hội nghị xúc tiến đầu tư tại Đà Nẵng của Chủ tịch Tập đoàn Mikazuki được tận mắt chứng kiến vẻ đẹp uốn cong như hình dáng trăng lưỡi liềm của vịnh Đà Nẵng đã khiến ông quyết định đầu tư vào đây.
Chủ tịch Tập đoàn Mikazuki cũng cho biết thêm, Tập đoàn sẽ đầu tư khu phố đêm ven bãi biển để tạo điểm vui chơi cho người dân, du khách và xây dựng cầu đi bộ bắc qua đường Nguyễn Tất Thành ra phía biển, dự kiến hoàn thành năm 2023, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Nhật Bản.
Ông Nguyễn Hà Bắc, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu, cho biết Công ty TNHH Huni Việt Nam đang làm thiết kế cảnh quan tuyến đường Nguyễn Tất Thành, đã báo cáo thành phố 2 lần và đang cho trình Hội đồng kiến trúc.
"Khi làm xong, bộ mặt của tuyến đường Nguyễn Tất Thành sẽ khác hẳn, vịnh Đà Nẵng sẽ sống dậy ngay", ông Nguyễn Hà Bắc nói và mong muốn các sở, ngành, Hội đồng kiến trúc sớm cho ý kiến để thành phố thông qua hoạch này.
Đối với khu vực bên trong đường Nguyễn Tất Thành, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu, cho rằng cần khai thác các hoạt động nghỉ dưỡng thúc đẩy sự phát triển của địa phương.
"Vệt giao với đường Nguyễn Sinh Sắc đến Khu nghỉ dưỡng Mikazuki nếu không đầu tư lại thì rất uống, đoạn này mới 8 giờ tối đã vắng hoe. Đối với những lô đất của các cá nhân, nên thống nhất cho phép ghép thửa để đấu giá cho thuê. Có như vậy mới có nhà đầu tư vào làm, mới có những nhà hàng đẳng cấp… Chủ các lô đất là những người được hưởng lợi từ việc cho thuê đất và nhà nước không can thiệp vào", ông Nguyễn Hà Bắc nói.
Đối với khu vực có khu nghỉ dưỡng Mikazuki, quận Liên Chiểu đang có kế hoạch đưa các dịch vụ, sự kiện ban đêm để thu hút người dân và du khách đến tham quan, vui chơi, tạo sự sôi động cho khu vực này.
Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP. Trần Phước Sơn có buổi làm việc với các sở ngành, công ty thiết kế kiến trúc và đơn vị liên quan về việc thiết kế cảnh quan tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành.
Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Phước Sơn yêu cầu các sở ngành, Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng phối hợp với Công ty TNHH Huni Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thiết kế các cảnh quan, tiện ích như bãi đậu xe, vịnh đậu xe... tại các điểm nút giao thông đảm bảo an toàn trật tự giao thông.
Môi trường ven biển của khu vực đường Nguyễn Tất Thành chịu tác động của khí hậu và thời tiết, đặc biệt là vào các mùa mưa bão. Vì vậy, Phó Chủ tịch Nguyễn Phước Sơn yêu cầu tại các vị trí trồng cây nên chọn các chủng loại phù hợp, chịu được thời tiết khắc nghiệt. Trên vỉa hè, có thiết kế các giàn cây hoa leo, trồng các loại cây hoa... tạo thêm cảnh quan và bóng mát cho người đi bộ.
Cùng với đó, cần có phương án thiết kế hệ thống điện chiếu sáng, trang trí trên toàn tuyến với nhiều hình thức để tạo sự thu hút cho tuyến phố du lịch, thương mại.
Xây dựng trung tâm du lịch ven vịnh Đà Nẵng Tại Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về xây dựng và phát triển Liên Chiểu đến năm 2030 và những năm tiếp theo, nhiệm vụ được đưa ra cho Liên Chiểu là tập trung xây dựng và phát triển quận trở thành đô thị thông minh, bền vững, là trọng điểm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, trung tâm logistics, điểm đến du lịch hấp dẫn của thành phố. Trong đó, ưu tiên hình thành các trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm mới, đẳng cấp và hiện đại, phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân, du khách trong nước và quốc tế. Chủ động khảo sát, đề xuất chủ trương thí điểm phát triển kinh tế vườn rừng, kết hợp du lịch sinh thái, hình thành các dịch vụ du lịch chất lượng cao trên cơ sở khai thác hiệu quả quỹ đất ven sông, ven biển, như: Du lịch nghỉ dưỡng ven biển và du lịch thể thao giải trí biển, du lịch sinh thái sông nước, du lịch cộng đồng, phấn đấu xây dựng quận Liên Chiểu trở thành một trung tâm du lịch ven vịnh Đà Nẵng gắn với các hoạt động giải trí, du lịch thể thao biển. Nghị quyết cũng yêu cầu quận Liên Chiểu phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, đề xuất xúc tiến triển khai cải tạo cảnh quan trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành. Chủ động phối hợp với các sở, ngành thành phố tham mưu thực hiện Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhất là các nội dung liên quan đến quận; đẩy nhanh công tác rà soát, điều chỉnh, tham mưu lập quy hoạch các phân khu, trong đó có phân khu ven vịnh Đà Nẵng. |
(VNF) - Ngắm nhìn các hoạt động trong Ngày hội thống nhất non sông qua ống kính máy ảnh của tác giả Nguyễn Hữu Tấn.