Data Center: 'Xương sống' của kinh tế số

Ngọc Lưu - 28/05/2024 06:30 (GMT+7)

(VNF) - Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số hiện nay, cuộc đua phát triển trung tâm dữ liệu (Data Center) tại Việt Nam ngày càng sôi động, với sự tham gia của những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu như Viettel, VNPT, FPT, CMC, VNG…

Cùng với hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng Internet kết nối vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud), Data Center đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hình hạ tầng số.

Sân chơi của nhiều “ông lớn”

Dự báo những năm tới, thị trường Data Center Việt Nam sẽ có sự bùng nổ với quy mô đến năm 2030 đạt 1,26 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng kép bình quân gần 11%... Trong chiến lược xây dựng Hạ tầng số quốc gia, Việt Nam đặt mục tiêu đến 2025 sẽ có 100% cơ quan Chính phủ, 70% doanh nghiệp sử dụng điện toán đám mây của đơn vị trong nước.

Cùng với thị trường điện toán đám mây (cloud), thị trường Data Center tại Việt Nam đang thu hút đầu tư lớn của nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu như Viettel, VNPT, FPT, CMC, VNG…, với số vốn đầu tư ngày càng lớn. Điều này phần nào thể hiện kỳ vọng của các nhà đầu tư là Việt Nam sẽ trở thành trung tâm công nghệ số (digital hub) thứ tư ở châu Á, sau Trung Quốc, Singapore và Nhật Bản. Đây được xem là những lý do để thúc đẩy mạnh mẽ các doanh nghiệp trong nước đầu tư nhiều hơn nữa cho lĩnh vực Data Center.

Trung tâm dữ liệu VNPT IDC Hòa Lạc

Tuy nhiên, hiện Việt Nam mới chỉ có gần 30 trung tâm dữ liệu, chiếm chưa tới 1% số lượng Data Center trên toàn thế giới. Như vậy có thể thấy dư địa phát triển của Data Center tại Việt Nam là rất lớn.

Trao đổi với Đầu tư Tài chính, đại diện một doanh nghiệp đang đầu tư Data Center đánh giá hạ tầng số nằm trong định hướng lớn của Chính phủ về công tác quản lý và thúc đẩy phát triển, là nền tảng triển khai các hệ thống công nghệ thông tin và tạo động lực phát triển kinh tế số dựa trên dữ liệu. Nói cách khác, Data Center đóng vai trò như “xương sống” của nền kinh tế số.

Theo vị này, việc làm chủ các Data Center trong nước sẽ giúp Chính phủ và doanh nghiệp đảm bảo an toàn cho dữ liệu đồng thời tăng khả năng quản lý dữ liệu một cách hiệu quả hơn, từ việc lưu trữ đến xử lý và phân tích. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh gia tăng các cuộc tấn công mạng và tăng cường sử dụng dữ liệu cá nhân.

Bên cạnh đó, việc làm chủ các Data Center trong nước cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển dịch vụ số thông qua việc cung cấp nền tảng cơ sở hạ tầng cho các ứng dụng và dịch vụ số, từ các ứng dụng di động đến các hệ thống quản lý thông tin của Chính phủ.

“Xây dựng và quản lý các Data Center sẽ tạo ra nhu cầu về nhân lực kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đồng thời cung cấp cơ hội cho các nhà phát triển và chuyên gia kỹ thuật trong nước. Ngoài ra, việc làm chủ các Data Center trong nước cũng giúp tăng cường hiệu suất vận hành của các hệ thống thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự chuyển đổi số của doanh nghiệp và Chính phủ”, đại diện doanh nghiệp này nhấn mạnh.

Những “rào cản” cần được tháo dỡ

Thị trường Data Center Việt Nam vẫn còn những thách thức cần vượt qua. Có thể kể đến là các vấn đề về kết nối quốc tế, kết nối cáp quang biển vừa thiếu vừa không ổn định, các quy định pháp lý và thủ tục đất đai còn tương đối phức tạp. Đây cũng là những rào cản làm cho lĩnh vực Data Center tại Việt Nam chưa đạt được sự phát triển như kỳ vọng.

Ảnh minh hoạ

Ngoài ra, trong một số trường hợp, quy định pháp lý về việc xây dựng và vận hành trung tâm dữ liệu có thể làm tăng chi phí và thời gian cần thiết để tuân thủ các quy định, đặc biệt là khi các quy định cũng cần được điều chỉnh để phản ánh môi trường kinh doanh hiện đại. Các quy định pháp lý về bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư có thể ảnh hưởng đến cách thức thu thập, lưu trữ và xử lý dữ liệu của các Data Center, nơi cung cấp dịch vụ cho các khách hàng sử dụng các hệ thống, ứng dụng liên quan. Việc đảm bảo bảo mật và an toàn cho dữ liệu trong trung tâm dữ liệu là một yêu cầu bắt buộc, nhưng việc tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định bảo mật có thể gặp phải nhiều thách thức kỹ thuật và pháp lý.

Bên cạnh đó, việc xây dựng và vận hành một Data Center đòi hỏi một hạ tầng vững chắc và môi trường lý tưởng, bao gồm điện năng ổn định, hệ thống làm mát hiệu quả, và vị trí địa lý phù hợp, đặc biệt phải phù hợp với quy hoạch, chiến lược quốc gia (ví dụ - quy hoạch điện, quy hoạch đất đai). Do vậy, để tạo ra môi trường thuận lợi và phát triển cho các trung tâm dữ liệu cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ, các nhà cung cấp dịch vụ và các bên liên quan.

Với vai trò là một trong những doanh nghiệp viễn thông - công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam, đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết doanh nghiệp này xác định mục tiêu trở thành nhà cung cấp hạ tầng số đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp hạ tầng viễn thông cho các dự án và chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, điều này cũng giúp các doanh nghiệp Việt Nam không còn lo lắng tìm kiếm nơi lưu trữ, xử lý dữ liệu bên ngoài Việt Nam, cũng như thu hút được các khách hàng trên toàn cầu.

Mục tiêu này đã được VNPT hiện thực hóa thông qua việc xây dựng và cung cấp dịch vụ Data Center với tiêu chuẩn an toàn, bảo mật hàng đầu cùng một hệ sinh thái toàn diện về hạ tầng số với 4 trụ cột: Trung tâm dữ liệu, Điện toán đám mây, Truyền dẫn và An toàn thông tin. Hiện, VNPT đang sở hữu 8 trung tâm dữ liệu hiện diện tại các tỉnh, thành phố lớn gồm Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM. Tất cả các Trung tâm này đều đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn khắt khe trong nước và quốc tế. Trong đó, trung tâm dữ liệu (IDC) Hòa Lạc là lớn nhất và hiện đại nhất tại Việt Nam, có khả năng cung cấp các dịch vụ dữ liệu cao cấp nhất Việt Nam, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu mang tính “may đo” của mọi phân khúc khách hàng trong nước và quốc tế.

“VNPT sẽ tiếp tục hợp tác với nhiều nhà cung cấp lĩnh vực IDC trên thị trường quốc tế để xây dựng tại Việt Nam những trung tâm dữ liệu có dung lượng lớn có khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước cũng như xu thế của thế giới về phát triển hạ tầng dữ liệu xanh và sạch”, đại diện VNPT nhấn mạnh.

Không chỉ VNPT, mới đây, Viettel cũng vừa khai trương trung tâm dữ liệu thứ 14 của mình tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) vào ngày 10/4. Trung tâm này được thiết kế với 60.000 máy chủ, hơn 2.400 tủ rack (tủ để lắp đặt các máy chủ), 21.000m2 diện tích mặt sàn, tổng công suất điện tiêu thụ lên đến 30MW - được xem là trung tâm dữ liệu lớn nhất tại Việt Nam tính đến nay. Nếu tính tổng cả 14 trung tâm dữ liệu thì Viettel đã có tới 230.000 máy chủ, 81.000m2 mặt sàn, 11.500 tủ rack, 87MW điện - tương đương một trung tâm dữ liệu lớn trên thế giới. Đây cũng là trung tâm dữ liệu đầu tiên cam kết hướng tới sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng 30% lượng điện tiêu thụ.

FPT hiện cũng đang xây dựng trung tâm dữ liệu thứ 4 của mình tại khu công nghệ cao TP. HCM. Hiện tại, FPT đang vận hành 3 trung tâm dữ liệu với tổng diện tích sàn là 17.000m2, 4.000 tủ rack... Với sự bùng nổ của chuyển đổi số ở Việt Nam, các doanh nghiệp đều cho biết sẽ tiếp tục phải xây dựng thêm nhiều trung tâm dữ liệu mới với quy mô “khủng” hơn nhiều để đáp ứng nhu cầu dữ liệu.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.