Tài chính quốc tế

Dầu bật tăng gần 6%, giá vàng 'nhảy vọt' trước nguy cơ xung đột lan rộng tại Trung Đông

(VNF) - Giá dầu tăng gần 6% vào ngày 13/10, trong đó giá dầu Brent đạt mức tăng hàng tuần cao nhất kể từ tháng 2, do các nhà đầu tư lo ngại xung đột ở Trung Đông có thể mở rộng khi Israel bắt đầu các cuộc tấn công bên trong khu vực Dải Gaza.

Dầu bật tăng gần 6%, giá vàng 'nhảy vọt' trước nguy cơ xung đột lan rộng tại Trung Đông

Ảnh minh hoạ.

Giá dầu bật tăng

Theo Reuters, ngày 13/10, giá dầu Brent chuẩn quốc tế kỳ hạn tháng 12 tăng 4,89 USD, tương đương 5,7%, lên mức 90,89 USD/thùng. Dầu thô West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ tăng 4,78 USD, tương đương 5,8%, lên 87,69 USD/thùng.

Cả hai loại dầu này đều có mức tăng phần trăm hàng ngày cao nhất kể từ tháng Tư.

Dầu thô Brent cũng ghi nhận mức tăng hàng tuần là 7,5%, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 2. Trong khi đó, WTI tăng 5,9% trong tuần do các nhà đầu tư vẫn lo ngại về căng thẳng địa chính trị leo thang ở Trung Đông - nơi có hơn 1/3 thương mại đường biển toàn cầu.

Trước đó, ngày 12/10, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mô tả các điều kiện thị trường là “đầy bất ổn” nhưng cho biết cuộc chiến Israel-Hamas vẫn chưa có tác động trực tiếp đến nguồn cung vật chất, đồng thời cố trấn an thị trường bằng cách đảm bảo sẽ lo đầy đủ nguồn cung trong mọi trường hợp thiếu hụt bất ngờ.

Thị trường khí đốt tự nhiên "bị đè nặng"

Tình hình ở Israel cũng đè nặng lên thị trường khí đốt tự nhiên châu Âu.

Giá khí đốt chuẩn châu Âu tương lai đã tăng tới 5,7% vào ngày 13/10 lên 56 EUR (59 USD)/megawatt giờ (MWh), trước khi giảm một chút vào cuối ngày. Giá đã tăng 44% kể từ cuối tuần trước.

Ông Massimo Di Odoardo, phó chủ tịch nghiên cứu khí đốt và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Wood Mackenzie, nói với CNN rằng việc tạm thời đóng cửa một mỏ khí đốt của Israel vào đầu tuần này, cung cấp khí đốt cho Ai Cập và Jordan, cũng như cho thị trường điện của Israel, đã đặt ra một rủi ro thực sự đối với châu Âu.

Ai Cập tự sản xuất rất nhiều khí đốt tự nhiên bên cạnh việc nhập khẩu và xử lý một phần trong số đó thành LNG để vận chuyển ra nước ngoài. Ông Di Odoardo cho biết nước này xuất khẩu khoảng 3 triệu tấn LNG trong mùa đông, phần lớn sang châu Âu. Nếu Ai Cập không thể nhập khẩu lượng khí đốt thông thường từ Israel, điều đó có thể dẫn đến xuất khẩu LNG ít hơn.

Theo ông Di Odoardo, một thông báo của gã khổng lồ năng lượng Mỹ Chevron vào đầu tuần này rằng các công nhân tại hai cơ sở LNG quan trọng của Úc dự định đình công cũng khiến các nhà đầu tư lo lắng. 

Ông nói thêm rằng việc đóng cửa tạm thời Balticconnector, một đường ống dẫn khí nối Phần Lan và Estonia cũng góp phần khiến thị trường khí đốt bị thắt chặt.

Giá vàng tăng

Vàng giao ngay tăng 3,2% trong ngày lên 1.928,99 USD/ounce và có mức tăng phần trăm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 3.

Động thái này diễn ra sau khi quân đội Israel kêu gọi dân thường rời khỏi Thành phố Gaza trước một cuộc tấn công dự kiến trên bộ, ​​nhằm đáp trả các cuộc tấn công tàn khốc của phiến quân Hamas vào cuối tuần vừa qua.

Thị trường chứng khoán ảm đạm, USD tăng

Ngày 13/10 tại Phố Wall, chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones tăng 39,15 điểm, tương đương 0,12%, lên 33.670,29. Chỉ số S&P 500 mất 21,83 điểm, tương đương 0,50%, xuống 4.327,78 và chỉ số Nasdaq Composite giảm 166,99 điểm, tương đương 1,23%, còn 13.407,23.

Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã giảm 8,2 điểm cơ bản xuống 4,629%.

Trong khi đó, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu (.STOXX) mất 0,98% và chỉ số chứng khoán toàn cầu của MSCI (.MIWD00000PUS) giảm 0,81%.

Đồng USD được hỗ trợ nhờ hoạt động mua vào mạnh mẽ khi xung đột leo thang. Chỉ số USD, đo lường đồng tiền của Mỹ so với 6 loại tiền tệ khác, tăng 0,11% lên 106,63. Trước đó, chỉ số này đã tăng 0,8% vào ngày 12/10, mức tăng trong một ngày lớn nhất kể từ ngày 15/3.

Xem thêm >> Xung đột Israel-Hamas kéo giá dầu tăng mạnh, có thể chạm ngưỡng 100 USD/thùng trong ngắn hạn

Tin mới lên